BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Tính kỷ luật là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một xã hội trật tự và phát triển. Kỷ luật giúp con người rèn luyện ý thức tự giác, tuân thủ quy tắc, từ đó góp phần tạo nên môi trường sống lành mạnh và hiệu quả.

Đoạn văn Nghị luận xã hội về tính kỉ luật

Mẫu 1

Sybil Staton từng chia sẻ: "Kỷ luật là chăm sóc bản thân, chứ không phải là sự trừng phạt." Thực tế, kỷ luật là quá trình rèn luyện tinh thần nhằm xây dựng tính cách và sự kiểm soát bản thân. Nhiều người khi nghĩ đến kỷ luật thường liên tưởng đến sự nghiêm khắc, ép mình tuân theo các nguyên tắc cứng nhắc. Nhưng thực chất, kỷ luật giúp chúng ta tự điều chỉnh hành vi và suy nghĩ theo những tiêu chuẩn mà bản thân đã đặt ra, nhờ đó chúng ta biết rõ cần làm gì và thực hiện ra sao. Kỷ luật không chỉ giúp chúng ta tránh bỏ cuộc mà còn khuyến khích sự kiên nhẫn để giải quyết khó khăn. Đây là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của thành công và hạnh phúc. Erich Fromm từng nhận định: "Thiếu kỷ luật, cuộc sống sẽ trở nên rối loạn và mất tập trung." Nếu không có kỷ luật, chúng ta khó có thể phát triển bản thân và duy trì sự cố gắng, bởi mọi hành động sẽ bị dẫn dắt bởi cảm xúc và sở thích cá nhân. Ví dụ, khi có công việc cần hoàn thành mà thiếu kỷ luật, chúng ta dễ bị phân tâm bởi những thú vui và xao lãng nhiệm vụ. Vì vậy, tính kỷ luật là yếu tố cần thiết để mỗi người có thể chịu trách nhiệm với cuộc sống và công việc của mình. Tuy nhiên, kỷ luật không có nghĩa là chỉ lao vào học tập và công việc mà bỏ quên nghỉ ngơi. Chúng ta cần cân bằng giữa công việc, học tập và thư giãn để có cuộc sống hài hòa, từ đó tiếp tục đạt được những mục tiêu mong muốn. Thành công đến từ nỗ lực không ngừng và kiên định trong công việc.

