BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Tám câu đầu trong bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu mở ra cuộc đối thoại đầy cảm xúc giữa người đi và kẻ ở. Với giọng thơ trữ tình, sâu lắng, đoạn thơ gợi nhắc về kỷ niệm kháng chiến, đồng thời thể hiện tình nghĩa gắn bó son sắt, thủy chung giữa cách mạng và nhân dân.

Tố Hữu là một hồn thơ đặc biệt trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Hồn thơ của ông là sự kết hợp hài hoà giữa nội dung chính trị và nghệ thuật trữ tình. Tố Hữu luôn đồng hành và gắn bó với những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nhưng qua trái tim tinh tế và nhạy cảm của ông, những sự kiện đó đã trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật lãng mạn với giọng điệu ngọt ngào, tha thiết. “Việt Bắc” là một thành công lớn trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu, thể hiện rõ ràng những đặc điểm phong cách của ông và đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ từ biệt căn cứ địa cách mạng Việt Bắc để trở về Hà Nội. Tám câu đầu của bài thơ đã khắc họa nỗi niềm của cuộc chia tay giữa cán bộ cách mạng và đồng bào miền núi thật cảm động.

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Cảm xúc chủ đạo bao trùm bốn câu thơ đầu là nỗi niềm băn khoăn da diết khôn nguôi của cuộc chia ly. Chỉ với bốn câu thơ mà xuất hiện đến hai câu hỏi tu từ kết hợp với phép điệp “mình về mình có nhớ” đã khắc họa nỗi nhớ triền miên và tạo ra âm hưởng khắc khoải. Giọng điệu câu hỏi đầy trữ tình nhưng nội dung lại rất cụ thể. Hai câu thơ đầu tiên là câu hỏi hướng về thời gian: “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Khoảng thời gian “mười lăm năm” được nhắc tới chính là những năm tháng kháng Nhật và chống Pháp đầy gian khó. Việt Bắc là căn cứ địa của cách mạng, nơi núi rừng che chở cho người chiến sĩ, đồng bào đùm bọc cho người cách mạng. Từ “ấy” được sử dụng đắt giá đã gọi về cả một khoảng thời gian xa xăm, gợi biết bao nỗi nhớ thương. Không cần liệt kê các sự kiện cụ thể, chỉ một hình ảnh “mười lăm năm ấy” cũng đủ để gọi về cả một thời quá khứ gắn bó nghĩa tình giữa người đồng bào và người cách mạng. Câu hỏi “Mình về mình có nhớ ta” gợi nhắc đến những câu ca dao bình dị trong tâm thức người Việt. “Mình” và “ta” là cặp từ nhân xưng phổ biến trong ca dao về tình nghĩa lứa đôi ngọt ngào, được Tố Hữu vận dụng khéo léo để thể hiện mối tâm tình lúc biệt ly. Câu hỏi như có phần bùi ngùi xúc động, lại như ẩn chứa một lời nhắc nhở nhẹ nhàng về việc “chớ quên”. Hỏi để mà nhắc, mà gợi ký ức nghĩa tình. Câu hỏi thứ hai “Mình về mình có nhớ không” có phần nghiêm nghị hơn, hướng về những không gian cụ thể: “Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”. Người ở lại đã hình dung ra viễn cảnh khi người cán bộ trở về miền xuôi. Không còn núi rừng hùng vĩ, không còn thượng nguồn tuôn trào dữ dội, chỉ còn những hàng cây phẳng lặng và con sông lững lờ. Khi ấy, liệu người đi có còn nhớ về quá khứ, về nguồn cội hay không? Câu thơ gợi suy ngẫm sâu xa về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nghĩa tình thuỷ chung. Đây cũng là triết lý về lẽ sống cao cả từng nhiều lần xuất hiện trong thơ Tố Hữu.

