BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Để xác định thể thơ, bạn cần đếm số chữ trong mỗi dòng. Các thể thơ phổ biến gồm có bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, lục bát và thơ tự do.

Các thể thơ trung đại như thất ngôn bát cú (7 chữ/câu, 8 câu/bài), thất ngôn tứ tuyệt (7 chữ/câu, 4 câu/bài) được xác định bằng cách đếm số chữ trong mỗi câu và số câu trong bài.

Xác định phương thức biểu đạt:

Có 6 phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính công vụ.

Trong đề thi thường gặp các phương thức: Nghị luận, biểu cảm, tự sự.

Mẹo xác định phương thức biểu đạt thường gặp:

- Với Nghị luận: Ngữ liệu liên quan đến vấn đề hoặc quan điểm cần bàn luận.

- Với Biểu cảm: Ngữ liệu thường là thơ.

- Với Tự sự: Ngữ liệu thường là truyện, văn xuôi, tiểu thuyết.

Khi thi, hãy đọc kỹ yêu cầu đề, xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn ngữ liệu để tránh làm sai.

Nêu tác dụng biện pháp tu từ:

Khi gặp câu hỏi này, bạn làm theo ba bước sau:

Bước 1: Xác định biện pháp tu từ mà tác giả sử dụng.

Bước 2: Chỉ ra biện pháp tu từ đó được thể hiện qua từ ngữ, hình ảnh nào trong ngữ liệu.

Bước 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ.

- Tác dụng hình thức

- Tác dụng nội dung

- Tình cảm tác giả

Ví dụ: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ: “Cá thu biển Đông như đoàn thoi”.

Gợi ý trả lời:

- Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh qua từ “như”, so sánh “cá thu biển Đông” với “đoàn thoi”.

- Tác dụng: Làm tăng sức gợi hình, làm nổi bật bức tranh biển cả như tấm lưới dệt từ đoàn thoi đưa, thể hiện biển cả giàu có, bao la với đoàn cá đông đúc, nối đuôi nhau. Thể hiện niềm tự hào, ngợi ca của tác giả về sự giàu có của biển.

Nêu nội dung đoạn ngữ liệu:

Khi đề bài yêu cầu nêu nội dung đoạn ngữ liệu:

- Đối với đoạn thơ: chú ý vào nhan đề, từ ngữ, hình ảnh thơ.

- Đối với đoạn văn: chú ý vào câu chủ đề ở đầu, cuối và nhan đề (nếu có).

Nêu thông điệp, bài học rút ra sau khi đọc đoạn ngữ liệu:

Có hai cách:

1. Chọn ngay một câu có ý nghĩa nhất trong bài làm thông điệp.

2. Tự rút ra ý nghĩa của văn bản rồi chọn đó làm thông điệp. Sau cùng, giải thích vì sao bạn chọn thông điệp ấy.

Lưu ý chung về cách trình bày:

Khi trình bày, hãy ghi rõ “Câu 1:”, “Câu 2:”… và điền câu trả lời phù hợp cho từng câu. Hạn chế tẩy xóa, viết chữ to, rõ ràng để bài làm sạch đẹp và trọn vẹn hơn.