BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Truyện cổ tích "Sự tích cây vú sữa" không chỉ giải thích nguồn gốc của cây vú sữa mà còn truyền tải những bài học về lòng nhân ái và sự kiên trì. Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu hơn về giá trị của cây vú sữa trong đời sống và mang lại những ý nghĩa sâu sắc về tình yêu thương và dũng cảm.

1. Sự tích cây vú sữa

Ngày xửa ngày xưa, có hai mẹ con nhà nọ sống đơn chiếc cùng nhau trong một căn nhà nhỏ. Thương con trai mồ côi bố từ khi còn bé, người mẹ hàng ngày tần tảo làm việc để có thể đủ sức trang trải cuộc sống hàng ngày. Bà dành hết tình yêu và sự hy sinh của mình cho cậu con trai.

Được mẹ yêu chiều quá mức, cậu bé đâm ra hay vòi vĩnh, quấy khóc. Cậu thường hay tụ tập chơi bời với mấy đứa trẻ hư đi quấy phá làng xóm hoặc chơi những trò đùa tai quái khiến người khác bực tức. Có một lần nghịch dại, bị mẹ quát mắng mấy câu, cậu dỗi mẹ, vùng vằng bỏ nhà ra đi.

Đợi mãi không thấy con về, người mẹ đi tìm con hết ngày này sang ngày khác vẫn không thấy tin tức. Còn cậu bé thì vẫn cứ lang thang nay đây mai đó,và chơi những trò chơi tai quái mà không còn bị ai quản lý nữa. Ai cho gì thì ăn, không cho thì cậu giở trò trộm cướp.

Thấy cuộc sống tự do, đôi khi cậu bé nghĩ: “Giá như không có mẹ thì thích biết mấy! Mình sẽ tha hồ chơi bời mà không còn bị ai quản lý nữa!”

Một hôm, đang thơ thẩn trên đường, chú thấy một đàn vịt đẻ trứng trong lều. Chú liền lấy gạch đã ném vỡ rất nhiều trứng, coi đấy như một trò tiêu khiển thú vị.

Người chủ lều vịt đang ngủ, nghe tiếng vịt kêu hoảng sợ liền tỉnh giấc. Anh ta ngó nhìn ra ngoài qua khe cửa thì thấy cậu bé đang ném trứng. Điên tiết, anh vớ một cây gậy rất to chạy ra đuổi cậu bé. Cậu bé hốt hoảng chạy thục mạng, không dám ngoái đầu nhìn lại.

Chạy được một quãng đường khá xa, khi chắc chắn rằng anh chủ lều vịt đã không còn đuổi nữa, cậu bé nằm gục bên vệ đường thở hổn hển. Vừa mệt vừa đói, lúc này cậu mới nhớ đến người mẹ ở nhà: “Về nhà thôi, chỉ có mẹ mới là người yêu thương và lo lắng và bảo vệ cho mình nhất.”

Cuối cùng, sau bao ngày lặn lội, cậu bé cùng về được đến nhà mình. Cảnh vật vẫn còn đấy nhưng không thấy mẹ đâu, chỉ khác là có một cái cây lạ mọc ngay trước cửa nhà. Cậu bé cất tiếng gọi:

Mẹ ơi, mẹ đâu rồi. Con đã về rồi đây!

Cậu gọi mãi, không thấy có tiếng đáp lại. Thất vọng, cậu ngồi xuống bên gốc cây bật khóc. Bỗng nhiên cây xanh run rẩy, đơm hoa kết trái một cách nhanh chóng. Trong phút chốc, đã cho ra những quả da căng mịn và xanh óng ánh.

Cậu bé còn chưa hết ngạc nhiên, thì quả chín to nhất rụng xuống tay cậu. Đang cơn đói khát, cậu đưa quả lạ ấy lên miệng, cắn ngay một miếng rõ to. Nhưng cậu phải nhăn mặt lè ra ngay vì chát quá.

Quả thứ hai lại rơi xuống xuống tay chú. Lần này, chú lột vỏ ra, rồi cắn ngay một miếng, nhưng cứng quá vì cắn phải hạt.