Mẫu 2

Nói về tính kỉ luật, Sybil Staton đã nói rằng: "Kỉ luật là tự chăm sóc mình chứ không phải tự trừng trị mình". Quả thực sự kỉ luật chính là việc rèn luyện một cách đặc biệt về mặt tinh thần để tạo nên cho bản thân một tính cách và sự tự chủ. Khi nói đến tính kỉ luật có lẽ chúng ta thường có suy nghĩ rằng những người kỷ luật là những người mà luôn cứng nhắc, luôn khuôn ép bản thân vào một quy chuẩn, giáo điều. Thế nhưng thực sự không phải như vậy. Khi chúng ra có tính kỉ luật có nghĩa là chúng ta đang biết cách tự kiểm soát những hành động và suy nghĩ của bản thân trong một chuẩn mực mà chúng ta đề ra, điều đó sẽ khiến bản thân biết mình cần phải làm gì, sẽ làm gì, làm công việc đó như thế nào. Sự kỷ luật sẽ giúp cho bản thân mỗi người luôn làm việc, cố gắng giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống chứ không tùy tiện, buông xuôi mọi thứ. Có thể nói rằng đây chính là chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa của sự thành công, của hạnh phúc. Chắc chắn rằng khi chúng ta làm việc có sự kỷ luật thì sẽ nhận được những kết quả ngọt ngào của sự cố gắng, của quá trình lao động bền bỉ không biết mệt mỏi. Erich Fromm đã từng nói rằng "không có tính kỉ luật, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên chao đảo và thiếu tập trung". Thực sự nếu như mỗi người thiếu đi sự kỷ luật thì bản thân sẽ chẳng bao giờ có sự tiến bộ và cố gắng được bởi khi đó mọi hành động, suy nghĩ của bản thân sẽ phụ thuộc vào tâm trạng cũng như ý thích của bản thân. Chẳng hạn, khi chúng ta có những bài tập, công việc cần phải giải quyết nhưng chúng ta không có kỷ luật, không tuân thủ theo hạn nộp mà thích thì làm, không thích thì bỏ có lẽ các bài tập, công việc đó sẽ không bao giờ được hoàn thành. Nếu như không có sự kỉ luật, chúng ta có thể dễ dàng bị lôi kéo vào những cuộc vui chơi ngày qua ngày, bỏ bê những công việc quan trọng khác trong cuộc sống bởi lẽ vui chơi thì luôn khiến mọi người thỏa mãn hơn phải làm việc. Bởi vậy, mỗi người cần phải có tính kỉ luật để giúp cho bản thân trở thành người có trách nhiệm với công việc và cuộc sống của mình. Tuy nhiên, kỷ luật không phải là lúc nào cũng cắm đầu vào học, vào làm việc mà không cho mình có thời gian nghỉ ngơi. Chúng ta cần phải cân bằng giữa thời gian học tập, làm việc cũng như thời gian thư giãn, giải trí để cuộc sống được cân bằng, để chúng ta có thể hồi phục năng lượng tiếp tục thực hiện những việc tiếp theo. Sự thành công của mỗi người bản chất chính là nhờ những sự nỗ lực không ngừng nghỉ, những sự kiên trì với công việc mà mình đang làm, đang hướng tới. Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy tự rèn cho mình tính kỷ luật, sự cố gắng không ngừng nghỉ thì sẽ có một ngày đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra.

Mẫu 3

Để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống, chúng ta phải vượt qua một hành trình dài đòi hỏi sự nỗ lực liên tục. Trên con đường này, kỷ luật đóng vai trò vô cùng quan trọng, như Jim Rohn đã nói: "Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu." Vậy kỷ luật là gì? Đó là khả năng tuân thủ các quy tắc, luật lệ hoặc kế hoạch để đạt hiệu quả trong công việc và cuộc sống. Người có kỷ luật biết kiểm soát các tình huống và đặt ra mục tiêu rõ ràng cho bản thân, không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc hay sở thích ngẫu hứng. Kỷ luật không chỉ giúp vượt qua thử thách mà còn khuyến khích sự sáng tạo và năng động trong công việc. Đây chính là chìa khóa để tiết kiệm thời gian và công sức, dẫn đến thành công. Mặc dù có người đặt ra mục tiêu nhưng không duy trì kỷ luật, việc tìm đường tắt sẽ không bao giờ đưa họ đến thành công. Kỷ luật giúp tạo dựng lòng tin và sự tôn trọng từ người khác, đặc biệt trong công việc. Ví dụ, đến nơi làm việc đúng giờ thể hiện tính kỷ luật và tạo sự tin cậy. Kỷ luật còn giúp khắc phục những giới hạn cá nhân, cải thiện khả năng và thúc đẩy tinh thần làm việc nhóm. Tuy nhiên, kỷ luật không có nghĩa là cứng nhắc, mà là cách lập kế hoạch hợp lý giữa công việc và nghỉ ngơi, giúp đạt hiệu quả tối đa và thành công bất ngờ.

