BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Hồ Xuân Hương là một nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam, với nhiều tác phẩm có tầm ảnh hưởng và ý nghĩa sâu sắc. Dưới đây là mẫu nghị luận chọn lọc hay nhất về bài Tự tình 2 của bà, mời bạn đọc cùng theo dõi.

Dàn ý Nghị luận Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương

1. Mở bài

- Giới thiệu về bài thơ “Tự tình” của Hồ Xuân Hương: “Bà chúa thơ Nôm” có chùm thơ “Tự tình” bao gồm ba bài, là tiếng nói của thân phận, là những khát khao, đau buồn của kiếp người. Trong đó, bài thơ “Tự tình II” đã thể hiện rõ tâm trạng, thái độ của nữ sĩ: vừa buồn đau, vừa phẫn uất trước nghịch cảnh éo le cùng khát vọng vươn lên nhưng vẫn rơi vào bi kịch.

2. Thân bài

– Bốn câu thơ mở đầu bài thơ đã cho thấy hoàn cảnh và tâm trạng của nữ sĩ

  • Hoàn cảnh:
  • Thời gian nghệ thuật: đêm khuya.
  • Tiếng trống canh giữa đêm khuya cho thấy cảm nhận về bước đi dồn dập của thời gian.
  • Tâm trạng buồn tủi của nữ sĩ:

- Những từ ngữ giàu giá trị biểu cảm đã được sử dụng để thể hiện tâm trạng: “Trơ” được đặt đầu câu kết hợp với biện pháp đảo nhấn mạnh cảm giác tủi hổ, chai lì. Hai chữ “hồng nhan” lại đi với từ “cái” gợi lên ý thức về sự rẻ rúng, mỉa mai của thân phận.

“Vầng trăng bóng xế” (trăng sắp tàn) mà vẫn “khuyết chưa tròn” trở thành hình ảnh ẩn dụ, nhấn mạnh hai lần bi kịch của cuộc đời nữ sĩ: tuổi xuân trôi qua mà nhân duyên vẫn không trọn vẹn.

– Ý thức sâu sắc về bi kịch tình duyên, tác giả không chỉ cảm thấy bẽ bàng, tủi hổ mà còn phẫn uất

  • Bức tranh thiên nhiên hiện lên với những nét chấm phá về rêu và đá hiên ngang tồn tại đầy mạnh mẽ: : “xiên ngang mặt đất”, “đâm toạc chân mây”.
  • Biện pháp đảo ngữ đưa những động từ mạnh lên đầu câu:

- Làm nổi bật sức sống mãnh liệt của cỏ cây.

- Ẩn dụ cho tâm trạng phẫn uất muốn vượt lên trên nghịch cảnh éo le của tác giả.

– Bài thơ kết thúc cũng bằng cảm thức về thời gian, cho thấy tâm trạng chán chường, buồn tủi.

  • “Ngán” mang sắc thái chỉ sự chán ngán, ngán ngẩm.
  • Từ “xuân” được điệp lại hai lần mang những sắc thái ngữ nghĩa khác nhau: vừa chỉ mùa xuân, vừa chỉ tuổi xuân.
  • Hai từ “lại” trong cụm từ “xuân đi xuân lại lại” cũng được sử dụng với hai sắc thái ý nghĩa khác nhau: từ “lại” thứ nhất là thêm một lần nữa, trong khi đó, từ “lại” thứ hai có nghĩa là quay trở lại, gợi lên sự tuần hoàn, lặp lại.

3. Kết bài

Khái quát giá trị của bài thơ: Bài thơ “Tự tình II” đã thể hiện một cách sâu sắc, mãnh liệt khát vọng sống, khát vọng tự do và khát vọng hạnh phúc của tâm hồn một người phụ nữ vừa dịu dàng, đằm thắm vừa mạnh mẽ. Tất cả đã được thể hiện thông qua tài năng trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ và xây dựng hình tượng của “Bà Chúa thơ Nôm”.

Nghị luận bài Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương chọn lọc nâng cao

Mẫu số 1

Hồ Xuân Hương, một hiện tượng độc đáo và lạ lùng trong nền văn học Việt Nam, đã khắc họa một cách sâu sắc những khát vọng và nỗi niềm của phụ nữ thông qua các tác phẩm của mình. Bà không chỉ viết về phụ nữ mà còn thể hiện những khao khát nhân bản sâu sắc của con người. Trong bài thơ "Tự tình II", Hồ Xuân Hương đã bộc lộ nỗi lòng của người phụ nữ trong hoàn cảnh phải chia sẻ chồng với người khác, từ đó phản ánh khát vọng tự do và bứt phá mãnh liệt của chính mình.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã thể hiện tâm trạng u uất, đầy nỗi buồn:

"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non."

Trong không gian tĩnh lặng của đêm khuya, cảm giác cô đơn trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết. Tiếng trống canh vang vọng như một sự thúc giục, như một lời nhắc nhở về thời gian, khiến cho nỗi trông chờ và hy vọng của người phụ nữ càng thêm mãnh liệt, nhưng cũng càng thêm tuyệt vọng khi chồng vẫn chưa về. Từ "trơ" được đặt ở đầu câu thơ như một sự nhấn mạnh mạnh mẽ về nỗi cô đơn, trống vắng. Người phụ nữ, với vẻ đẹp hồng nhan, dường như trở thành một thực thể đơn độc, lẻ loi giữa trời đất, điều này khiến cho cảm xúc của nàng càng trở nên bẽ bàng và tủi hổ. Cảm giác cô đơn và thấu hiểu nỗi đau của bản thân khiến người đọc cảm nhận rõ nét tâm trạng tuyệt vọng của nhân vật.

Trước nỗi đau ấy, người phụ nữ dường như tìm đến rượu như một phương thuốc an ủi, để quên đi thực tại phũ phàng:

"Chén rượu đưa hương say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn."

Tuy nhiên, thực tại lại trớ trêu hơn khi tìm đến rượu, tưởng chừng có thể tìm được sự quên lãng nhưng lại khiến nàng càng tỉnh táo hơn, càng cảm nhận rõ hơn sự cô đơn của mình. Nỗi đau lại càng nhân lên khi nhìn thấy vầng trăng đã xế, một hình ảnh mang tính biểu tượng cho tuổi tác và sự không trọn vẹn trong tình yêu. Hạnh phúc dường như vẫn "khuyết chưa tròn", gợi lên nỗi niềm tương tự mà nhân vật Kiều trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du cũng từng trải qua: “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh / Giật mình mình lại thương mình xót xa.”

Đôi mắt của Hồ Xuân Hương tiếp tục hướng ra thế giới xung quanh, có lẽ bài thơ đang tìm kiếm sự sẻ chia, mong muốn bày tỏ nỗi lòng của mình:

"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn."

Hai động từ "xiên" và "đâm" được đưa lên đầu câu, thể hiện sự chuyển mình của thiên nhiên nhưng đồng thời cũng phản ánh trạng thái tâm hồn của con người. Thiên nhiên không hề yếu đuối, mà thực sự mạnh mẽ, kiên cường; rêu mọc xiên ngang trên mặt đất, còn đá thì đâm toạc cả mây. Tất cả như muốn thể hiện nỗi phẫn uất, khát khao bứt phá khỏi những rào cản và giới hạn. Câu thơ không chỉ nói lên tâm trạng uất ức của Hồ Xuân Hương mà còn thể hiện khát vọng tự do, muốn chối bỏ những luật lệ phong kiến hà khắc để được sống một cuộc đời hạnh phúc hơn.