Quả thứ ba tiếp tục rơi xuống tay chú. Chú vội vàng xoay quanh trái chín cho mềm ra, thì thấy trong trái nứt ra một kẽ nhỏ, một dòng sữa màu trắng trào. Chú ngửa mồm uống dòng sữa ấy, vị ngọt thơm y như dòng sữa của mẹ. Sau khi uống xong, cậu bé có cảm giác đó rất quen thuộc, khoan khoái đến lạ thường.

Cậu bé đâu có biết, vì thương nhớ cậu, người mẹ đã ngồi trước hiên nhà khóc rất nhiều ngày. Đến khi kiệt sức, bà ngã xuống và hóa thành một cây xanh mọc lên trước cửa, vẫn hàng ngày đợi cậu về.

Cậu bé ôm lấy cây. Vỏ cây xù xì như bàn tay tần tảo của mẹ, lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt người mẹ khóc cạn nước chờ con. Cậu nghe vẳng vẳng bên tai tiếng lá rì rào:

Ăn trái ba lần mới biết trái ngon

 

Con có khôn lớn mới hay lòng mẹ”

Đúng là tiếng của mẹ rồi! Chú bé òa lên khóc nức nở. Cây xanh lại run rẩy xòe những tán cây ra ôm lấy cậu bé, giống như người mẹ đang yêu thương, vỗ về con cái.

Thời gian trôi đi, nỗi nhớ thương về mẹ cũng dần nguôi ngoai. Cậu bé giờ đã trưởng thành hơn, không còn làm những điều khiến người khác bực tức, căm ghét nữa. Cậu đã biết trân quý hơn về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống.

Cậu mang những trái cây thơm ngọt ấy chia sẻ cho những người bạn của mình và kể cho họ nghe câu chuyện về người mẹ tuyệt vời, về những sai lầm mình đã mắc phải. Mọi người đều ngậm ngùi và tự hứa với bản thân phải cố gắng chăm ngoan hơn để không khiến cho mẹ phải phiền lòng.

Thấy cây ra trái thơm mát, ăn vào thấy khoan khoái, nên mọi người lấy hạt gieo trồng khắp nơi và đặt cho tên gọi là cây vú sữa.

2. Ý nghĩa rút ra từ sự tích cây vú sữa

Tình mẹ là một tình cảm thiêng liêng và cao quý, đã tồn tại từ bao đời nay. Mỗi người mẹ đều yêu thương con theo cách riêng của mình, nhưng tất cả đều có điểm chung là tấm lòng vô điều kiện, sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của con cái. 

Trong sự tích cây vú sữa, hình ảnh người mẹ không chỉ thể hiện tình yêu vô bờ bến mà còn thể hiện khả năng cảm hóa và dẫn dắt con cái. Câu chuyện này gửi gắm bài học quý giá về lòng hiếu thảo và sự biết ơn đối với cha mẹ. Nó nhắc nhở chúng ta rằng cần trân trọng và chăm sóc cha mẹ khi họ còn sống, đừng để đến khi quá muộn mà hối tiếc.

Lòng nhân ái và sự hi sinh: Câu chuyện thể hiện rõ sự hi sinh và lòng tốt của các nhân vật, nhấn mạnh rằng lòng nhân ái có thể đem lại những điều tốt đẹp và kỳ diệu cho cuộc sống.

Kiên trì và bền bỉ: Nhân vật trong truyện thể hiện sự kiên trì và quyết tâm vượt qua khó khăn, qua đó dạy chúng ta về giá trị của việc không bỏ cuộc và luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu.

Giá trị của thiên nhiên: Câu chuyện cũng làm nổi bật sự gắn bó và tôn trọng thiên nhiên, cho thấy việc hiểu và bảo vệ các yếu tố tự nhiên trong cuộc sống có thể mang lại những lợi ích quý báu.

👉 Kết thúc câu chuyện "Sự tích cây vú sữa", chúng ta không chỉ hiểu rõ nguồn gốc của cây vú sữa mà còn cảm nhận sâu sắc những bài học quý giá mà câu chuyện mang lại. Thông qua hình ảnh người mẹ hiền hậu và lòng dũng cảm của cậu bé, chúng ta thấy rõ giá trị của tình yêu thương vô điều kiện, sự hi sinh và lòng hiếu thảo trong gia đình.