Mẫu 4

Để đạt được những mục tiêu mà bản thân đặt ra trong cuộc sống là cả một chặng đường, cả một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của mỗi người. Trên con đường ấy, bên cạnh những sự cố gắng thì tính kỉ luật là một điều vô cùng quan trọng bởi Jim Rohn đã nói rằng: "Kỉ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu". Chúng ta thường hay nói cần phải có tính kỷ luật trong cuộc sống, vậy kỉ luật là gì? Kỷ luật chính là việc mỗi người tuân thủ theo các quy tắc, luật lệ hay các quy định đã được tạo ra với mục đích để đạt được chất lượng, hiệu quả trong công việc và cuộc sống. Một người có tính kỷ luật sẽ có khả năng nắm bắt và kiểm soát được những điều xảy ra trong cuộc sống của mình. Thế nhưng kỷ luật không phải là làm theo những điều mà người khác yêu cầu mà bản thân mỗi người cần đặt ra những mục tiêu để làm theo, những giới hạn mà bản thân không được vượt qua khỏi nó. Với một người có tính kỷ luật, khi gặp phải những khó khăn trong cuộc sống chắc hẳn sẽ luôn tìm được nguồn động lực cho bản thân vượt qua khỏi những thử thách đó cũng như luôn năng động, sáng tạo hơn trong cách giải quyết tất cả các vấn đề có thể gặp phải trong cuộc sống. Bên cạnh đó, kỉ luật cũng là một đức tính giúp chúng ta dễ đi tới thành công hơn, giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian để đạt được những gì mình đặt ra bởi ta đã xác định được những điều cần thực hiện và tuân thủ theo những điều đó. Tuy nhiên, có những người cũng xác định được mục tiêu của mình nhưng không thể tuân thủ theo những gì mình đặt ra và bỏ cuộc giữa chừng, thế nhưng họ lại bào chữa cho việc đó bằng lý do họ muốn đi tìm một con đường khác để rút ngắn hành trình. Thế nhưng mỗi chúng ta cần phải nhớ một điều rằng để đi tới được thành công thì chẳng có một con đường nào ngắn, cũng chẳng có một đường tắt nào để đi. Tất cả đều là những sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với tính kỷ luật của bản thân mới đưa bạn tới thành công mà thôi. Bên cạnh đó, những người có tính kỉ luật thường sẽ luôn nhận được những sự quý mến, tin tưởng của những người xung quanh, đặc biệt là trong công việc. Chẳng hạn trong một tuần làm việc, bạn thường có vài ngày đi trễ dù chỉ 5 hay 10 phút, thế nhưng chắc hẳn sự tin tưởng của mọi người đối với bạn sẽ giảm đi phần nào. Bởi một người thường xuyên đi làm việc chắc hẳn là những người không tuân theo sự kỷ luật của công ty, cũng có thể sẽ luôn tạo ra sự trễ nải trong công việc bởi một việc đơn giản như cố gắng đi làm đúng giờ bạn cũng không thể làm được. Điều này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của bạn và những người xung quanh. Khi bản thân chúng ta có tính kỉ luật và luôn làm theo những kỷ luật mà bản thân đặt ra chắc chắn rằng chính bản thân mình đang tự khắc phục được những hạn chế của chính mình, trở thành một phiên bản ngày càng tốt hơn, luôn tự trau dồi, nâng cao năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, một người có tính kỷ luật sẽ luôn tạo được sự tin tưởng với những người xung quanh cũng như là nguồn cảm hứng để thúc đẩy mọi người làm việc và học hỏi theo. Tính kỷ luật không chỉ đem đến những lợi ích cho riêng bản thân chúng ta mà còn có lợi với cả tập thể. Ví dụ, với những bài tập nhóm khi đến hạn nộp, tất cả mọi người đều đã hoàn thành nhưng chỉ còn một cá nhân thiếu kỉ luật và vô trách nhiệm nên chưa làm xong và gây ảnh hưởng đến tiến độ của cả nhóm. Tuy nhiên, kỷ luật không phải là ràng buộc bản thân vào những điều vô lý hoặc không phù hợp với bản thân mình, kỉ luật cũng không phải là ép bản thân vào những khuôn khổ, quy tắc cứng nhắc bởi như vậy là chúng ta đang bức ép bản thân làm những điều vô ích và lãng phí thời gian. Thay vì cứng nhắc với bản thân, chúng ta hãy tự xây dựng cho mình những bảng thời gian biểu, những kế hoạch mà vừa cân bằng thời gian làm việc, vừa có những thời gian giải trí, nghỉ ngơi. Chỉ khi đó chúng ta mới có nguồn cảm hứng làm việc cũng như có được năng lượng, nguồn động lực để luôn phát huy tính kỷ luật của bản thân. Mỗi người chúng ta đều luôn phải nhớ rằng đã là con người thì chẳng ai hoàn hảo và chẳng ai có được tất cả mọi thứ như chúng ta mong muốn. Thế nhưng khi bản thân chúng ta luôn biết rèn luyện và hướng tới sự kỷ luật thì những thành công, những kết quả trong cuộc sống có thể sẽ đến với chúng ta, thậm chí có thể vượt qua cả ngoài sự mong đợi. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần rèn luyện tính kỷ luật cho chính mình bởi tuy điều đó có khó khăn thế nhưng chính là chiếc chìa khóa để đưa ta đến với sự thành công. 