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Nếu như bốn câu thơ đầu là tâm cảnh của những người trong buổi chia ly thì bốn câu thơ tiếp lại khắc họa ngoại cảnh, miêu tả khung cảnh của cuộc chia tay. Đó là một cuộc chia tay bịn rịn với những lời từ biệt, những bước chân phân vân không dứt khoát, với màu áo chàm đơn sơ giản dị và cuối cùng là cái cầm tay bồi hồi không nói lên lời. Bầu không khí của cuộc chia tay không buồn thảm nhưng cũng chẳng nhẹ nhàng. Cảm nhận chung được gợi lên là sự bâng khuâng, ngập ngừng và những cảm xúc không thể gọi tên. Đại từ phiếm chỉ “ai” làm cho những câu hỏi ở bốn câu thơ trên trở nên mơ hồ. Những câu hỏi thiết tha tình nghĩa “Mình về mình có nhớ ta/không” dường như không được đặt ra bởi một người cụ thể, mà chính là tiếng vọng của núi rừng, là tiếng lòng của người ở lại đã được người ra đi thấu hiểu, lắng nghe. Gắn bó thiết tha mười lăm năm tình nghĩa, giờ đây, người đồng bào và người cán bộ đối diện mà đàm tâm, lời tâm tình không cần nói ra mà vẫn cảm được tất cả những gì “tha thiết”, khắc khoải nhất. Câu thơ tiếp theo sử dụng hai từ láy “bâng khuâng” và “bồn chồn”. Nỗi niềm day dứt, nửa ở nửa về không chỉ thể hiện trong nội tâm mà còn biểu hiện bằng hành động (chân bước phân vân). Cuộc chia ly này có thể là cuộc chia ly mãi mãi. Kháng chiến thành công, căn cứ cách mạng trở lại miền xuôi. Một bước chân đi này không chỉ là rời xa vùng đất, con người cụ thể mà còn là rời xa cả một thời quá khứ, những kỷ niệm gắn bó nghĩa tình trong hoàn cảnh khó khăn. Bởi thế, những tình cảm “bâng khuâng” trong lòng đã hoá thành những bước đi ngập ngừng, lưu luyến. Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” gợi ra màu áo đặc trưng của người miền núi, gợi cái giản dị, mộc mạc trong tâm hồn họ. Những người đồng bào đã một thời cưu mang, che chở cho cán bộ chiến sĩ, nay lại xót xa đưa tiễn buổi chia ly. Người ở lại chứng kiến sự ra đi là người nhiều cảm xúc hơn cả. Hình ảnh cái nắm tay trong câu thơ cuối cùng thật cảm động:

“Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Những cảm xúc không tên trong lòng người đã hoá thành cái nắm tay thật chặt. Nói sao cho hết nghĩa tình những năm kháng chiến, nói sao cho hết tâm tình kẻ ở người đi. Khó có ngôn từ nào diễn tả cảm xúc, tâm trạng của những người đã gắn bó với nhau trong hành trình gian khổ nhất của dân tộc, nay phải chia xa. Bởi thế, nên chẳng “biết nói gì”, tất cả tâm tư, tình cảm họ gửi vào cái “cầm tay” đầy tình nghĩa. Không nói mà cũng nói rất nhiều. Họ không giao tiếp với nhau bằng lời nói thông thường mà đã trở thành tâm giao, tri âm tri kỷ. Hình ảnh cái nắm tay khái quát thật cảm động tình cảm gắn bó, cảm xúc bùi ngùi giữa người đồng bào miền núi và người cán bộ cách mạng.

Với thể thơ lục bát truyền thống, đại từ xưng hô “mình – ta” đặc trưng ca dao và âm điệu thiết tha, tám câu thơ đầu của bài thơ “Việt Bắc” đã diễn tả thật cảm động nghĩa tình sâu nặng trong buổi chia ly. Một sự kiện lịch sử trọng đại (căn cứ cách mạng trở về miền xuôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ) đã được Tố Hữu cảm nhận đầy chất trữ tình, kết hợp với cội nguồn văn hóa truyền thống dân tộc đã mang lại cho đoạn thơ cảm hứng trữ tình – chính trị độc đáo.

Bài thơ “Việt Bắc” nói chung và tám câu thơ đầu nói riêng là một thành công nghệ thuật lớn của nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu mãi xứng đáng là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, là người nối tiếp mạch nguồn truyền thống văn hóa dân tộc trong thời đại mới.