Khép lại bài thơ, Hồ Xuân Hương viết:

"Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con."

Hai câu thơ này bộc lộ rõ nét nỗi chán chường, tuyệt vọng của Hồ Xuân Hương. Thời gian trôi qua, mùa xuân lại nối tiếp mùa xuân, nhưng hạnh phúc của người con gái vẫn chưa trọn vẹn. Nỗi chán ngán không chỉ đơn thuần là sự trôi qua của thời gian mà còn là cảm giác bất lực khi tuổi thanh xuân dần qua đi mà hạnh phúc vẫn ở xa tầm tay. Câu thơ cuối với nhịp điệu 2/2/3 thể hiện tình cảm mong manh, bé nhỏ đang bị chia cắt, chỉ còn lại những mảnh tình tí hon. Sự chán ngán, xót thương và oán thán thể hiện rõ ràng trong tâm trạng của bà, khiến người đọc không khỏi xót xa. Có lẽ, cũng chính vì sự bất hạnh đó mà Hồ Xuân Hương đã từng lớn tiếng chửi rủa số phận kiếp chồng chung: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung / Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.” Hạnh phúc như một chiếc chăn hẹp, không đủ để che chắn cho khao khát yêu thương bao la của con người.

Bài thơ không chỉ cho thấy tài năng nghệ thuật độc đáo của Hồ Xuân Hương mà còn là sự sử dụng ngôn từ tinh tế, với những động từ mạnh mẽ (xiên, đâm), cùng với nghệ thuật đảo ngữ và những hình ảnh mới lạ, độc đáo như “trơ cái hồng nhan.” Tất cả những yếu tố này đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn và sự thành công của tác phẩm.

Qua bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được nỗi tủi hờn, uất ức của Hồ Xuân Hương trước số phận hẩm hiu của mình, cùng với khát vọng mãnh liệt về một cuộc sống hạnh phúc. Tiếng thơ của Hồ Xuân Hương vang vọng như tiếng lòng của biết bao phụ nữ trong xã hội cũ, những người cũng từng phải chịu đựng những bi kịch tương tự. Bằng tài năng của mình, Hồ Xuân Hương không chỉ phản ánh cuộc sống của chính bà mà còn là tiếng nói chung của những phận đời tương tự, giúp người đọc hiểu hơn về khát vọng tự do và tình yêu của những người phụ nữ trong thời đại phong kiến.

Mẫu số 2

Hồ Xuân Hương được mệnh danh là trong những tài nữ của nền Văn học nước nhà Việt Nam. Phong cách sáng tác chủ yếu của Hồ Xuân Hương là tả cảnh ngụ tình. Bà có lối thơ kiêu hãnh nhưng cũng không kém phần độc đáo, châm biếm sâu sắc. Bên cạnh đó, các tác phẩm của bà còn mang thêm nét nổi loạn, muốn lên tiếng phê phán lối sống cổ hữu, nhẫn tâm và bênh vực, khẳng định giá trị của những người phụ nữ trong xã hội xưa. Nổi bật phải kể đến chính là bài thơ Tự Tình vang danh một thời, chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và mang những hàm ý sâu xa khác.

“Tự tình” ý chỉ nỗi lòng của một người muốn bộc bạch, chia sẻ ra bên ngoài cốt ý để có người đồng cảm, thấu hiểu. Bài thơ Tự tình cũng chính là tiến glofng của nhà thơ Hồ Xuân Hương nói riêng và tiếng lòng của những người phụ nữ trong xã hội cũ nói chung.

Bài thơ là nỗi chán chường cho số phận người phụ nữ bị vùi dập, bị xem như những món đồ nhỏ bé, thậm chí là không đáng giá. Tác giả cũng muốn mượn bài thơ để lên án gay gắt những phong tục cổ hữu đã khiến giá trị của người phụ nữ cao quý bị mài mòn, khuất lấp.

Vừa vào hai câu đầu của bài thơ, ta đã cảm nhận được nỗi cô đơn và buồn tủi của tác giả trước chuyện “thế thái nhân tình” trong xã hội cũ lúc bấy giờ:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non

Tác giả chỉ có thể chừ lúc “đêm khuya” là khoảng thời gian vạn vật chìm vào bóng tối, xung quanh im lìm, không còn ai thức giấc, không gian im ắng, tĩnh mịch thì mới có thể bày tỏ hết tâm tư, tình cảm thầm kín của chính mình vào một khoảng không đen đặc, không người nghe, chỉ có người tâm sự. Ấy vậy mà thời khác sao cũng nghiệt ngã với người phụ nữ khi trôi qua một cách vội vã với tiếng “trống canh dồn” đếm nhịp thời gian trôi qua một cách chóng vánh.

Tác giả đã rất táo bạo và khéo léo khi sử dụng từ láy tượng thanh “văng vẳng” để lấy động tả tính, chỉ những âm thanh từ xa vọng lại trong màn đêm, làm cho người nghe có cảm giác màn đêm dường như vắng lặng đến mức u tịch.

Bên cạnh đó, Hồ Xuân Hương đã tự gọi mình là “cái hồng nhan”, nghe sao thật nhỏ bé, đau lòng. Bởi vốn dĩ hai từ “hồng nhan” dùng để chỉ những người phụ nữ đẹp một cách trân trọng, nâng niu. Nhưng từ “trơ” và “cái” lại lật ngược hoàn toàn giá trị của họ. Tác giả đã ngầm phê phán xã hội phong kiến thời ấy chỉ xem những người phụ nữ như món đồ vật, có thể đong đếm, có thể quyết định số phận của họ, những người phụ nữ bị đối xử bất công và xem thường.

“Với nước non”- tác giả muốn gợi lên cốt cách kiêu hãnh, sự cứng rắn của một người phụ nữ tài năng, nhưng lại phải chịu cảnh chơ vơ, cô lập, đàn áp trong xã hội.

Hai câu thơ tiếp theo lại càng tô đậm sự buồn chán của Hồ Xuân Hương, khi cứ mãi đi tìm hạnh phúc nhưng càng tìm lại càng xa vời:

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn

Vì quá cô đơn đến mức đơn độc nhưng không biết giải bày cùng ai nên tác giả phải đành mượn rượu giải sầu. Thế nhưng dường như rượu cũng không làm cho người ta quên đi được những chuyện buồn chán, mà “chén rượu” cứ thế “hương đưa say lại tỉnh”, để rồi chỉ khiến người ta thêm quẩn quanh không lối thoát, cuộc đời cứ thể đẩy người phụ nữ yếu mềm vào một vòng bế tắc triền miên trong một cuộc tình.

Khoảng thời gian mà người người phụ nữ được tự do thể hiện bản thân của mình cũng cô đơn đến lạ. Đó là lúc “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” là thời khắc nửa đêm, ánh trăng lên cao rồi cũng dần trôi qua, tuổi xuân của người phụ nữ cũng nhanh chóng trôi qua.

