Tết là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được báo hiếu và hưởng ân phúc.
1. Cảm nhận về ý nghĩa của ngày Tết học sinh giỏi - Mẫu số 1
Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới.
Đồng thời, tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên. Ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chuyển đổi lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta.
Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ.
Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn ki-lô-mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời.
“Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng
buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng.
Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Rõ nét nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về…Tết đến từ ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về Trời tâu việc trần gian thì không khí Tết bắt đầu rõ nét.
Tết cổ truyền Việt Nam là thế đơn sơ nhưng ấm áp và tràn đầy tình thương. Lòng tôi lâng lâng nhìn hoa Đào,hoa Mai đang ra hoa trước nhà lòng hân hoan mong chờ tết đến. Mong xuân về đẻ xóa tan cái giá lạnh của mùa đông và mang tia nắng ấm áp về với mọi người mọi nhà.
Cảm nhận về ý nghĩa của ngày Tết học sinh giỏi - Mẫu số 2
Khi mà sự lạnh giá của mùa đông đang dần được sưởi ấm thêm bằng những tia nắng mai cũng là lúc mùa xuân tới - báo hiệu ngày Tết Nguyên Đán đang ngày một đến gần. Từ biết bao đời nay, ngày Tết cổ truyền chính là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa đối với mọi người dân Việt Nam.
Những ngày Tết thực sự sẽ chỉ được tính từ sau đêm giao thừa đến hết ngày mùng 3 tháng Giêng, thế nhưng không khí ngày Tết cổ truyền có lẽ đã hòa quyện vào khắp các nẻo đường, các gia đình và trong tâm trí mọi người từ ngày 23 tháng Chạp - cúng tiễn ông Táo về trời. Dường như từ lúc đó, mọi hoạt động hằng ngày của con người cũng thấm đượm cái hương vị đặc trưng của Tết Nguyên Đán.
Ngay từ những ngày giáp Tết ấy, chúng ta chắc hẳn ai cũng cảm nhận được có vẻ dòng chảy của thời gian đang vội vàng, trôi qua nhanh hơn bình thường. Mọi người ai cũng tất bật giải quyết hết những công việc của năm cũ, rồi lại tranh thủ thời gian để chuẩn bị, sửa soạn để có một cái Tết ấm áp, đủ đầy nhất. Những ngày này có vẻ đi tới đâu chúng ta cũng nghe được những câu nói cửa miệng: "Chết rồi, nhà tôi vẫn chưa dọn dẹp được tí nào", "Ôi thôi, tôi còn chưa mua sắm được gì cho ngày Tết" hay những câu hỏi thăm năm nay nhà bạn có về quê ăn Tết không, đã chuẩn bị được gì cho Tết chưa.... Thế nhưng chính những lời than, những câu hỏi thăm ấy lại tạo nên nét đặc trưng của Tết bởi dù có tất bật hơn ngày thường nhưng ai ai cũng háo hức, cũng mong chờ tới ngày được quây quần bên gia đình.
Càng sát Tết, cảnh vật lại càng sinh động, lại càng nhiều màu sắc hơn. Trên khắp các nẻo đường, cờ hoa được treo tung bay rực rỡ, những bảng đèn led rực rỡ sắc màu cũng được thắp lên khiến cho sự háo hức, rạo rực lại càng tăng thêm trong mỗi người. Hoà chung với không khí náo nức ấy là những hoạt động quen thuộc của mỗi gia đình: dọn dẹp nhà cửa, đi sắm đồ Tết, mua cây cảnh về trưng... Đến ngày ba mươi Tết, dường như mọi sự bận rộn, tất bật cũng đã dừng lại để dành lại cho mọi người thời gian quây quần bên nhau. Trên bàn tiếp khách đã bày biết bao loại bánh kẹo với vỏ ngoài sặc sỡ, các loại mứt Tết ngọt ngào như tình cảm mọi người dành đến cho nhau trong những ngày này. Trong cái tiết trời lành lạnh, cùng những mùi hương ngày Tết hoà vào khiến mọi thứ trở nên thật đặc trưng, thật gần gũi đến lạ thường.
Suốt ba ngày Tết, tất cả mọi người đều tạm gác lại những bộn bề, lo toan ngoài kia để đoàn tụ với gia đình, với người thân. Đã từ rất lâu rồi, ngày Tết như một khoảng lặng để thắt chặt thêm sợi dây tình cảm gia đình bởi gần như chỉ có Tết mọi người mới có thể thong thả để trải qua những ngày bình yên với gia đình, mới có thể cùng nhau ngồi lại kể những câu chuyện cũ, cùng nói cười với nhau.
Ngày nay, cuộc sống của chúng ta đã ngày càng phát triển, nhịp sống cũng nhanh hơn trước nhiều. Ngày Tết cũng đã có ít nhiều thay đổi nhưng nó vẫn là những ngày quan trọng trong năm, là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa với mỗi người.