"Từ năm 2000 đến 2019, toàn cầu đã chứng kiến 7.348 thiên tai lớn, ảnh hưởng đến 4,2 tỷ người."
"Hơn 3 triệu trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần."
"Hàng triệu người đã mất mạng trong cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Palestine."
Giọng nữ phát thanh viên trầm ấm vang lên từng tin tức. Tôi mệt mỏi lướt ngón tay qua quyển tiểu thuyết lãng mạn đang đọc dở. Những câu chuyện xa xôi đó tại sao tôi phải quan tâm? Những vấn đề của những người xa lạ, biết để làm gì? Tôi tự hỏi rồi chìm đắm vào trang sách. Bỗng nhiên, cha tôi, từ lúc nào, đã gửi cho tôi một đoạn thơ của nhà thơ Trương Đăng Dung:
"...Mai ngày con lớn lên
bố không biết con sẽ nghĩ gì
bố không biết những con voi còn chết cóng ở phương trời xa
bố không biết những đàn chim còn bay về xứ nóng?...
bố chỉ mong trái tim con không bao giờ lạc lõng
trước mọi niềm vui, nỗi buồn, bất hạnh của thời con."
(“Viết cho con”)
Như bị một sức hút kỳ lạ, tôi lặng lẽ giải mã từng dòng thơ. Hình ảnh thiên nhiên bị tàn phá hiện lên rõ ràng "những con voi chết cóng", "những đàn chim bay về xứ nóng"… Từ "còn" như xoáy sâu vào thực trạng tàn khốc, không chỉ hiện hữu trong hiện tại mà còn tồn tại trong quá khứ và có thể tiếp diễn trong tương lai. Hai câu thơ cuối khiến tim tôi nghẹn lại: “bố chỉ mong trái tim con đừng bao giờ lạc lõng/ trước mọi vui buồn bất hạnh của thời con”. Tôi chợt nhận ra, những dòng thơ là lời nhắn nhủ, cũng là mong muốn của cha dành cho tôi. Cha hy vọng trái tim tôi không trở nên lạnh lùng "lạc lõng", không thờ ơ, dửng dưng trước cuộc sống, trước những khổ đau, bất hạnh. Cha mong trái tim tôi biết rung động, biết làm điều gì đó để cuộc sống tốt đẹp hơn. Và hơn thế, cha có lẽ mong rằng: dù cuộc đời có đổi thay, hoàn cảnh có biến đổi thì "tâm" mình phải luôn vững vàng.
Càng suy nghĩ, tôi càng thấu hiểu những lời nhắn nhủ của cha. Sống trong đời cần có một tấm lòng để quan tâm đến thời cuộc, đến những diễn biến của nhân sinh. Vì thế giới này luôn đầy rẫy những bất trắc khó lường. Hạnh phúc và đau khổ là hai dòng chảy đan xen không thể tách rời. Chúng ta, những người trẻ, là thế hệ tương lai, gánh trọng trách đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Nếu không quan tâm đến thời cuộc, nếu trái tim anh đóng cửa trước những tiếng vọng của cuộc đời, làm sao anh có thể tìm ra cách ứng phó và lường trước những nguy cơ tiềm ẩn?
Khi trái tim ta biết lan tỏa yêu thương, khi tâm hồn ta rộng mở đón nhận ngọn gió của thời đại, mảnh đất nhân cách trong ta sẽ càng màu mỡ. Mỗi người đều có những điểm mù trong tầm nhìn, và cách để giảm thiểu điểm mù ấy là học cách nhìn nhận toàn diện về thế giới. Ta không chỉ cần nắm bắt thông tin, sự kiện xung quanh mình mà còn cả những vấn đề đang diễn ra trên toàn cầu. Dù những sự kiện ấy tồn tại ở nơi xa xôi, nhưng sức ảnh hưởng của nó lan tỏa mạnh mẽ. Quan tâm đến thực trạng thời đại cũng là cách làm giàu chính mình, từ trí tuệ đến tâm hồn, từ nhận thức đến tính cách.