Hai câu thơ cuối cùng là sự muốn bứt phá khi tác giả đã cảm thấy quá ngột ngạt và phẫn uất cho số phận của mình và muốn vùng lên phản kháng mạnh mẽ:

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

Hồn Xuân Hương đã mượn hình ảnh “Rêu từng đám” và “Đá mấy hòn” hàm ý chỉ sự yếu ớt, nhỏ nhoi giống như giá trị của người phụ nữ trong xã hội cùng với đồng từ “Xiên ngang, đâm toạc” lại chỉ hành động mạnh mẽ nhưng mang tính ương ngạnh. Có lẽ người phụ nữ đã quá sức chịu đựng, muốn bức phá, thoát khỏi gông xiềng phong kiến cổ hủ cho cuộc đời bi đát của họ.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con

Hai câu thơ còn có ngụ ý chỉ tuổi xuân của người phụ nữ đã trôi qua, tuổi xế chiều đang dần ập đến. Thế nhưng nhân duyên mà một người phụ nữ bình thường khao khát vẫn chưa vẹn tròn, hạnh phúc vẫn chưa được viên mãn trong cuộc đời họ.

Hồ Xuân Hương đã thể hiện tài năng vượt trội của mình khi sáng tác bằng thể thơ Thất ngôn bát cú đường luật được Việt hóa một cách mới mẻ và đầy sáng tạo. Cùng với lối chơi chữ mạnh mẽ, thú vị nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm trong đó.

Tự tình không chỉ là một bài thơ hay, câu từ lạ mắt, mới mẻ, độc đáo, mà bài thơ còn gây ấn tượng mạnh với người đọc bởi tài năng chơi chữ tú vị nhưng vẫn có thể bộc bạch hết nỗi lòng chỉ trong một bài thơ ngắn của bà. Qua đó cũng giúp ta thấy thêm đồng cảm và xót xa cho số phận của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến ngày xưa. Họ có khao khát, có cuộc sống riêng nhưng lại bị đối xử bất công, bị xã hội giẫm đạp lên quyền tự do không thương tiếc.

Mẫu số 3

Hồ Xuân Hương, một trong những tài nữ kiệt xuất trong nền văn học Việt Nam, không chỉ được biết đến với phong cách thơ độc đáo mà còn vì những tư tưởng sâu sắc mà bà thể hiện qua từng tác phẩm của mình. Phong cách sáng tác chủ yếu của Hồ Xuân Hương là “tả cảnh ngụ tình,” trong đó bà khéo léo hòa quyện cảnh sắc thiên nhiên với những tâm tư tình cảm của con người. Thơ của bà không chỉ mang vẻ đẹp kiêu hãnh mà còn chứa đựng sự châm biếm sắc sảo, thể hiện rõ nét nỗi niềm của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hồ Xuân Hương đã không ngần ngại lên tiếng phê phán lối sống cổ hữu, đồng thời khẳng định giá trị và quyền lợi của những người phụ nữ, những con người thường bị xem nhẹ và áp bức trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ.

Nổi bật nhất trong số các tác phẩm của bà chính là bài thơ "Tự tình," một bài thơ vang danh một thời và chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc phong phú, đi kèm với những hàm ý sâu sắc. Qua bài thơ này, Hồ Xuân Hương không chỉ bộc lộ tâm tư của chính mình mà còn là tiếng lòng của những người phụ nữ trong xã hội xưa, những người đã phải chịu đựng nhiều thiệt thòi.

“Tự tình” thể hiện nỗi lòng khao khát được sẻ chia và thấu hiểu. Đây không chỉ là tiếng nói riêng của Hồ Xuân Hương mà còn là tiếng nói chung của những người phụ nữ trong một xã hội đầy rào cản và bất công. Bài thơ mang theo nỗi chán chường của người phụ nữ bị dồn ép vào những khuôn khổ chật hẹp, bị xem như những món đồ vô giá trị. Qua từng dòng thơ, tác giả đã mượn tiếng nói của mình để phản ánh sự tàn nhẫn của các phong tục cổ xưa đã khiến cho giá trị cao quý của người phụ nữ bị mai một.

Ngay từ hai câu thơ đầu tiên, nỗi cô đơn và sự u uất của tác giả đã hiện lên một cách sống động qua những hình ảnh giàu cảm xúc:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”

Trong những câu thơ này, tác giả đã tạo dựng bầu không khí tĩnh mịch, lạnh lẽo của một đêm khuya. Đêm khuya là thời điểm mà mọi thứ đều chìm trong bóng tối, không gian xung quanh như bị lặng im, chỉ còn lại tiếng trống canh vang vọng, đánh dấu thời gian trôi qua một cách tàn nhẫn. Cảm giác cô đơn, buồn tủi hiện lên rõ nét khi Hồ Xuân Hương chỉ có thể bộc lộ tâm tư trong không gian tĩnh lặng ấy, không có ai để lắng nghe, chỉ có một mình bà với những suy tư sâu kín.

Hình ảnh “cái hồng nhan” mang một ý nghĩa đặc biệt. Thông thường, “hồng nhan” được sử dụng để chỉ những người phụ nữ đẹp, nhưng qua cách gọi này, tác giả đã thể hiện sự tủi thân, cảm giác nhỏ bé và cô đơn của bản thân. Từ “trơ” và “cái” đã đảo ngược hoàn toàn giá trị cao quý mà xã hội vốn dành cho phụ nữ, cho thấy họ chỉ được coi như những vật phẩm không có giá trị trong mắt người khác. Hồ Xuân Hương đã ngầm phê phán xã hội phong kiến đã đối xử bất công với phái yếu, biến họ thành những món đồ có thể bị định đoạt số phận.

Câu thơ “Với nước non” như một lời kêu gọi về phẩm giá và sự kiêu hãnh của người phụ nữ tài năng. Thế nhưng, sự kiêu hãnh ấy lại không thể che lấp được sự cô đơn, bẽ bàng trong xã hội, nơi mà người phụ nữ không được phép thể hiện bản thân.

Hai câu thơ tiếp theo càng khắc sâu thêm nỗi buồn của Hồ Xuân Hương, khi mà bà tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc nhưng lại càng cảm thấy xa vời hơn:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Với hình ảnh “chén rượu,” tác giả đã mượn rượu để giải sầu. Thế nhưng, sự thật lại phũ phàng: “say lại tỉnh,” rượu không thể xóa tan nỗi u buồn mà chỉ khiến bà càng thêm quẩn quanh trong sự đơn độc. “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn” thể hiện sự trôi qua nhanh chóng của thời gian và tuổi xuân, khi ánh trăng lên cao rồi cũng từ từ biến mất, như một cách nhắc nhở về sự trôi qua của cuộc đời, cũng như tuổi trẻ của người phụ nữ đang dần phai nhạt.

Hai câu thơ cuối cùng là một tiếng kêu đau đớn, một sự bứt phá mạnh mẽ khi tác giả cảm thấy ngột ngạt với số phận của mình và muốn vùng lên chống lại sự áp bức:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Hình ảnh “Rêu từng đám” và “Đá mấy hòn” không chỉ thể hiện sự yếu đuối, nhỏ bé mà còn phản ánh giá trị của người phụ nữ trong xã hội. Nhưng với động từ mạnh mẽ “Xiên ngang, đâm toạc,” tác giả thể hiện sự quyết tâm và khát khao được thoát khỏi gông xiềng của phong kiến. Đây là tiếng thét từ tận sâu trong tâm hồn, là mong mỏi được tự do và sống đúng với bản chất của mình.

