Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ có dung mạo và tài sắc nhưng lại chịu số phận bi thương, bị xã hội chà đạp, tước đoạt đi hạnh phúc, quyền sống. Dù vậy, họ vẫn luôn toát lên những phẩm chất cao quý, tốt đẹp. Văn học trung đại Việt Nam khắc họa hiện thực xã hội đầy bất công mà người phụ nữ phải cam chịu, đồng thời tôn vinh phẩm chất sáng ngời của họ. Những tác phẩm tiêu biểu như "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu… đã ghi lại bức tranh hiện thực này.
I. Phân tích điểm giống và khác nhau
1. Phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ không có tình yêu, hạnh phúc hay tiếng nói. Chính những áp bức đó làm sáng ngời lên những đức tính, phẩm hạnh đáng trân trọng của họ. Người phụ nữ trong văn học thường xuất hiện với vẻ đẹp ngoại hình và tính cách.
Trong "Chuyện người con gái Nam Xương", Vũ Nương là mẫu mực của phụ nữ phong kiến với phẩm chất quý báu. Nàng thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp, là chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam. Trong đạo vợ chồng, nàng khôn khéo, chú trọng giữ gìn khuôn phép để hy vọng có mái ấm gia đình hạnh phúc. Khi tiễn chồng ra trận, nàng chỉ mong chồng bình yên trở về. Trong những năm tháng chồng ở chiến trường, nàng tần tảo nuôi con, phụng dưỡng mẹ chồng, giữ gìn tiết hạnh. Khi mẹ chồng mất, nàng lo ma chay tế lễ, được mẹ chồng khen ngợi là người có lòng lành.
Trong "Truyện Kiều", Nàng Kiều là trang tuyệt sắc giai nhân, có hiếu và vị tha. Khi gia đình gặp tai biến, nàng hy sinh tình yêu để cứu cha và em. Nàng nhớ người yêu Kim Trọng, tấm lòng thủy chung son sắt không bao giờ phai. Tình cảm vị tha của nàng dành cho cha mẹ thật đáng trân trọng.
Trong "Lục Vân Tiên", Kiều Nguyệt Nga là cô gái khuê nết na, ân tình, son sắt. Nàng luôn nhớ ơn người cứu mạng, gắn bó cuộc đời với chàng trai khẳng khái, hào hiệp.
2. Số phận bất hạnh, bi kịch
Số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến thật bi đát, long đong. Văn học thời ấy đã nhắc nhiều đến kiếp đời của người phụ nữ, điển hình là Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương). Nàng phải âm thầm nuôi con, chăm sóc mẹ chồng, chịu đựng chiến tranh loạn lạc. Khi chồng về, nàng bị hiểu lầm, bị đánh đập và ruồng rẫy, phải tìm đến cái chết trong oan khuất.
Trong "Truyện Kiều", Thúy Kiều bán mình chuộc cha, chịu đựng hàng loạt bất hạnh cho đến khi tìm đến sông Tiền Đường. Cuộc đời nàng trôi nổi truân chuyên, sống không bằng chết. Độc giả đã khóc cho số phận bi đát của nàng.
Trong "Lục Vân Tiên", Kiều Nguyệt Nga bị cường quyền hãm hại, phải đi cống giặc Ô Qua và trầm mình tự vẫn để giữ trọn ân tình.
Bi kịch của Vũ Nương, Thúy Kiều và Kiều Nguyệt Nga không phải là trường hợp cá biệt mà là số phận của nhiều phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đó là tiếng kêu thương và lời tố cáo, vạch trần thực trạng xã hội đen tối, thế lực và tiền bạc lộng hành, lên án thế lực phong kiến đã đẩy con người vào tình cảnh đau đớn. Người phụ nữ bị tước đoạt mọi quyền lợi chính đáng, nhân phẩm bị rẻ rúng, ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến khắc nghiệt.
II. Đánh giá chung
Thời gian đã lùi xa nhưng những tác phẩm trên vẫn gây xúc động sâu xa. Chúng phản ánh xã hội phong kiến bất công gây đau khổ cho người phụ nữ. Đồng thời, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên đáng trân trọng với phẩm chất tuyệt vời như đảm đang, vị tha, thủy chung, giàu đức hy sinh. Vẻ đẹp đó mãi mãi là hạt ngọc đáng trân quý.