Nhà văn Nga Maxim Gorky từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình người”. Sẽ ra sao nếu con người quay lưng lại với tiếng kêu cứu của đồng loại? Liệu hành tinh này có còn tươi đẹp khi trái tim ta bỏ mặc mẹ Thiên nhiên đang cầu khẩn sự giúp đỡ? Thờ ơ với mọi người xung quanh, thờ ơ với những vấn đề xã hội cũng chính là thờ ơ với chính sự tồn tại đáng quý của mình. Tôi còn nhớ, hàng năm khi người ta đồng lòng tham gia sự kiện “Giờ Trái Đất” thì vẫn còn một số người thản nhiên bật nhạc, bật đèn. Thậm chí, trong dịch bệnh Covid-19, một số người đã lợi dụng lòng tốt của các mạnh thường quân, lấy cắp những phần quà miễn phí dành cho người nghèo. Tôi hiểu rằng, những mong mỏi của cha xuất phát từ thực trạng cuộc sống hiện đại đang dần bào mòn trái tim con người, biến họ thành những thực thể vô cảm.
Nhận thức là gốc rễ, hành động chính là quả ngọt. Muốn thay đổi thế giới hãy bắt đầu từ việc thay đổi chính chúng ta. Những lời nhắn nhủ của cha đã đánh thức trong tôi nhiều suy ngẫm về trách nhiệm của mình. Đã có lúc tôi chỉ lo cho những chuyện riêng của mình. Đã có lúc tôi không bận tâm đến những vấn đề cấp bách ngoài kia. Đã có lúc tôi dửng dưng trước lời kêu cứu của đồng loại. Giờ đây tôi cần học cách mở lòng, lắng nghe những vấn nạn của thời đại mình sống. Mỗi ngày tôi dành vài phút đọc báo uy tín cập nhật thường xuyên về những biến động trong nước và quốc tế. Tôi học cách phân biệt đâu là hành vi đúng để học tập và rèn luyện, đâu là tư tưởng lạc hậu, ích kỷ cần loại bỏ. Tôi còn nhớ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một số người ở Anh, Mỹ… đã biểu tình chống đeo khẩu trang vì cho rằng bị xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng có lẽ họ không hiểu rằng, hành động đó chứng tỏ trái tim họ đang trở nên vô cảm và nhận thức của họ chỉ xoay quanh bản thân. Kiểu tư duy đó cần loại bỏ để con người không dần sa vào vô cảm.
Nhận thức chỉ thực sự có kết quả khi tạo ra hành động. Là một người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi luôn tự nhủ phải tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện hoặc tham dự các diễn đàn, hội thảo về vấn đề thời sự. Khi chiến tranh xảy ra ở biên giới Ukraina, kiều bào người Việt đã tổ chức gian hàng nhu yếu phẩm giúp đỡ người dân gặp khó khăn. Một tấm lòng son lan tỏa thành hàng nghìn, hàng vạn tấm lòng ấm áp, đẹp đẽ khác. Biến cố là điều không tránh khỏi, nhưng tinh thần nhân ái sẽ là sợi chỉ đỏ kéo những trái tim lại gần nhau hơn.
Những câu thơ ám ảnh cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi. Thế giới luôn vận động và biến đổi không ngừng. Những sự kiện cứ tiếp diễn. Dù thời đại nào, thời gian nào vẫn có những vấn đề cần sự chung tay chia sẻ và quan tâm từ mọi người. Những con voi vẫn ngã gục trong giá lạnh, những cánh chim vẫn mỏi mệt tìm nơi trú ẩn nếu con người vẫn dửng dưng, vô cảm trước thời cuộc. Mở rộng tâm hồn và quan tâm đến thời cuộc chính là trách nhiệm của mọi công dân thời đại mới.