Cuối cùng, qua câu thơ:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Hồ Xuân Hương đã gợi lên nỗi niềm về sự trôi qua của tuổi xuân và sự trống rỗng trong tình yêu. Mặc dù thời gian cứ mãi trôi đi, nhưng tình yêu mà bà khao khát vẫn chưa bao giờ được trọn vẹn, mang đến cảm giác chua chát, tiếc nuối cho số phận của những người phụ nữ.

Hồ Xuân Hương không chỉ thể hiện tài năng vượt trội của mình qua việc sáng tác bằng thể thơ Thất ngôn bát cú, mà còn thể hiện sự sáng tạo mới mẻ và đầy ấn tượng trong cách thể hiện. Bài thơ "Tự tình" không chỉ gây ấn tượng với người đọc bởi cách chơi chữ thú vị mà còn truyền tải những cảm xúc sâu sắc, tạo nên sự đồng cảm với những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Họ cũng có những khao khát, những ước mơ, nhưng lại luôn bị xã hội áp bức và đè nén. "Tự tình" đã thành công trong việc khắc họa một bức tranh chân thực về cuộc sống và tâm tư của những người phụ nữ, từ đó giúp người đọc hiểu và xót xa hơn cho số phận của họ trong một xã hội bất công.

Mẫu số 4

Hồ Xuân Hương, một trong những tài năng lớn của nền văn học Việt Nam, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm xuất sắc, phản ánh những tâm tư, tình cảm và những trăn trở của phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bà không chỉ được mệnh danh là "bà chúa thơ Nôm" mà còn là một nhà thơ kiêu hãnh, có phong cách sáng tác độc đáo, với những câu thơ chứa đựng sự châm biếm sâu sắc. Tác phẩm của bà thường mang đậm tính ngụ tình, thể hiện một tình yêu mãnh liệt, mạnh mẽ, đủ sức phá tan những rào cản mà xã hội đặt ra. Trong số đó, bài thơ Tự Tình II nổi bật như một viên ngọc quý giữa kho tàng thơ ca, thể hiện nỗi lòng của người phụ nữ trong thời đại xưa.

Thơ không chỉ đơn thuần là ngôn từ; nó chính là tiếng nói của những trái tim cùng nhịp đập, là cách mà tâm hồn của tác giả được biểu hiện. Với phong cách đặc trưng, Hồ Xuân Hương đã thể hiện một cách tài tình những tâm tư, cảm xúc thầm kín của mình:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Trong những câu thơ mở đầu này, tác giả không chỉ đang mô tả nỗi cô đơn, buồn tủi của những người phụ nữ trong xã hội xưa mà còn khắc họa một bức tranh sống động về số phận hẩm hiu của họ. Giữa đêm khuya tĩnh mịch, tiếng trống canh vang lên như một nhắc nhở về thời gian trôi qua. Hình ảnh "cái hồng nhan" không chỉ là biểu tượng cho sắc đẹp mà còn là hình ảnh tượng trưng cho sự cô đơn, lẻ loi của người phụ nữ, khi mà không gian xung quanh chỉ còn lại sự trống trải và những nỗi niềm chờ đợi.

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Tác giả sử dụng hình ảnh "chén rượu" như một phương tiện để xoa dịu nỗi đau, nhưng đồng thời cũng khắc họa rõ nét sự khắc nghiệt của thực tại. Rượu không thể giúp họ quên đi những nỗi buồn, mà chỉ làm cho họ thêm trĩu nặng khi tỉnh dậy trước hiện thực tàn nhẫn. Hình ảnh "vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" không chỉ thể hiện sự chưa hoàn thiện trong cuộc sống, mà còn là biểu tượng cho những ước mơ chưa đạt được, những hạnh phúc mong manh vẫn còn lơ lửng ở phía xa.

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

Trong hai câu thơ này, chúng ta thấy được sức mạnh tiềm ẩn của người phụ nữ, một sức mạnh không ngừng tìm kiếm tự do và khát khao bứt phá. Hình ảnh "rêu từng đám" và "đá mấy hòn" không chỉ phản ánh sự yếu đuối mà còn thể hiện một khát vọng mãnh liệt. Tác giả không ngần ngại sử dụng những động từ mạnh mẽ như "xiên ngang" và "đâm toạc" để diễn tả sự phản kháng, một mong muốn mãnh liệt muốn thoát khỏi những gông xiềng của xã hội phong kiến. Đây chính là tâm trạng của những người phụ nữ đầy kiêu hãnh, luôn khao khát tự do và hạnh phúc trong bối cảnh xã hội đầy bất công.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại đi,
Mảnh tình san sẻ tí con con!”

Hai câu thơ cuối cùng như một bản cáo trạng về thời gian và tình yêu, thể hiện nỗi lo âu về tuổi xuân đang phai tàn. Những người phụ nữ trong xã hội phong kiến không chỉ mất đi thanh xuân mà còn luôn đối diện với sự hụt hẫng trong tình yêu. "Mảnh tình san sẻ tí con con" gợi lên cảm giác về những ước vọng, khao khát nhỏ bé, mong manh mà họ không bao giờ thực sự đạt được. Tuổi trẻ như một dòng sông cuốn trôi đi, để lại những tiếc nuối trong ký ức và những cảm xúc lắng đọng.

Bài thơ Tự Tình II không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một tiếng nói mạnh mẽ phản ánh thân phận và khát vọng của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Hồ Xuân Hương đã khéo léo thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với nỗi lòng của họ, đồng thời thể hiện một tinh thần phản kháng mạnh mẽ, một khát vọng hạnh phúc mãnh liệt tràn đầy giá trị nhân đạo. Đây cũng là một trong những điểm nổi bật thể hiện phong cách thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, khi bà không chỉ mang đến những vần thơ đẹp mà còn gửi gắm vào đó những tâm tư và khát vọng chân thành của người phụ nữ.

Mẫu số 5

Trong sự khắt khe của chế độ nam quyền độc đoán, người phụ nữ bị gạt ra bên lề, bị mất đi tiếng nói. Ngay cả trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, tiếng nói của nữ tính dường như cũng bị giấu kín, chỉ còn tâm sự của các hiền nhân, quân tử:

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”

Thì Hồ Xuân Hương xuất hiện như một hiện tượng độc đáo. Với cái tôi mới lạ, sắc sảo “bà chúa thơ Nôm” đã phản kháng mạnh mẽ trật tự, khuôn khổ của xã hội phong kiến. Trong thi phẩm “Tự tình II” Hồ Xuân Hương đã giãi bày trực tiếp nỗi niềm, tâm sự của bản thân. Từ đó cất lên tiếng nói đồng cảm, xót thương đối với số phận hẩm hiu của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến, đồng thời đề cao vẻ đẹp và khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của họ.

