BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Kim Lân là một trong số những cây bút truyện ngắn dù để lại một số lượng tác phẩm không nhiều nhưng sáng tác nào của ông cũng vững vàng nơi lòng người.

1. Nhìn từ khía cạnh tình huống truyện

Khi tình yêu làng của ông Hai được đưa ra thử thách , khi nhân vật được đặt trước một tình huống khó khăn: về hay không về làng nữa. Đó có thể chưa phải là một lựa chọn sinh tử, nhưng với ông Hai, đó là một lựa chọn vô cùng khó khăn, đau đớn. Phần chính của câu chuyện tập trung vào cuộc đấu tranh trong nội tâm nhân vật. Nhìn từ khía cạnh đó, Làng có thể coi là một câu chuyện tâm lí, và thành công của truyện chủ yếu là nhờ vào tài miêu tả tâm lí nhân vật của Kim Lân.

 

2. Tên truyện đặt gọn chỉ có một chữ Làng.

Trong xã hội Việt Nam thời xưa, Làng không chỉ là một đơn vị hành chính mà nó còn có vị trí rất quan trọng đối với đời sống của con người, nhất là người nông dân. Ở đó, họ có một ngôi nhà làm chỗ che mưa che nắng, có một mảnh ruộng để gieo trồng cung cấp lương thực nuôi sống họ; một cái chợ để trao đổi hàng hóa; một ngôi đình để thờ cúng, tổ chức những sinh hoạt văn hóa cộng đồng và một nghĩa địa để gửi lại thân xác khi đã sống trọn kiếp con người. Nhiều người nông dân, từ lúc sinh ra, lớn lên, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái cho đến lúc sang thế giới bên kia, cả cuộc đời không ra khỏi lũy tre làng. Vì thế, sự gắn bó với làng, tình yêu mà họ dành cho làng quê mình là một điều hết sức tự nhiên, thấm vào trong xương cốt, trong máu thịt. Ông Hai, nhân vật chính trong tác phẩm là một con người như thế. Với ông, làng Chợ Dầu là tất cả. Cái gì ở làng ông cũng đẹp nhất, to nhất. Ông say mê nói về làng của mình, không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào để khoe với người thiên hạ về làng của mình. Ông nói mà không cần biết người khác có chú ý nghe hay không, ông nói chỉ cốt thỏa mãn tình cảm của bản thân mình. Thế nên, truyện Làng trước hết và trên hết, là một câu chuyện về tình yêu làng, tình yêu quê hương đất nước của người nông dân Việt Nam. Đó là một tình cảm truyền thống góp phần làm nên vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.

3. "Cái làng đối với người nông dân-đặc biệt ở vùng Bắc Bộ có một ý nghĩa cực kì quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của họ.

Nó gắn bó thân thiết với họ hàng ngày và suốt cả cuộc đời, cả đến khi giã từ cuộc đời. Vì thế, từ bao nhiêu lâu nay, lòng yêu làng quê đã trở thành một tình cảm tự nhiên, sâu nặng, hơn nữa đã thấm sâu vào tâm thức, tâm linh của người dân quê. Làng là nơi tổ tiên, ông bà từng sinh sống, là môi trường sinh hoạt, là cộng đồng gắn kết trong phong tục, tập quán, quy ước, truyền từ đời này sang đời khác."

4. Tình yêu làng vốn đã có sẵn trong máu thịt ở những người nông dân như ông Hai.

Tình yêu ấy nay được mở rộng hơn trong tình yêu nước. Đó cũng là một sự chuyển biến trong nhận thức và tình cảm của những người nông dân từ sau Cách mạng. Truyện Làng vì thế còn là câu chuyện nói về lòng yêu nước, về tinh thần kháng chiến của những người nông dân.

(Nguyễn Văn Long, Cảm thụ và phân tích tác phẩm văn học 9).

5. "Lấy bối cảnh tản cư hồi kháng chiến chống Pháp

Truyện Làng nói với người đọc về sự gắn bó của người nông dân với làng quê của mình. Với họ, với ông Hai, thì quê mình cái gì cũng nhất, kể cả những cái gây ra nỗi khổ nhục của mình là cái sinh phần của nhà địa chủ. Xa làng quê, đối với họ là nỗi đau lòng ghê gớm chứ không chỉ là sự thấp thỏm về cái việc không có đồng đất để cày cấy. Thế nhưng tản cư là không hợp tác với giặc, là hành động chống Pháp nên họ chẳng từ nan. Truyện Làng cho ta thấy được một sự chuyển hóa từ lòng yêu làng quê tha thiết đắm đuối trở thành tình yêu nước, yêu quý sự nghiệp cách mạng và kháng chiến ở người nông dân. Hình tượng ông Hai là hình tượng đặc sắc, có sức sống từ chính những suy tư không một chiều mà vẫn đơn thẳng nơi ông, từ chính những hành động bộc trực của ông"

( Nguyên An, Yếu tố tự truyện trong sáng tác của Kim Lân.)

6. Truyện ngắn này không phải viết về đời sống nơi tản cư mà viết về tình cảm của con người với làng xóm, quê hương.

Truyện viết về chính những người dân làng tôi. Hồi ấy gia đình tôi cũng đi sơ tán, trên khu ở mới, có tin đồn làng tôi là làng Việt gian. Mọi người đều nhìn những người dân làng với con mắt chế giễu, khinh thường. Tôi yêu ngôi làng của tôi và không tin dân làng tôi có thể đi theo giặc Pháp. Tôi viết truyện ngắn Làng như thể để khẳng định niềm tin của mình và minh oan cho làng tôi.

(Tác giả nói về tác phẩm).

7. Tác giả đã diễn tả rất tinh tế các tâm trạng và diễn biến tâm lí của nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng mình theo giặc.

Ban đầu là những cảm xúc đột ngột hiện ra bằng các trạng thái cơ thể: cổ nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân rồi lặng đi tưởng chừng không thở được. Rồi tiếp đó là nỗi xấu hổ, đau xót khiến ông cúi gằm mặt xuống mà đi. Nỗi đau đớn tủi hổ về việc làng mình theo giặc khiến ông cảm thấy như mình cũng là kẻ có tội, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không dám ló mặt ra đến ngoài. Sau cùng thì tâm trạng của ông Hai được biểu hiện trong những lời độc thoại nội tâm như những lời tự minh oan, lời nguyện làm vợi bớt phần nào nỗi khổ tâm nặng nề đã dằn vặt ông bấy lâu.

8. Có thể nói linh hồn của truyện ngắn Làng là nhân vật ông Hai.

Kim Lân đã đưa vào văn học một bức chân dung sống động, đẹp một vẻ riêng về người nông dân Việt Nam những ngày đầu kháng chiến, những con người bình thường và những điều tốt đẹp của họ-lòng yêu làng, yêu nước-được khơi dậy và hoàn thiện để ngày càng đẹp đẽ.

( Trịnh Bích Ba, Bình giảng Văn 9).

Baitap24h.com