Mẫu 5

Sự kỷ luật là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Nó giúp chúng ta duy trì tính tự giác và trách nhiệm, đồng thời phát triển khả năng quản lý thời gian và công việc một cách hiệu quả hơn. Khi có kỷ luật, chúng ta có thể dễ dàng đạt được mục tiêu đã đề ra. Biết cách sắp xếp thời gian và ưu tiên công việc giúp chúng ta tiến gần hơn đến thành công, đồng thời giảm thiểu căng thẳng và áp lực. Tuy nhiên, việc duy trì kỷ luật không hề đơn giản. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và quyết tâm cao độ. Chúng ta cần có một ý chí vững vàng để tuân thủ những nguyên tắc và quy tắc mà bản thân đã đặt ra. Bên cạnh đó, kỷ luật còn giúp chúng ta trở thành những người có trách nhiệm và đáng tin cậy. Khi tuân thủ các cam kết của mình, chúng ta xây dựng được lòng tin và sự tôn trọng từ người khác. Trong cuộc sống, kỷ luật là chìa khóa để đạt được thành công và hạnh phúc. Nó không chỉ giúp chúng ta giữ vững tính tự giác và trách nhiệm mà còn rèn luyện khả năng quản lý công việc tốt hơn, trở thành những người đáng tin cậy. Vì thế, hãy luôn cố gắng tuân thủ các quy tắc và cam kết để tiến gần hơn đến mục tiêu của mình.

Mẫu 6

Sự phát triển không ngừng của kinh tế và xã hội mang lại cuộc sống văn minh, tốt đẹp hơn, nhưng cũng đồng thời gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực và cái xấu. Kỷ luật được đặt ra để giúp con người sống theo đúng chuẩn mực đạo đức trong xã hội, vì vậy việc tôn trọng kỷ luật là rất cần thiết. Kỷ luật có thể hiểu là những quy tắc ứng xử chung do một tổ chức hoặc cơ quan đặt ra, rộng hơn là hệ thống pháp luật ở mỗi quốc gia. Tôn trọng có nghĩa là đánh giá đúng mực, tuân theo và thể hiện văn hóa cá nhân. Tôn trọng kỷ luật chính là tuân thủ những khuôn phép và chuẩn mực đạo đức đã được thiết lập từ trước đến nay. Điều này giúp con người sống có quy củ, biết điều chỉnh hành vi để sống đúng mực trong xã hội. Những người sống có kỷ luật sẽ nhận được sự tôn trọng và yêu quý từ người khác. Một đất nước mà công dân tuân thủ pháp luật và kỷ luật sẽ sớm phát triển thành một cường quốc, như Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Ngược lại, nếu không tôn trọng các quy tắc kỷ luật, con người dễ trở nên tha hóa, dấn thân vào tệ nạn, thậm chí phạm tội. Ở nước ta, hầu hết người dân đều sống với tinh thần tôn trọng kỷ luật. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp như Lê Văn Luyện, Nguyễn Văn Tiến,... phá vỡ kỷ luật và dẫn đến những hành vi tội ác không thể dung thứ. Vì vậy, với tư cách là một học sinh và một công dân, hãy luôn tôn trọng kỷ luật để trở thành một người có ích cho xã hội.