“Tự tình II” được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Bằng sự tài tình và tinh tế bà đã biến tấu từ một thể thơ nổi tiếng của Trung Quốc trở thành một nét thơ riêng của mình. Đúng như Lê Trí Viễn đã nói: “Dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, Đường luật mất hẳn cốt cách quý tộc mà ngoan ngoãn cung hiến vần điệu cân xứng của mình cho và sử dụng theo ý muốn”. Tự tình là tự phô bày, bày tỏ cái tình của mình. Đây là một kiểu thơ thường gặp trong thơ Trung Đại như: “Tự thuật” – Nguyễn Trãi, “Tỏ lòng” – Phạm Ngũ Lão… Các nhà thơ thường tự tình khi tâm trạng, cảm xúc nỗi niềm trào dâng mãnh liệt, có nhu cầu, có khát khao được bày tỏ. Đây chính là quy luật của bài thơ.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã đưa ta bước vào một không gian và thời gian rất đỗi quen thuộc, nỗi niềm cô đơn của con người hiện ra:

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.”

Đêm đã về khuya, vạn vật đang chìm vào giấc ngủ, đây là lúc lòng người trở nên sâu lắng nhất, là lúc đối diện với chính bản thân mình. Đó cũng là khoảng thời gian con người có nhiều tâm sự nhất, yếu đuối nhất và thành thật nhất. Từ láy “văng vẳng” gợi lên cho ta một không gian mênh mông, rộng lớn nhưng tĩnh lặng và trống trải, con người bỗng trở nên nhỏ bé, lạc lõng và cô đơn hơn. Câu thơ đầu của bài thơ đã gợi buồn. Cái buồn gợi ra từ sự tĩnh lặng của đêm khuya. Tiếng trống không gần (văng vẳng) mà vẫn nghe thấy cái nhịp vội vàng, gấp gáp, ấy là vì tiếng trống gợi bước đi của thời gian, gợi sự tàn phá và nó là tiếng trống được cảm nhận bằng tâm trạng. Chính vì thế mà trong cái nhịp gấp gáp, liên hồi của tiếng trống canh ta như nghe thấy cả bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.

Cùng với một tâm trạng trống vắng, cô đơn người phụ nữ bỗng nhận ra sự bẽ bàng trong chính duyên phận của mình “Trơ cái hồng nhan với nước non”. “Hồng nhan” là chỉ cái đẹp của người phụ nữ. Nhưng đã gọi là “cái hồng nhan” thì có nghĩa là cái đẹp đó không còn nữa. Bởi vì từ “cái” đặt ở trước từ “hồng nhan” thành một cụm danh từ cho nên danh từ đó đã được cụ thể hóa. Từ “cái” bao giờ cũng làm cho sự vật trở nên cụ thể hơn, có thể cầm nắm, sờ nếm, ngửi được mà “hồng nhan” là một danh từ chỉ vẻ đẹp dung mạo, thần thái, khí chất của người phụ nữ. Nhưng đặt từ “cái” đứng trước thì nghĩa là vẻ đẹp ấy đã tàn phai, đã hao mòn, đã không còn đẹp nữa. Phép đảo ngữ như cố tình khoét sâu thêm vào cái sự bẽ bàng của tâm trạng. “Trơ” là tủi hổ, là chai lì, không còn cảm giác. Tuy nhiên, cảm xúc này của nhân vật trữ tình không phải cảm xúc tầm thường, bởi nhà thơ đang đối diện với mình, với non nước. Cụm từ “với nước non” cho thấy nỗi niềm, tâm sự của nhà thơ trải theo không gian, bao trùm lên cảnh vật theo tầm mắt của nhà thơ. Nó không phải làm cảm xúc tầm thường, nhỏ bé. Trái lại, nó mênh mông, thấu suốt cả đời mình, thấu suốt cả nhân gian. Bởi vậy mà, từ “trơ” còn thể hiện cả bản lĩnh của nhân vật trữ tình. Từ “trơ” kết hợp với “nước non” thể hiện sự bền gan, sự thách đố. Nó gợi cho ta nghĩ đến một câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài “Thăng Long thành hoài cổ”:

“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”

Nếu hai câu đề làm nhiệm vụ dẫn dắt người đọc vào hoàn cảnh tâm trạng thì hai câu thực nói rõ hơn thực cảnh và thực tình của Hồ Xuân Hương:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”

Nỗi sầu muộn quá lớn khiến nhà thơ phải mượn rượu để giải sầu. Cụm từ “say lại tỉnh” như một vòng luẩn quẩn không lối thoát, cuộc rượu say rồi tỉnh cũng như cuộc tình vương vấn, nhanh tàn để lại sự mệt mỏi, rã rời. Vòng luẩn quẩn ấy gợi lên một chuyện tình duyên giống như một trò đùa của tạo hóa. Đứng trước thiên nhiên rộng lớn Hồ Xuân Hương mong nhận được sự an ủi và cảm thông. Tác giả sử dụng câu thơ tả cảnh ngụ tình cho thấy sự đồng nhất giữa tâm cảnh và ngoại cảnh. Bức tranh thiên nhiên cũng nhuốm buồn theo tâm trạng của nữ sĩ, quả thật:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

(“Truyện Kiều” – (Nguyễn Du))

Đồng thời, cụm từ “say lại tỉnh” còn cho thấy say chỉ một khoảnh khắc còn tỉnh lại là mãi mãi. Thậm chí, trước khi say nỗi sầu đã đong đầy mà đến khi tỉnh thì nỗi sầu ấy lại tăng lên gấp bội lần. Giống như tiên thi Lí Bạch đã từng cảm nhận:

“Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu,
Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu”

Dịch:

“Rút dao chém xuống nước nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”

Quy luật tình cảm của con người là thế, sầu thuộc về tâm trạng: “Sầu không có mối chém sao cho đứt/ Sầu không có khối đập sao cho tan”. Uống rượu có thể là một hoạt động ước lệ của Hồ Xuân Hương nhưng qua đó cũng đủ cho người đọc thấy rằng nhà thơ đang rất buồn, đang đối diện với chính mình, cô đơn và cô độc giữa đêm khuya thanh vắng. Thi nhân chống lại nỗi buồn bằng cách ngắm vầng trăng. Nhưng, Hồ Xuân Hương ngắm trăng mà lòng không thư thái bởi nhà thơ nhận ra rằng: “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Trăng đã tàn, đã xế bóng cũng như tuổi đời của con người không còn trẻ trung nữa. Có thể thấy, nỗi sầu của thi nhân đã được tái hiện qua cặp câu thực đối rất chỉnh “say - tỉnh” và “khuyết - tròn”. Sầu vì tuổi đã cao mà duyên chưa chọn, sầu vì sự cô đơn, lẻ bóng một mình.

Đến với hai câu luận từ những từ ngữ đến hình ảnh và giọng thơ cho ta thấy phần nào tâm trạng phẫn uất, đau đớn tột cùng của tác giả:

“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.”

