Nhiều người hỏi mình rằng cảm xúc viết văn của mình xuất phát từ đâu và làm thế nào để nuôi dưỡng cảm xúc đó. Mình sẽ chia sẻ với các bạn, từ góc nhìn của một người học văn và một giáo viên văn nhé!
Là một người học văn
“Để viết một bài văn hay, cảm xúc là yếu tố cực kỳ quan trọng. Bạn không thể viết một bài văn hoàn chỉnh khi tâm trạng không ổn định. Cảm xúc có thể quyết định đến 60% điểm bài văn. Vậy mình đã nuôi dưỡng cảm xúc như thế nào?
- Trước hết, mình thường ra ngoài, uống trà chanh, đi chơi hoặc đơn giản là đi dạo để hòa mình vào cuộc sống và cảm nhận. Đừng để đôi chân của bạn chỉ nằm mãi trên giường nhé.
- Mình cũng xem phim hoặc nghe nhạc buồn, để đồng cảm với những nhân vật trong đó. Điều này rất mạnh mẽ trong việc tạo ra cảm xúc để viết văn. Mình đề cử phim “Bi thương ngược dòng thành sông” và các bài hát của Thịnh Suy =))))
- Ngoài ra, việc thích một ai đó cũng giúp nuôi cảm xúc. Dù hạnh phúc hay tổn thương, chúng ta luôn có cảm xúc. Tình yêu tuổi trẻ thường khó bền lâu, nên các bạn hãy cân nhắc chuyện này.
Mình xin bổ sung thêm:
- Đọc sách: Cảm xúc có thể được nuôi dưỡng bền bỉ nếu chúng ta đọc sách và nhớ lại những gì đã đọc. Để đọc sách hiệu quả:
- Đọc đúng: Chọn sách phù hợp với độ tuổi, tính cách và hoàn cảnh.
- Đọc đủ: Đọc vừa phải, tránh quá nhiều hay quá ít.
- Đọc đều: Duy trì thói quen đọc sách, rèn tư duy và cảm xúc từ những nội dung trong sách.
Nguyên tắc 3Đ (đúng, đủ, đều) mình đã áp dụng và thấy rất hữu ích.
- Viết lách: Mình thường xuyên viết, từ viết văn, làm đề đến ghi lại cảm xúc tản mạn, thậm chí làm thơ. Đôi khi, vài dòng thư tay hay nhật ký cũng giúp nuôi cảm xúc và cách diễn đạt.
Khi mình học lớp 9, mình thích một bạn cùng tuổi. Viết nhật ký với cảm giác lo mẹ hay ai đó đọc trộm thật thú vị. Vừa muốn viết vừa không muốn viết, cuối cùng vì cảm xúc dồn nén không biết nói cùng ai nên viết không ngừng.
- Theo dõi một vài trang văn yêu thích: Mình hay đọc ở các trang như Lí luận Văn học Việt Nam, Nguyễn Ngọc Tư, Mạng xã hội văn học, Chuyện của Hà Nội, Nhà thơ, Trạm đọc,...
Là một giáo viên văn
- Động lực đầu tiên để viết đến từ việc học sinh hỏi bài. Các bạn học sinh hay hỏi những kiến thức, tác phẩm không theo kế hoạch. Đó là cơ hội để mình “đào bới vốn văn vở” mỗi ngày.
- Mình cần tài liệu cho học sinh tham khảo, và thế là lại viết. Viết bài cho học sinh giống như deadline “dí” sát, vừa áp lực vừa phấn khởi.
- Một phần cảm xúc viết đến từ việc "cóp nhặt" từ học sinh. Một số học sinh mình dạy có văn phong cực hay và sâu sắc, cách dùng từ khiến mình nể phục. Sau khi đọc bài của các bạn ấy, cảm xúc của mình bùng lên, thức đêm viết lách. Học tập và tham khảo từ học sinh chẳng có gì xấu hổ cả, nhỉ?