Bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh thể hiện cảm xúc tinh tế trước khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Qua những hình ảnh giản dị, gần gũi, tác giả gợi lên vẻ đẹp nhẹ nhàng của thiên nhiên và sự chuyển biến của đất trời, ẩn chứa nhiều suy tư sâu lắng.
“Thơ là viên kim cương lấp lánh dưới ánh mặt trời" (Sóng Hồng). Viên kim cương ấy sẽ tỏa sáng với màu sắc riêng biệt của cuộc đời, như cách mà Hữu Thỉnh đã chạm khắc tiếng thơ của mình vào thế giới thi ca bốn mùa nhiều dư vị. Năm 1997, khi ở ngưỡng cửa cuối của tuổi trẻ, ông đã thổ lộ hết tâm tư của mình qua những tiếng thơ khắc khoải. “Sang thu” với giọng thơ sâu lắng và trữ tình, đã nhẹ nhàng vỗ về xúc cảm của độc giả. Đây chính là những tâm sự, hoài niệm của Hữu Thỉnh khi đứng giữa khúc giao mùa đầy rung động của đất trời…
Tại sao không phải là “Thu sang” mà là “Sang thu”? Tất cả đều là dụng ý của tác giả. Với tiêu đề “sang thu”, ta cảm nhận được sự chuyển động của sự vật, mọi thứ như có hồn hơn, sinh động hơn. Nghệ thuật đảo ngữ này có thể thấy trong câu thơ “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” (Truyện Kiều) của Nguyễn Du. “Sang thu” tạo cảm giác mùa hạ đang chủ động chuyển mình thành một sắc trời mới, dịu dàng, mát mẻ hơn. Đây là cách làm tuy không mới nhưng rất riêng của Hữu Thỉnh, hữu ý tạo nên sự chiêm nghiệm len lỏi trong lòng độc giả.
Nhật Chiêu từng nói: “Thơ ca, trong bản chất của nó là mây, là một thể vô định và huyền ảo. Và thơ ca, cũng còn là bão tố.” Và có lẽ, cái đám mây “vô định và huyền ảo” ấy bỗng dưng ùa về lấp kín hồn thơ của Hữu Thỉnh, bất ngờ và hư ảo như cái hương thơm quen thuộc từ đâu xộc vào hồn ông, khiến thi nhân giật mình thảng thốt:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
Từ “bỗng” mở đầu bài thơ như dấu hiệu báo trước cho sự xuất hiện của không gian và thời gian. Nhân vật trữ tình đã cảm nhận được biết bao điều trong sự xuất hiện ấy, như đã đợi sẵn người ta từ lâu:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se”
Tín hiệu đầu tiên để tác giả nhận ra mùa thu là hương ổi - một thứ hương thơm mộc mạc, giản dị và thân quen của trời thu phương Bắc. Thu trong thơ Hữu Thỉnh không phải là “ao thu lạnh lẽo” của Nguyễn Khuyến, không như “rặng liễu điều hiu” và “lá mơ phai” của Xuân Diệu, lại càng khác với “hương cốm mới” của Nguyễn Đình Thi. Ông chẳng đi theo lối mòn sáo rỗng, với tâm hồn lãng mạn ấy, thu không chỉ là trời xanh, hoa cúc, hương cốm hay nắng vàng, mà còn là mùi hương ổi chín nơi quê nhà mộc mạc, ấm nồng. Sớm thu khơi gợi nên bao xúc cảm nhân gian, gợi lại ký ức tuổi thơ mà ta chẳng thể quay về. Chính tác giả từng tâm sự: “Giữa đất trời mênh mang, giữa khoảnh khắc giao mùa kỳ lạ thì điều khiến tâm hồn lay động phải giật mình nhận ra đó chính là mùi hương ổi... Nó giống như mùi bờ bãi, mùi non trẻ… hương ổi tự nó xộc thẳng vào miền thơ ấu thân thiết trong tâm hồn chúng ta”. Thứ hương kia không “bay”, không “quyện” mà “phả”, xộc thẳng vào khứu giác, từ ngữ gợi tả ấy gợi hương thơm đậm đặc nồng nàn lan trong gió, được làn gió se lạnh mang đi khắp ngõ ngách làng quê. Các dư vị của hương ổi như neo đậu trong tâm trí người đọc một ấn tượng khó phai.