Một loạt động từ mạnh “xiên, đâm” cùng sự kết hợp của bổ ngữ “ngang, toạc” độc đáo thể hiện sự bướng bỉnh, ương ngạnh, phản kháng. Những sinh vật nhỏ bé, thân phận hèn mọn, mềm yếu như “rêu” cũng chẳng chịu khuất phục mà muốn “xiên ngang mặt đất” để trổi dậy và trở nên mạnh mẽ hơn. “Đá” vốn dĩ đã rắn chắc nhưng lại càng muốn trở nên cứng cáp, nhọn hoắt hơn để có thể “đâm toạc chân mây”. Cùng với biện pháp đảo ngữ đã nhấn mạnh dù ở trong hoàn cảnh bi thảm nhất vẫn ẩn chứa một khát vọng mạnh mẽ, muốn vươn lên khỏi thực tại đau buồn, thể hiện sự phản kháng dữ dội, quyết liệt. Với sự tài tình trong việc sử dụng ngôn từ táo bạo, hình ảnh mạnh mẽ, lấy cảnh ngụ tình, hai câu thơ gợi lên cảnh vật đầy sinh động, đầy sức sống mãnh liệt. Sức sống đang bị nén xuống đã bắt đầu bật lên mạnh mẽ vô cùng giống như sự phản kháng của thiên nhiên cũng chính là sự phản kháng của con người.

Nhưng Xuân Hương dù tư tưởng có thể đi trước thời đại nhưng trong đời thực vẫn không thể vượt qua khỏi thân phận của mình. Vì thế, những hành vi phá phách, ngông cuồng, nổi loại dù táo tợn thế nào cũng chỉ là những vùng vẫy trong giới hạn ngôn từ mà thôi. Nhà thơ đành chấp nhận số phận của mình bằng một tiếng thở dài đầy ngao ngán:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”

Mùa xuân của vũ trụ, đất trời có thể tuần hoàn trở đi trở lại nhưng xuân của đời người thì mãi mãi không bao giờ có thể. Bởi vậy xuân của đất trời trở về càng càng làm cho con người thấy vô nghĩa và buồn tủi mà thôi. Thi nhân cố gắng gượng đến bao nhiêu thì cũng chỉ là một mảnh tình không trọn vẹn lại còn “san sẻ” cho nên “tí con con”. Từ “lại lại” không phải là từ láy mà là hai từ đơn hoàn toàn tách biệt. Từ “lại” thứ nhất là phó từ được dùng để nhấn mạnh thể hiện hàm ý: mong muốn cho sự việc lặp lại, diễn ra. Còn “lại” thứ hai là động từ chỉ hướng trở lại. Điều tinh tế ở đây là Xuân Hương dùng từ “mảnh tình” chứ không phải là “tấm tình” hay “cuộc tình” cho thấy sự nhỏ bé, mong manh hao khuyết đến ức xót xa, tội nghiệp. Khao khát hạnh phúc bao nhiêu thì hiện thực trae về càng buồn tủi bấy nhiêu. Khát khao về hạnh phúc vì vậy càng trở nên trớ trêu, da diết, đáng thương.

“Tự tình II” được xem là một kiệt tác đã làm nên tên tuổi của Hồ Xuân Hương với ngôn ngữ thơ điêu luyện, cảm hóa thể thơ thất ngôn bát cú để trở nên gần gũi với người Việt hơn. Qua đó bộc lộ được tài năng và phong cách của nữ sĩ. Tác giả còn khéo léo trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh giàu sức tạo hình, giàu giá trị biểu cảm, đa nghĩa. Càng tinh tế hơn trong việc sử dụng các thủ pháp cổ xen lẫn những nghệ thuật độc đáo và động từ mạnh để đem đến một bài thơ như tiếng nói thương cảm đối với người phụ nữ, là sự khẳng định, đề cao vẻ đẹp và khát vọng của họ khi phải gánh chịu sức ép của thế lực phong kiến tàn bạo.

Khát vọng hạnh phúc bao nhiêu thì hiện thực trả về càng buồn tủi bấy nhiêu, khát khao về hạnh phúc vì thế càng trở nên buồn tủi, da diết, đáng thương. Điều đọng lại cuối cùng mà người đọc cảm nhận vẫn là nỗi sầu về hạnh phúc. Câu hỏi lớn nhất mà Hồ Xuân Hương gửi đến người đọc đó là: Tại sao người phụ nữ lại luôn phải chịu bất hạnh và thiệt thòi? Tại sao người phụ nữ lại không có quyền hưởng hạnh phúc một cách chính đáng? Câu hỏi như một niềm cảm hứng day dứt bao trùm toàn bài thơ. Đó cũng chính là cách gián tiếp lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến và đòi quyền hạnh phúc cho người phụ nữ. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi đó trong xã hội hiện đại ngày nay cần phải khẳng định rằng người phụ nữ chỉ thực sự hạnh phúc khi chính họ tạo dựng niềm hạnh phúc cho riêng mình mà không phải trông đợi, phụ thuộc vào người khác. Rõ ràng ta thấy ở thời phong kiến, người phụ nữ là thân phận phụ thuộc, nhưng ở cuộc sống hiện tại, người phụ nữ có quyền tự chủ và phải biết phát huy tinh thần tự chủ đó. Ở một khía cạnh khác khi đọc bài thơ “Tự tình” mỗi người chúng ta hãy biết đồng cảm, chia sẻ với những bất hạnh với những mảnh đời chưa được hạnh phúc. Đây chính là giá trị nhân đạo – một khía cạnh trong thông điệp mà bài thơ muốn gửi đến người đọc.

Khép lại trang sách ở đây, ta bỗng nhớ lại câu nói của giáo sư Lê Trí Viễn: “Thơ của Hồ Xuân Hương là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ, thể hiện một bản lĩnh sống mạnh mẽ khác thường”. Quả thật là như vậy hồn thơ dạt dào đã cho các độc giả cảm nhận được sự tàn bạo của xã hội phong kiến cùng những nỗi chua xót cho thân phận của người phụ nữ. Thông qua bài thơ đã thể hiện được giá trị hiện thực và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của một nhà thơ “phụ nữ viết về phụ nữ”.

Mẫu số 6

Hồ Xuân Hương là một nữ thi sĩ tài ba với phong cách sáng tác thơ nôm tả cảnh ngụ tình sâu sắc cùng ý tứ chân thành, nhằm giãi bày tâm sự lòng mình. Theo giới nghiên cứu, hiện còn khoảng 40 bài thơ nôm tương truyền được cho là của HXH nữ sĩ. Ngoài ra, Hồ Xuân Hương còn có tập thơ “Lưu Hương Ký”. HXH là một hiện tượng khá độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam, là nhà thơ phụ nữ viết về phụ nữ, trào phúng mà trữ tình.

Nổi bật trong sáng tác của Hồ Xuân Hương là tiếng nói thương cảm đối với phụ nữ, là sự khẳng định và đề cao vẻ đẹp của họ, cũng như khát vọng sống và hạnh phúc mãnh liệt trong trái tim họ. Với một phong cách sáng tạo độc đáo, HXH đã được đánh giá là một trong những nhà thơ nổi tiếng và có ảnh hưởng lớn nhất của Việt Nam. Bằng những câu thơ chân thành và tình cảm, Hồ Xuân Hương đã đưa người đọc đến với những cảm xúc sâu sắc và giúp họ hiểu thêm về cuộc sống và con người Việt Nam.

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Mảnh tình san sẻ tí con con

“Tình” là một khái niệm vô cùng phức tạp và không thể giải thích một cách đơn giản. Nó có thể là như một vầng dương rực rỡ, chiếu sáng cả cuộc đời của chúng ta. Hoặc có thể là như ngàn sao lấp lánh, tạo ra một bầu trời đầy mơ mộng và lãng mạn. Nhưng đôi khi, “tình” chỉ là một vầng trăng khuyết, chẳng thể chiếu sáng cho chúng ta cảm giác ấm áp và hạnh phúc.

