Khi làm bài nghị luận xã hội, cần chú ý đến việc phân tích rõ ràng vấn đề xã hội được đưa ra, sử dụng lập luận chặt chẽ và dẫn chứng cụ thể. Đồng thời, người viết nên thể hiện quan điểm cá nhân một cách thuyết phục và cân nhắc đến tính logic và đạo lý trong bài viết.
Nghị luận xã hội là gì?
Văn nghị luận xã hội là thể loại bài viết bàn luận về các vấn đề xã hội, chính trị và đời sống nói chung. Phạm vi của loại văn này rất rộng lớn, từ các vấn đề tư tưởng, đạo lý đến lối sống và những sự kiện nổi bật trong đời sống hàng ngày.
Cụ thể hơn, văn nghị luận xã hội yêu cầu người viết phân tích các vấn đề xã hội mà không tập trung vào tác phẩm hay nhà văn như trong nghị luận văn học. Để viết văn nghị luận xã hội hiệu quả, học sinh cần phát triển hai kỹ năng chính: chứng minh và giải thích.
Xác định chính xác vấn đề nghị luận
Đối với một Đoạn văn Nghị luận xã hội hoặc một Bài văn Nghị luận xã hội, điều quan trọng đầu tiên là xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Nhiều bạn có thể nghĩ điều này là bình thường và không quá quan trọng, nhưng vẫn có trường hợp vì xác định chưa chính xác vấn đề cần bàn luận trong đề bài, dẫn đến bài làm không đi đúng trọng tâm và không đạt điểm cao. Thậm chí có thể là làm sai đề, lạc đề và mất điểm hoàn toàn.
Đảm bảo đúng, đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài
Khi đề yêu cầu làm một Bài văn khoảng 600 chữ, các bạn cần đảm bảo bố cục đầy đủ cả ba phần như cấu trúc của một bài văn hoàn chỉnh bao gồm: Mở bài, Thân bài, Kết bài. Tránh viết thành một đoạn văn vì như vậy sẽ sai và lệch hẳn so với yêu cầu hình thức của đề bài.
Đảm bảo các nội dung khi triển khai vấn đề nghị luận
Từ việc viết một đoạn văn chuyển sang một bài văn, dung lượng tăng, bố cục thay đổi nhưng các bạn vẫn cần đảm bảo đầy đủ các bước, các ý khi triển khai bàn luận về một vấn đề nghị luận. Về cơ bản, các ý cần có trong Bài văn Nghị luận xã hội sẽ không khác nhiều so với các ý cần có trong Đoạn văn Nghị luận xã hội. Cụ thể cần đảm bảo các nội dung sau:
Mở bài:
Dẫn dắt và nêu được vấn đề cần nghị luận.
Thân bài:
Giải thích vấn đề: cắt nghĩa một khái niệm, sự vật hoặc hiện tượng, giúp người đọc hiểu rõ và đúng vấn đề nghị luận.
Nêu biểu hiện của vấn đề: chia nhỏ vấn đề thành các yếu tố tuần tự, logic, dựa trên những tiêu chí, quan hệ nhất định, giúp người đọc xem xét toàn diện nội dung, hình thức của đối tượng.
Ý nghĩa, vai trò của vấn đề: Nêu ý nghĩa, vai trò hoặc tác động tích cực và tiêu cực của đối tượng đối với xã hội.
Dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề: Chọn lọc dẫn chứng chân thực, tiêu biểu và phù hợp với vấn đề cần chứng minh. Khi nêu và phân tích dẫn chứng, cần trình bày logic, chặt chẽ và hợp lý.
Phản đề: Nêu ý kiến đối lập, sau đó phân tích, bác bỏ và khẳng định theo ý kiến của người viết.
Nhận thức và hành động.
=> Thân bài là phần rất quan trọng, các bạn nên triển khai ý đầy đủ, đi vào bàn luận sâu sắc về vấn đề được đưa ra.
Kết bài:
Khẳng định lại vấn đề và thể hiện cái nhìn, đánh giá riêng của mình về vấn đề đó.
Liên hệ bản thân.
Tham khảo những bài viết liên quan:
Một số lỗi thường gặp khi viết NLXH và cách khắc phục.
Làm thế nào để viết bàn luận mở rộng một cách sáng tạo trong bài NLXH.
Bí kíp ăn trọn điểm đọc hiểu.