Bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương thể hiện tình cảm sâu nặng, kính yêu của tác giả dành cho Bác Hồ. Qua những hình ảnh giàu cảm xúc và ngôn ngữ giản dị, bài thơ khắc họa lòng biết ơn, niềm tự hào và nỗi tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ vĩ đại.
“Bác Hồ” - tiếng gọi sao mà thân thương đến thế! Người là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ ca Việt Nam, với vô số bài thơ về Người, mỗi bài thơ lại dẫn ta đến những miền cảm xúc khác nhau. Thật vậy, nếu “Sáng tháng năm” của Tố Hữu là tình cảm tha thiết, sôi nổi của nhà thơ với Bác khi ở chiến khu, hay “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ là niềm xúc động trước tình thương bao la của Người với mọi người, thì “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương là bài ca chân thành, cảm động đối với Người, và có lẽ đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về Người!
Viễn Phương là một trong những cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng giải phóng miền Nam trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ “Viếng lăng Bác” được in trong tập “Như mây mùa xuân” (1978), ra đời khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước thống nhất và lăng Chủ tịch vừa được khánh thành năm 1976.
Bài thơ mở đầu tự nhiên, như lời kể chuyện nhưng chứa đựng bao xúc cảm của nhà thơ:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
Giọng điệu câu thơ nhẹ nhàng, thiết tha và sâu lắng, với cách xưng hô thân thiết “con” - “Bác” nghe thật gắn bó như người một nhà. Bác đã mất, nhưng trong lòng Viễn Phương cũng như hàng triệu người con đất Việt khác, Bác vẫn sống mãi trong lòng chúng ta! Tác giả đã dùng từ “thăm”, như muốn nhấn mạnh rằng Bác vẫn còn sống và đây chỉ là một chuyến thăm từ miền Nam - nơi Bác đã gửi gắm biết bao yêu thương, niềm tin và hy vọng.
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Không phải ngẫu nhiên mà Viễn Phương nhắc tới những hàng tre. Tre là loài cây dẻo dai, kiên cường bất chấp mọi khó khăn của thiên nhiên, trở thành biểu tượng cao đẹp của người dân Việt Nam. Tre của Viễn Phương cũng không ngoại lệ: “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”. Thán từ “Ôi!” bộc lộ cảm xúc mãnh liệt, tha thiết khi nhìn thấy hàng tre bất khuất muôn thuở trong kháng chiến. Tre của Viễn Phương còn ẩn dụ cho những người lính canh tận tụy bảo vệ giấc ngủ của Người.
Khổ thơ tiếp theo là cảm xúc của Viễn Phương khi hòa vào dòng người thăm lăng Bác.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Mặt trời là nguồn sáng bất tận của vũ trụ, không thể thiếu trên trái đất. Bác cũng vậy, không thể thiếu trong con đường cứu nước của dân tộc. Nếu ánh sáng mặt trời soi sáng đường đi, giúp sinh vật phát triển, thì mặt trời trong lăng kia đã soi sáng cho cách mạng Việt Nam, soi sáng tâm can lòng người, cứu biết bao sinh mệnh trước chiến tranh đau thương, và dẫn ta đến niềm vui, hạnh phúc. Bác được Viễn Phương ngợi ca như mặt trời - thứ ánh sáng bật diệt của thế gian. Với nghệ thuật nhân hoá “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”, nhà thơ như gửi gắm niềm tin về sự trường tồn mãi mãi của Người đối với đất nước. Mặt trời “rất đỏ” gợi cho ta trái tim nhiệt huyết của Bác, một trái tim nhiệt huyết với cách mạng, với nhân dân, với đất nước.
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”
“Ngày ngày” lặp lại hai lần thể hiện sự nối tiếp thời gian, tạo nhịp điệu chậm rãi và lắng sâu của dòng người đi thăm lăng Bác. Viễn Phương đã khéo léo sử dụng nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, khiến những con người ấy đi “trong thương nhớ” và kết tràng hoa gửi tặng đến Bác. Những tràng hoa đẹp nhất, thơm nhất, lung linh nhất để tỏ lòng biết ơn.
“Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
“Bảy mươi chín mùa xuân” không chỉ là tuổi của Bác mà còn nhấn mạnh rằng trong bảy mươi chín mùa xuân ấy, Bác đã không ngừng cống hiến hết mình để mang tới bao mùa xuân ấm êm hạnh phúc cho muôn dân. Giờ đây dòng người kia muốn tỏ lòng biết ơn tới Bác bằng những bông hoa tươi thắm nhất.
Đến khổ thơ tiếp, cảm xúc của nhà thơ mãnh liệt biết bao khi thấy Người, nhìn thấy vị cha già kính yêu của dân tộc:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
Tác giả lại sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh, chẳng phải Bác chỉ mệt quá chỉ ngủ chút thôi? Cả cuộc đời Bác có lẽ chẳng có nổi một giấc ngủ yên bởi vì Bác lo cho nước nhà, cho Tổ quốc và “chỉ biết quên mình cho tất cả”. Câu thơ khẳng định lại Bác mãi sống trong lòng nhân dân Việt Nam. Chúng ta đều biết rằng trong thơ của Bác, trăng đã thành tri kỷ và có người nói rằng “thơ của Bác đầy trăng”. Từ chiến khu Việt Bắc đến lúc bàn việc quân hay trong tù, và giờ đây khi đã nhắm mắt, trăng vẫn luôn theo Bác, vẫn luôn là bạn tri kỷ của Người.
“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim”
Viễn Phương cho ta thấy cách sử dụng ngôn từ khéo léo của mình qua cách nói “Vẫn biết - Mà sao” khiến người đọc đau nhói vô cùng khi không thể phủ nhận quy luật của tạo hóa: có sinh có tử. “Trời xanh” biểu tượng vĩnh hằng của thiên nhiên, vũ trụ và cũng là ẩn dụ cho Bác. Người vẫn còn sống với non sông, dân tộc, mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam. Dù lí trí vẫn tin là thế nhưng hàng triệu con đất Việt vẫn không nguôi đau xót, tiếc thương trước sự ra đi của Người. Nỗi đau quặn thắt, tê tái tận đáy sâu tâm hồn như hàng nghìn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức của nhân dân ta, và rồi chính sự ra đi của Bác cũng khiến thiên nhiên nhỏ lệ tiếc thương.
“Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”
Bao tình yêu thương, nỗi nhớ giờ lại càng đau hơn bởi ông sắp phải xa Bác, xa người cha kính yêu. Trong phút nghẹn ngào ấy, tác giả có những ước nguyện hóa thân bình dị và khiêm nhường. Ông muốn hóa thân thành con chim nhỏ bé để hót những âm thanh thật trong trẻo cho Người nghe mỗi ngày, muốn hóa thành đóa hoa, gửi những hương thơm bát ngát quanh lăng. Hàng tre lại xuất hiện ở cuối bài thơ tạo kết cấu đầu cuối tương ứng trọn vẹn. Nếu đầu bài, cây tre xuất hiện với phẩm chất rất Việt Nam của nó “Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”, thì ở đây hàng tre lại được nhà thơ nhấn mạnh phẩm chất “trung hiếu”. Đó như điều khắc cốt ghi tâm những gì Bác đã nói “Trung với nước, hiếu với dân”. Viễn Phương đã dùng nghệ thuật ẩn chủ ngữ, khẳng định rằng ước nguyện trên không chỉ của riêng ông mà còn của biết bao người con Việt Nam khác. Họ luôn thực hiện những lời Bác dạy: quyết tâm theo lí tưởng, đi theo sự nghiệp cách mạng đúng đắn của Người.
Bài thơ có giọng điệu trầm lắng, trang trọng, tha thiết với nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc. Bài thơ như chạm đến trái tim người đọc, để lại trong họ niềm xúc động sâu xa trong một nỗi buồn man mác: ôm cả non sông một kiếp người, Bác đã đi rồi sao Bác ơi!