Một câu hỏi mà ai cũng từng tự hỏi: “Trên thế gian này, còn gì hạnh phúc bằng tình yêu?” Nhưng đồng thời, nỗi đau khổ của thất bại trong tình cảm cũng có thể làm tan chảy đi bất kỳ niềm hạnh phúc nào. Nó là một nỗi đau thực sự, làm rung động bao trái tim người đời. Thậm chí, trong trái tim của những người vốn tỏ ra kiên cường và mạnh mẽ, như trái tim của Hồ Xuân Hương, nỗi cô đơn cũng đã từng dằn vặt và thao thức.

Và chính những cảm xúc đó đã thôi thúc tác giả thức khuya, ngồi lặng ngắm nhìn bầu trời đầy sao, và viết ra những dòng chữ đầy cảm xúc để thể hiện tình yêu và sự đau khổ của con người.

 Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn

Chén rượu cầm hững hờ trên tay, bao trùm trong sắc hương nồng của rượu, tác giả cảm thấy như đang vướng mắc trong sợi tơ kẽo khiến cho tâm hồn cô đơn và bất an hơn bao giờ hết. Với hy vọng rằng ly rượu này có thể giải tỏa điều đó, tác giả đã uống từng giọt một, nhưng cơn say lại không mang lại cho anh ta sự thỏa mãn nào cả. Trái lại, nó chỉ làm cho tình trạng tâm lý của anh ta trở nên mơ hồ và lúc này tác giả càng cảm thấy bị đánh lừa bởi những tưởng tượng mơ hồ.

Thời gian trôi qua, tác giả thường tỉnh lại để nhận ra rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Tuy nhiên, cũng có những lúc anh ta chìm sâu vào cơn say, quên đi những nỗi buồn, tuyệt vọng trong cuộc sống. Tác giả mong muốn có những phút giây yên bình, để có thể sống với những khao khát của riêng mình. Tuy nhiên, hy vọng nhỏ bé ấy lại bị cuốn trôi bởi những khó khăn trong cuộc sống.

Nỗi buồn tủi bắt đầu xâm chiếm tâm hồn tác giả, và bao đêm dài anh ta thức trắng, đợi chờ những điều tốt đẹp nhất tới. Nhưng đôi khi, tất cả những gì anh ta hy vọng đều trở thành vô vọng. Hạnh phúc dường như càng ngày càng xa vời, trong khi tuổi xuân của anh ta đang dần trôi qua.

Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn

Câu thơ tả cảnh dưới đây mang đến hình ảnh những đám “rêu” bé nhỏ yếu ớt nhưng lại có sức mạnh “xiên ngang” cả lớp đất dày vươn lên với sức sống mãnh liệt hay “đá mấy hòn” nhưng lại có thể đâm toạc chân mây trước mắt. Tác giả miêu tả những hình ảnh đó với thái độ phản ứng khá mạnh mẽ trước duyên tình lận đận được thể hiện qua cả giọng thơ ngang ngạnh phản kháng và ấm ức. Nhà thơ tập trung vào việc miêu tả thiên nhiên, đặc biệt là sức sống mãnh liệt của nó đang bị đè nén nhưng lại đang vươn lên mạnh mẽ.

Tác giả tạo ra hiệu ứng nghệ thuật tả cảnh ngụ ý ở hai câu thơ trên, dường như có một điểm tương đồng giữa tâm hồn thơ và những hình ảnh thiên nhiên ấy. Rêu và đá bé nhỏ là thế nhưng chúng giống nhau ở sức sống mạnh mẽ vô cùng và nhà thơ cũng vậy.

Dù trong hoàn cảnh xót xa nhưng tâm hồn luôn tràn đầy hy vọng. Mặc dù cuộc sống đầy bi kịch và đắng cay nhưng với nghị lực phi thường, tác giả vẫn cố gắng hy vọng có thể vượt qua để đến bến bờ bình yên. Hai câu thơ này ẩn dụ khát vọng rất lớn không chỉ của riêng tác giả mà còn là tiếng lòng chung của nhiều người khác, mong muốn tìm thấy một cuộc đời hạnh phúc hơn. Những hy vọng và niềm tin đầy nhiệt huyết được dành cho cuộc đời, dù bao nghịch cảnh vẫn không làm mất đi điều đó.

Tuy nhiên, đáng tiếc là vòng xoay cuộc đời lại khiến tác giả rơi vào bế tắc. Cuộc đời của nhà thơ là những tháng ngày buồn tủi, không chỉ một mà đến hai lần tác giả đều là vợ lẽ và cảm thấy rất đau lòng. Tác giả đã gượng dậy để cố gắng tìm kiếm hy vọng mới và tiếp tục đi đến phía trước. Khao khát được yêu thương và sống hạnh phúc như những người phụ nữ bình thường nhưng lại càng thấy vô vọng.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con

cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng
cầm lòng làm mướn mướn không công

Bài thơ của Hồ Xuân Hương không chỉ thể hiện một sắc thái tình cảm, mà còn là một tác phẩm văn học đầy ảnh hưởng. Nhà thơ đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ dân gian để thể hiện khát khao hạnh phúc của con người, đặc biệt là trong xã hội phong kiến đầy rẫy những giới hạn và hạn chế. Bài thơ cũng đưa người đọc vào một thế giới tâm hồn đa dạng, với những cảm xúc từ buồn bã cho đến phản kháng dữ dội.

Tuy nhiên, bài thơ của Hồ Xuân Hương còn đặc biệt ở chỗ sử dụng ngôn ngữ thơ một cách tinh tế và khéo léo. Sắc thái tình cảm được thể hiện rõ ràng thông qua những từ ngữ táo bạo và chân thành. Đồng thời, tài thơ nôm của Hồ Xuân Hương còn được thể hiện qua việc viết thơ đường luật bằng tiếng Việt một cách tài tình, không hổ danh là bà chúa thơ nôm. Với những đặc điểm nổi bật như vậy, bài thơ của Hồ Xuân Hương đã trở thành một tác phẩm văn học đầy sức ảnh hưởng trong lịch sử văn học Việt Nam.

Mẫu số 7

Trong nền thơ ca dân tộc đã có rất nhiều những nhà văn, nhà thơ viết về người phụ nữ như Nguyễn Du với kiệt tác “Truyện Kiều”, Đặng Trần Côn với “Chinh phụ ngâm” hay Nguyễn Dữ với tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” rồi đến những vần thơ của bà Huyện Thanh Quan… nhưng có lẽ tiếng thơ của Hồ Xuân Hương trong bài “Tự tình II” là nỗi lòng tự bộc bạch, tình cảm chân thật của người phụ nữ trong sâu thẳm tâm hồn.

Người phụ nữ trong xã hội phong kiến bấy lâu phải chịu nhiều thiệt thòi, họ mất đi quyền làm chủ cá nhân, quyền quyết định hạnh phúc cho riêng mình bởi những quan niệm, lễ giáo khắt khe là “Tam tòng tứ đức”, “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”…Trong xã hội xưa thân sinh làm kiếp đàn bà đã khổ, Hồ Xuân Hương lại còn mang thân phận của người vợ lẽ chịu nhiều thiệt thòi càng đau lòng hơn. Đó là cảm hứng, là nỗi đau xuất phát từ trái tim, tâm hồn người phụ nữ mang trong mình nhiều bất hạnh.

