Kiến Thức Đại Trà
Đã thi chuyên văn thì chắc chắn chúng ta phải nắm vững kiến thức nền rồi, đúng không nào? Tuy nhiên, mình vẫn muốn nhấn mạnh một lần nữa là đừng coi thường chương trình cơ bản nhé. Đối với học sinh chuyên, chúng ta sẽ có những “mẹo” để làm chủ kiến thức cơ bản dễ dàng hơn, cụ thể như sau:
1. Đối với thơ
Nhất định phải thuộc thơ ít nhất 3 lần. Hãy chú ý tới cả hình thức của nó, từ từng dấu chấm dấu phẩy đến cách viết hoa hay viết thường của mỗi chữ. Sự cẩn thận này sẽ rèn cho bạn một thói quen vô cùng có ích để tiến xa hơn trong quá trình học văn chuyên sâu.
2. Đối với truyện
Nắm kỹ các chi tiết quan trọng. Ban đầu mình học khá lười biếng và thiếu hệ thống, hậu quả là lãng phí thời gian và công sức. Sau này, khi làm việc với văn bản nhiều hơn, mình đã tìm ra một vài cách khá hay ho để các bạn chỉ cần đọc 2-3 lần nhưng vẫn có thể nắm được tinh thần chủ đạo và những vấn đề quan trọng của tác phẩm.
Tự tóm tắt câu chuyện: Điều này rất có ích. Bạn có thể làm bằng cách viết, hoặc tóm tắt cho một người khác chưa từng nghe câu chuyện ấy bao giờ, như bố mẹ hoặc em bé trong nhà. Nếu làm chủ được thao tác này, bạn sẽ có một cách nhìn mạch lạc về nội dung tác phẩm và trong quá trình tóm tắt, bạn cũng sẽ thể hiện được quan điểm và cách đánh giá của mình đối với từng sự kiện và nhân vật – một kỹ năng rất quan trọng để phân tích dài hơi.
Nếu ngại giao tiếp hoặc không nhờ được ai để lắng nghe, hãy làm như sau:
1. Chuẩn bị một quyển vở, một cây bút và văn bản cần đọc.
2. Tiến hành nghiên cứu văn bản, đọc đến chi tiết nào, gạch ra vở một hai từ khóa mà bạn ấn tượng nhất về chi tiết ấy. Điều này rất hiệu quả, đặc biệt là khi bạn phải ghi nhớ nhiều văn bản dài.
3. Sau khi ghi chép, hãy đóng sách lại, nhìn vào vở và kết nối những từ khóa bạn vừa viết ra giấy với các hình ảnh mà bạn cho là ấn tượng và có khả năng đánh thức ký ức của bạn. Điều này có thể mất 30-45 phút cho lần đọc đầu tiên, nhưng sẽ giúp bạn vừa nghiên cứu nội dung tác phẩm, vừa biểu diễn lại nó theo trí tưởng tượng của mình. Sau này, khi đã thấm hơn, bạn có thể bổ sung thêm các từ khóa và ý tưởng để hoàn thiện hình dung về tác phẩm. Giữ lại những tờ giấy đó nhé, vì trí nhớ không gian là một kho báu vô giá của con người. Khi ôn thi, bạn có thể chỉ cần lướt qua tờ giấy ghi chú ngắn, nội dung cả tác phẩm sẽ hiện lên trong bạn như một bộ phim.
3. Thuộc bố cục phân tích
Mỗi tác phẩm có một con đường tiếp cận hiệu quả riêng. Có tác phẩm chia theo nhân vật, tình huống, chi tiết, hoặc theo thời gian, không gian. Nắm được chìa khóa này, bạn sẽ không bao giờ sợ lạc đường.
4. Cách liên hệ kiến thức và tự huy động sáng tạo khi “không biết viết gì”
Bế tắc là vấn đề muôn thuở trong phòng thi. Đừng quá lo, mình đã rút ra được một số tips để “chém gió” đúng và trúng:
Kết nối kiến thức: Phân chia mọi vấn đề khó khăn của bạn thành các nhóm và lần lượt tìm cách giải quyết. Ví dụ với tác phẩm “Truyện Kiều”, khi nhắc đến giá trị nhân đạo sẽ luôn có bốn nội dung trọng tâm:
1. Phát hiện, đồng cảm
2. Cổ vũ ước mơ
3. Lên án, tố cáo
4. Đề ra giải pháp
Phân chia các chi tiết thành từng nhóm trong bốn dấu hiệu trên. Ví dụ như trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”:
1. Nguyễn Du phát hiện ra những bi kịch ẩn giấu của con người và thấu hiểu, bênh vực cho những kiếp tài hoa bạc mệnh.
2. Ông thấu hiểu nỗi niềm và mong nguyện thầm kín của tình yêu, khi để Kiều tưởng chàng Kim trước khi xót cha mẹ.
3. Lên án thế lực xấu xa như đồng tiền ô trọc và bọn buôn thịt bán người khi đã cưỡng ép và đánh đập Kiều.
4. Trong đoạn trích này không thể hiện rõ giải pháp, nhưng trong toàn tác phẩm, Nguyễn Du luôn khắc khoải về con đường giải thoát cho những số kiếp tài mệnh tương khắc.
Nếu bạn có hứng thú, mình sẽ làm tiếp đoạn sau hoặc một phần khác dành riêng cho học sinh Chuyên.
Hãy coi quá trình học văn như một trò giải đố lớn, mỗi giai đoạn là một câu hỏi cần trả lời. Việc “phân loại” kiến thức dựa trên các dấu hiệu như vậy có thể mang lại cho cách học văn của chúng ta những làn gió mới. Tin mình đi, điểm kém không phải do các bạn “dốt”, mà là chúng ta vẫn chưa tìm được cách thức “phù hợp” thôi!