BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Nỗi cô đơn là một chủ đề sâu sắc trong văn học, thể hiện những khía cạnh tinh tế của tâm hồn con người. Từ những tác phẩm cổ điển đến hiện đại, nỗi cô đơn không chỉ phản ánh sự mất mát, mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo, khát vọng kết nối và tìm kiếm bản ngã.

Hành trình sáng tạo nghệ thuật là việc khám phá thế giới trong sa mạc cô độc. Dù là người miêu tả sự khổ hạnh của nhân vật, văn nghệ sĩ cũng đối diện với nỗi cô đơn của mình. Cô đơn là món quà quý giá để nghệ sĩ viết nên những tác phẩm sâu sắc. Đúng như Marguerite Duras đã nói: “Nỗi cô đơn của người viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm”.

Trước hết, ta cùng giải thích câu nói của Duras. "Cô đơn" là trạng thái "chỉ có một mình", trống trải, không ai chia sẻ, mang lại cảm xúc phức tạp và khó chịu. Cô đơn thường gắn với sự lo lắng về việc thiếu kết nối và giao tiếp với người khác. "Viết" là hành động của nhà văn khi lựa chọn, sắp xếp ngôn từ nghệ thuật để tạo nên tác phẩm. "Tác phẩm" là công trình sáng tạo, sử dụng ngôn từ và hình tượng nghệ thuật để gửi gắm thông điệp về con người và cuộc đời. Như vậy, câu nói được hiểu là "Nhà văn luôn rơi vào trạng thái cô đơn khi sáng tác". Duras đã chỉ ra một đặc trưng quan trọng trong quá trình sáng tác của nhà văn, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu tự nhiên của hoạt động sáng tạo.

Dù vậy, “nỗi cô đơn của người viết” lại là yếu tố không thể thiếu trong quá trình lao động nghệ thuật. Bởi sáng tác văn học là hoạt động đặc thù mang tính đơn lẻ, cá thể hóa cao độ. “Người viết” ở trong không gian cô đơn, lạc trong nội tâm của mình để hình thành ý đồ, trăn trở suy tư. Họ chịu trách nhiệm duy nhất từ khi phác thảo ý tưởng, sửa chữa bản thảo đến khi trao tay bạn đọc. Để tư tưởng, tình cảm trong những trang viết trở nên lớn lao và truyền cảm, nhà văn trong hành trình sáng tạo luôn gắn liền với trạng thái cô đơn tuyệt đối. Duras nhấn mạnh rằng bản chất của lao động sáng tạo là lao động cá thể, yêu cầu khắt khe là làm việc trong sự cô đơn cùng cực.

Tại sao “Nỗi cô đơn của người viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm”? Sáng tác văn học là hoạt động đặc thù mang tính đơn lẻ nhất. Tác phẩm văn học như một ngôi nhà, nhà văn là người thai nghén ý tưởng, thiết kế, xây dựng và hoàn thành công trình. Đây là lao động đơn nhất, nhà văn là người trực tiếp chịu trách nhiệm với độc giả. Những người nghệ sĩ lớn thường đơn độc trong hiện thực, tự đối diện với sự khắc nghiệt của dư luận vì mang tư tưởng vượt tầm thời cuộc. Viết về sự đơn độc của Nguyễn Du trong một “xã hội quằn quại đau khổ”, Chế Lan Viên đã bày tỏ sự kính trọng sâu sắc:

Anh sinh vào thế kỷ nhiều tà huy mưa bụi
Quờ tay ra không người đồng điệu nằm bên
Nỗi đau Anh trùng với nỗi đau nhân loại
Mượn câu Kiều hóa thạch cuộc đời riêng…

(Nghĩ thêm về Nguyễn Du)

Thơ Hồ Xuân Hương, Hàn Mặc Tử, và tác phẩm như “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez cũng minh chứng cho sự cô đơn tạo nên giá trị bền bỉ của tác phẩm. Picasso từng nói, “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”. Nhận định này không chỉ từ chiêm nghiệm của Duras mà còn từ bản chất của văn học. Một quy luật bất biến của văn chương là nhà văn phải trải qua nỗi cô đơn, sự bơ vơ và những ẩn ức chưa thể chia sẻ với ai. Trong không gian cô độc, nhà văn mới có thể bộc lộ những trăn trở sâu kín và tình cảm chân thật nhất, viết nên câu trả lời cho những vấn đề phức tạp của thế cuộc. Cô đơn còn là điều tất yếu trong quá trình nhà văn tìm kiếm bản thể độc đáo, riêng biệt của mình. Nhà văn cảm bằng trái tim và nghĩ bằng khối óc của mình mới có thể viết nên những trang sách đặc sắc mang đậm dấu ấn cá nhân. Sự cô đơn của mỗi nghệ sĩ mang đến những trải nghiệm khác nhau, góp phần làm phong phú diện mạo văn học.