Mẫu 7

Để đạt được điều mình mong muốn hay chạm tới thành công, mỗi chúng ta đều phải đi qua một chặng đường dài. Trên con đường đó, không ít người đã đi sai hướng và không thể tới đích. Điều này không hẳn do họ chưa cố gắng đủ, mà có thể vì họ thiếu tính kỷ luật. "Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu." Kỷ luật là việc tuân thủ các nguyên tắc, luật lệ nhằm tạo sự đồng bộ và đạt hiệu quả trong công việc cũng như cuộc sống. Khi bạn có tính kỷ luật, bạn có khả năng kiểm soát mọi vấn đề dễ dàng hơn. Tuy nhiên, là người có kỷ luật không có nghĩa là tuân theo những gì người khác đặt ra mà cần thiết lập quy tắc riêng cho mình. Khi làm được điều đó, bạn sẽ trở nên khác biệt và tiến xa hơn so với số đông. Đôi khi, những gì ta nghĩ là giới hạn lại chính là những yếu tố giúp ta phát triển, đó chính là bản chất của kỷ luật. Khi có kỷ luật cao, ta giải quyết khó khăn dễ dàng và trở nên linh hoạt hơn trong công việc. Nhờ đó, ta có thêm sức mạnh ý chí để vượt qua thử thách. Kỷ luật giúp ta đi đúng hướng và tránh kiệt sức trên con đường đến thành công. Tuy nhiên, trong cuộc sống, vẫn còn nhiều người thiếu tính kỷ luật. Họ làm việc và sống theo cảm hứng, không có kế hoạch rõ ràng, và thường dẫn đến thất bại. Những người như vậy thật đáng tiếc. Kỷ luật là nguồn sức mạnh cho cả cá nhân và tập thể. Nếu thiếu kỷ luật, bạn sẽ khó đạt được điều gì lớn lao. Với tư cách học sinh, ngay từ bây giờ, hãy rèn luyện kỷ luật, nghiêm túc trong mọi việc, biết nhận lỗi và sửa chữa. Chỉ khi đó, bạn mới có thể vượt qua khó khăn để đạt đến thành công trong tương lai.

Mẫu 8

Tôn trọng kỷ luật là việc tự giác tuân thủ các quy định chung của tập thể và tổ chức xã hội mọi lúc, mọi nơi. Tôn trọng kỷ luật còn có nghĩa là thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao, đảm bảo công việc đạt hiệu quả, góp phần xây dựng tập thể đoàn kết và vững mạnh. Người biết tự giác chấp hành kỷ luật sẽ biết quý trọng thời gian, tuân thủ các quy định của tổ chức, và duy trì lối sống chuẩn mực, gương mẫu. Ý thức tự giác chấp hành giúp gia đình, nhà trường, và xã hội có nề nếp hơn, bảo vệ lợi ích chung và cá nhân. Các hoạt động của tập thể, cộng đồng cũng được thực hiện một cách thống nhất và hiệu quả hơn. Học sinh cần rèn luyện ý thức tôn trọng kỷ luật ở mọi nơi, mọi lúc. Trong học tập, cần nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ học sinh, tuân thủ các nội quy và quy định của trường lớp. Trong cuộc sống, cần biết tuân theo quy định cộng đồng và nghiêm túc với pháp luật để xây dựng cuộc sống có trật tự và kỷ cương. Việc tôn trọng kỷ luật và tự giác thực hiện trách nhiệm giúp đảm bảo cuộc sống của mỗi người. Tuân thủ kỷ luật không chỉ bảo vệ lợi ích chung của tập thể mà còn đảm bảo quyền lợi cá nhân. Khi đó, mỗi cá nhân sẽ được xã hội công nhận, tôn trọng và bảo vệ theo pháp luật.

👉 Tóm lại, tính kỷ luật không chỉ là nền tảng giúp cá nhân phát triển, mà còn là yếu tố cần thiết để xây dựng một xã hội văn minh, bền vững. Mỗi người cần rèn luyện kỷ luật để đạt được thành công và góp phần vào sự tiến bộ chung.