BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Cũng như việc mài sắt lâu ngày có thể thành kim, bất kỳ công việc nào cũng có thể hoàn thành, miễn là chúng ta biết cố gắng rèn luyện, kiên trì và không ngại khó khăn, gian khổ. Bài học sâu sắc được truyền tải qua câu tục ngữ "Có công mài sắt có ngày nên kim" không chỉ nằm ở sự tương phản giữa hai hình ảnh sắt và kim, mà còn gợi nhắc về giai thoại cuộc đời của nhà thơ nổi tiếng thời Đường – Lý Bạch.

Theo truyền thuyết, khi còn nhỏ, Lý Bạch là một cậu bé ham chơi và không chịu khó học hành như những đứa trẻ khác. Một ngày nọ, cậu bé bỏ học, trốn đi chơi dưới chân núi phía Đông. Thật kỳ lạ! Trước mắt cậu là hình ảnh một bà lão đang cặm cụi mài một thanh sắt trên một tảng đá lớn. "Một bà cụ già tóc bạc mà lại chăm chỉ mài một thanh sắt, không biết để làm gì nhỉ?" Cậu bé hết sức tò mò, liền rón rén lại gần và hỏi:

Bà ơi, bà mài sắt để làm gì thế ạ?

Bà lão ngẩng lên, mỉm cười và từ tốn đáp:

Để làm kim khâu, cháu ạ.

Làm kim khâu sao? Thanh sắt này làm sao có thể thành cái kim khâu được? – Cậu bé thắc mắc.

Mài mãi rồi sẽ thành. Ai kiên trì mài sắt thì sẽ có ngày biến nó thành kim - Bà lão trả lời với niềm tin chắc chắn.

Lý Bạch bán tín bán nghi, hỏi tiếp:

Vậy liệu hôm nay có thể làm xong không ạ?

Bà lão vẫn bình tĩnh mài và đáp:

Nếu hôm nay chưa xong thì mai mài tiếp, năm nay không xong thì năm sau lại tiếp tục, cứ thế ngày qua ngày, chắc chắn bà sẽ mài thành công.

Nghe đến đây, Lý Bạch bỗng ngộ ra và im lặng. Về nhà, cậu thường suy ngẫm về lời nói của bà lão và dần trở nên chuyên tâm học tập. Không bao lâu, Lý Bạch trở thành một thi sĩ xuất chúng với những bài thơ Đường tuyệt đẹp, độc đáo trong lịch sử văn học Trung Quốc. Từ đó, câu tục ngữ “Chỉ yếu công phu thâm/ Thiết chữ ma thành châm” – nghĩa là "Có công mài sắt, có ngày nên kim" – bắt đầu được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Ban đầu, câu tục ngữ này được dùng để nhận xét về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Bạch: từ chỗ lười biếng, nhờ gặp bà lão mà cậu đã siêng năng học tập, cuối cùng trở thành một tài năng kiệt xuất. Tuy nhiên, dần dần, câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim" đã vượt ra khỏi giới hạn của một cuộc đời hay sự nghiệp cụ thể, trở thành lời răn dạy về sự bền bỉ và ý chí kiên định trong công việc và cuộc sống.

sachhayonline