Bài thơ “Tự tình II” tả cảnh đêm khuya thanh vắng, người đàn bà một mình cô đơn lẻ loi không ngủ mà tự ngẫm thương xót cho thân phận, tình cảm của mình. Cảnh vật trong đêm thanh tĩnh, u tịch với “Văng vẳng” của tiếng trống canh dồn. Ta đã từng bắt gặp âm thanh ấy trong bài “Chiều hôm nhớ nhà” của bà Huyện Thanh Quan: “Tiếng ốc xa đưa lẫn trống đồn” dù chỉ là buổi chiều nhưng cũng đủ gợi buồn sâu thẳm huống chi là đêm khuya vắng vẻ chỉ với một thân một mình trong cô đơn. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng thành công tiếng trống dồn canh từ xa vọng lại như thúc giục thời gian trôi qua nhanh, làm cho không gian càng thêm vắng lặng, buồn bã.

Con người hiện lên trên nền cảnh không gian, thời gian ấy là một tấm thân cô độc “Trơ cái hồng nhan với nước non”. Hồng nhan là sắc mặt hồng cách hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn bộ ý nói đến người con gái đẹp. Từ “cái” cụ thể hóa đối tượng được nói đến. Từ “trơ” đặc tả trạng thái trơ lì, chai sạn về một phương diện nào đó, ở đây là “trơ” với “nước non” tức là với thế giới tự nhiên và xã hội, nó được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh thêm nỗi xót xa, đau đớn đến không còn cảm giác của tác giả.

Khi buồn, sầu, đau, cô đơn con người ta thường hay tìm đến rượu để tiêu sầu, thi sĩ cũng vậy nhưng bà càng uống lại càng tỉnh:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”.

Người ta nói khi say là khi sống thật với chính mình, với tâm hồn của một thi sĩ uống rượu ngắm trăng là lúc cảm xúc thăng hoa nhất nhưng Hồ Xuân Hương càng uống lại càng tỉnh, tỉnh bao nhiêu thì buồn đau cho thân phận mình bấy nhiêu. Bà ngắm trăng thấy ánh trăng đã tàn mà chưa có một khoảnh khắc nào tròn. Bà ngẫm cho mình thanh xuân cuộc đời người phụ nữ đã trôi đi già nửa mà chưa một lần được hưởng hạnh phúc trọn vẹn yêu thương. Càng hy vọng, càng chờ bao ngày tháng càng thất vọng buồn tủi bấy nhiêu đau. Đó chính là bi kịch của người phụ nữ tài sắc mà duyên phận lại hẩm hiu. Hồ Xuân Hương đã từng cất lên tiếng chửi của thân phận làm lẽ:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”

hạnh phúc là một tấm chăn hẹp trong hoàn cảnh của nhà thơ người vợ lẽ luôn phải chịu thiệt hơn bởi tình cảm không những không được san sẻ mà bị cướp sạch sẽ bởi vợ cả. Nguyễn Du từng cất tiếng khóc thương cho thân phận của kiếp đàn bà:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Hồ Xuân Hương tuy là số phận hẩm hiu nhưng bà là một con người có cá tính mạnh mẽ. Dù bi thương nhất nhưng vẫn không cam chịu, chấp nhận mà phản kháng mạnh mẽ, dữ dội được thể hiện qua ý chí trong hai câu thơ:

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đá mấy hòn”

Nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” được sử dụng, các động từ mạnh xiên, đâm với bổ ngữ ngang và toạc nhấn mạnh trạng thái của thiên nhiên. Rêu và đá là hai sự vật nhỏ bé, yếu ớt so với mây trời, mặt đất rộng lớn bao la mà có sức mạnh vô cùng. Nhà thơ vốn là một con người tự tin yêu đời nên nhìn rêu nhìn đá trong vũ trụ bao la vẫn hoạt động mạnh mẽ, sức sống mãnh liệt qua đó cũng cho thấy bản sắc, phong cách của Hồ Xuân Hương: Luôn cảm nhận sự vật dưới cái nhìn mạnh mẽ, hàm chứa một sức sống dào dạt. Dù trải qua nhiều bi kịch, đau thương với đời nhưng bà luôn gắng gượng phản kháng. Hồ Xuân Hương đã có lần tự khẳng định cái tôi cá nhân của mình:

“Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”

Tuy là mạnh mẽ cứng rắn nhưng một mình bà vẫn không thể thay đổi cho cả xã hội, con người bà không thể thắng được số phận. Bà cất lên tiếng nói nhằm đấu tranh cho quyền lợi hạnh phúc của người phụ nữ nhưng chính bà cũng đang phải chịu nỗi bất hanh. Tuy nhiên tiếng thơ ấy là một hiện tượng mới lạ trong thơ ca trung đại, là khúc ca mở đầu cho những nhà thơ đứng về phụ nữ, bảo vệ và đòi quyền hạnh phúc cho họ.

Bà đau đớn, xót xa than ngẫm cho hoàn cảnh, thân phận chính mình:

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở cũng là mùa của tuổi trẻ, thanh xuân người con gái. Mùa xuân của thiên nhiên đi rồi lại đến còn mùa xuân của con người thì đi mãi không trở về “Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha”. Tuổi xuân năm lần bảy lượt qua đi nhưng mảnh tình chỉ có một tí mà vẫn phải san sẻ để rồi chỉ còn tí con con. Từng câu từng chữ thấm đẫm nỗi uất ức, xót xa, ấm ức bởi chưa bao giờ tình cảm được trọn vẹn chẳng khác gì ánh trăng trên trời cao kia đã xế khi chưa tròn. Nghệ thuật tăng tiếng “tí con con” được sử dụng thành công càng làm cho bi kịch của người phụ nữ càng thêm cao, một từ tí con con cực tả nỗi niềm chua xót ngán ngẩm của nhà thơ.

“Tự tình II” là bài thơ tự than thân, tự bộc lộ, tự nói lên nỗi lòng của một người phụ nữ lận đường tình duyên nhưng luôn khao khát có được một tình yêu trọn vẹn xứng đáng với tấm chân tình của mình. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ cho thấy tài năng thi ca của tâm hồn thi sĩ với việc sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh, thủ pháp tả cảnh ngụ tình, dùng động từ mạnh kết hợp nghệ thuật đảo ngữ và các từ láy “văng vẳng”, “con con” với nghệ thuật tăng tiến càng làm cho bài thơ trở nên sâu sắc, thẫm đượm cái ý cái tình của người phụ nữ có nhiều nét độc đáo, mới lạ trong nền thơ ca văn học dân tộc.

Những hình ảnh giản dị với tâm trạng vừa buồn tủi, xót xa lại vừa uất ức cho thân kiếp làm lẽ, đồng thời cũng là bi kịch và khát vọng hạnh phúc cá nhân của Hồ Xuân Hương. Bài thơ truyền tải ý nghĩa nhân văn sâu sắc tới độc giả dù sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng con người vẫn cố gắng vươn lên muốn thay đổi số phận, thay đổi nghịch cảnh mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn với hạnh phúc lứa đôi và tình duyên trọn vẹn.