Hai câu thơ tiếp theo mở rộng không gian, với khung cảnh mang màu sắc huyền ảo:
“Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
Sương nhỏ li ti giăng màn khắp nơi được nhân hóa qua từ láy “chùng chình” gợi cảm giác sương bị thời gian níu lại, chưa muốn tan vào không gian. Từ láy ấy cũng là tâm trạng của Hữu Thỉnh, chút tiếc nuối, chút quyến luyến và bịn rịn khi nhận ra mùa hạ đã qua. Không gian “ngõ” mà sương theo gió đi qua là ngõ thực, và cũng là cửa ngõ của thời gian, không gian giao mùa. Tác giả cảm nhận dấu hiệu của mùa thu bằng tất cả các giác quan và sự tinh tế trong tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ thực thụ. Trong sự ngỡ ngàng, khứu giác, xúc giác và thị giác đều mách bảo rằng thu đã về, nhưng con người vẫn chưa dám tin. Thành phần tình thái “hình như” tựa sự phỏng đoán nửa tin nửa ngờ, là ngỡ ngàng, xao xuyến của thi sĩ trước khung cảnh đất trời sang thu. Nếu ở khổ thơ đầu tiên, tiết trời gợi nên từ “hương ổi” và “gió”, cái mờ mờ ảo ảo của “sương” hay không gian “ngõ” nhỏ hẹp, thì sang khổ thơ thứ hai, mọi vật chân thật và hữu hình hơn:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.”
Tới đây, cái bỡ ngỡ ban đầu tan biến, nhường chỗ cho những rung cảm mãnh liệt. Bức tranh sang thu được miêu tả ở tầm nhìn xa hơn, cao rộng hơn của bầu trời, dài ra và rộng thêm của dòng sông. Hai câu thơ đầu tuy đối lập nhưng là nét chấm phá đặc trưng của sắc thu:
“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã.”
Thiên nhiên trong thơ được nhân hóa trở nên vừa có hồn vừa có tình. Dòng sông lúc sang thu không còn cuồn cuộn gấp gáp mà trở nên thong thả dềnh dàng, lờ lững trôi như suy tư. Đối lập với dòng sông là những cánh chim vội vã, gấp rút như đứa con sợ lỡ mất chuyến xe cuối cùng trở về nhà. Phải tinh tế biết bao để Hữu Thỉnh nhận ra cái “được lúc” và cái “dềnh dàng” của thời gian tưởng như luôn nhịp đều đều không thay đổi. Đại thi hào M.Gorki từng nói: “Thơ là tâm hồn”, vậy hồn nhà thơ phải luôn đong đầy cảm xúc mới có thể cho ra đời những dòng thơ sâu sắc như vậy.
Thế nhưng, đấy chưa phải là tất cả tinh hoa của vị thi sĩ tài hoa, hai câu thơ tiếp theo thể hiện những gì đẹp nhất của tác phẩm:
“Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Hiện lên trước mắt là bức tranh thu lãng mạn và trữ tình của đất trời. Thu chỉ ở nơi cửa ngõ của mùa, đám mây chỉ vừa mới “vắt nửa mình”. Nghệ thuật ẩn dụ “vắt nửa mình” khiến câu thơ thêm đậm ý vị, duyên dáng và vô cùng gợi ảnh. Ta cũng từng bắt gặp đám mây như vậy trong thơ của Lê Thu An:
“Mây trời một dải trắng pha
Vắt ngang sườn núi chiều thu ngập ngừng”
Mây của Lê Thu An “vắt ngang” sườn núi - một sự vật hữu hình, ta có thể nhìn, có thể cảm. Đám mây của Hữu Thỉnh lại như một dải lụa bồng bềnh vắt nửa mình sang thu. Trên đời này giữa hạ và thu không có một “ranh giới” rạch ròi nào phân cách, nhưng Hữu Thỉnh lại vẽ nên ranh giới cho một thứ vô hình như thế. Ông dùng hình ảnh không gian để diễn tả sự vận động diệu kỳ của thời gian. Đám mây là thật, nhưng ranh giới của mùa là ảo. Bầu trời như nhuộm nửa sắc thu, đến một lúc nào đó sẽ là cả một bầu trời trong vắt như pha lê:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”
(Thu điếu - Nguyễn Khuyến)
Hai câu thơ không chỉ hát về khúc ca mùa mà còn chứa suy tư, trăn trở của nhà thơ. Khi viết bài thơ này, tác giả từng liên tưởng đến những đám mây thu trọn vẹn. Nhưng dường như đã có gì níu giữ tâm trí ông theo chiều hướng