Nhà văn “giải thoát” khỏi nỗi cô đơn bằng cách viết, chuyển hóa cô đơn vào tác phẩm. Hàn Mặc Tử là nhà thơ cô độc bậc nhất, phải chịu cả hai nỗi cô đơn nhân đôi: sáng tạo và đối mặt với cái chết. Trong cái tôi của Hàn, ta thấy những tra vấn khôn nguôi về chân giá, mệnh giá cá nhân. Hàn thi sĩ truy tìm sâu vào những miền khuất trong cõi tinh thần, trạng thái bấn loạn của tâm linh, thăng hoa của bản năng, xung động của cái phi lý, siêu lý thuộc bản thể người. 

“Tôi đang còn đây hay ở đâu ?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
Sao bông phượng nở trong màu huyết,
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu”

(Những giọt châu)

Nỗi cô đơn quá tải đã phá vỡ cái tôi nguyên phiến, đơn ngã thành cái tôi phân li đa ngã. 

“Hồn là ai ? Là ai ! tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mệt lả còn tôi thì chết giấc…
Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại, rồ dại
Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta…”

Đào sâu vào nỗi cô đơn bản thể là khát khao và cũng là lưu đày của Hàn Mặc Tử. Nhưng đó lại là phần trọng yếu làm nên mệnh giá của thơ Hàn, đưa ra chân lý sống sâu sắc: chỉ cần được sống đã là hạnh phúc. Nỗi cô đơn của nghệ sĩ thấm đẫm trong những sáng tác khám phá tâm hồn con người. Trong “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam không miêu tả ngoại hình hay chuỗi hành động của Liên mà phát hiện ra những biến thái tinh vi trong tâm trạng:

“Liên ngồi lặng yên bên mấy quả thuốc sơn đen, đôi mắt chị bóng tối ngập đầy dần và cái buồn của hồn quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị”.

“Bóng tối ngập đầy dần” ẩn dụ cho sự ngưng đọng của nỗi buồn khó nói thành lời, buồn mà “không hiểu tại sao mình buồn”. Đó là nỗi buồn man mác trước giờ khắc ngày tàn, trước nhịp đời quẩn quanh, là quá trình xâm lấn của ngoại cảnh vào nội tâm, là dòng chảy lặng thầm trong tâm hồn mới lớn nhạy cảm, yêu sống của Liên.

Lao động sáng tạo là lao động trong nỗi cô đơn khổ hạnh cũng như lao động trên lĩnh vực tinh thần. Văn chương là tiếng nói cá nhân, những xúc cảm chân thật của con người. Văn chương giấu đi nỗi đau và những ai oán của kiếp người? Trong “Đàn ghi-ta của Lorca”, nỗi cô độc trong hành trình sáng tạo hiện lên thê thảm qua những vần thơ siêu hình:

“đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng trên yên ngựa mỏi mòn”

Ba câu thơ gợi bức tranh Lorca lẻ loi trên nẻo đường Tây Ban Nha. Nhưng “miền đơn độc” là không gian vô định, đầy rẫy hiểm họa, gắn với “vầng trăng chếnh choáng” tượng trưng cho khoảnh khắc xuất thần trong sáng tạo thi ca. Hình ảnh thơ thể hiện sự cô đơn trong đấu tranh của Lorca vì tự do dân chủ, cách tân nghệ thuật, và hành trình sáng tạo cái đẹp. Chặng đường ấy mòn mỏi, phải trả giá bằng “tiếng ghita ròng ròng máu chảy” nhưng làm nỗi cô đơn vĩ đại và khát vọng của Lorca bất tử, giúp hành trình sáng tạo của thế hệ sau tiếp nối.

Nỗi cô đơn được thể hiện qua tư tưởng, tình cảm của nghệ sĩ thật đáng trân quý. Cô đơn của nhà văn khi chuyển hóa vào tác phẩm trở thành nỗi cô đơn của nhân loại, người đọc tìm thấy nỗi cô đơn của mình trong nỗi cô đơn của nghệ sĩ. Vượt thoát khỏi nỗi cô đơn chính là hành trình người viết kiếm tìm tri âm tri kỷ, để tác phẩm sống mãi với thời gian. Truyện Trương Chi với khoảnh khắc trái tim Trương Chi hóa thành khối ngọc, nước mắt Mị Nương nhớ lại chuyện xưa, linh hồn chàng tan đi theo oan tình. Mị Nương trở thành tri âm với cái đẹp, giọt nước mắt là khóc cho số phận Trương Chi, tiếng hát tuyệt vời, cái đẹp dở dang đã chết yểu.