BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Bài thơ Sa hành đoản ca của Cao Bá Quát mở ra một bức tranh đầy bi kịch về hành trình gian khó và đầy thử thách của con người trong cuộc sống. Với hình ảnh bãi cát mênh mông và những bước chân nặng nề, tác phẩm thể hiện sự chán nản, cô đơn và khát khao tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.

Dàn ý phân tích bài thơ “Sa hành đoản ca”

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát Cao Bá Quát: là một người hiểu biết, được nhân dân tôn sùng "Thánh Quát".

- Giới thiệu về "Bài ca ngắn đi trên bãi cát".

2. Thân bài

a. Hình ảnh bãi cát và con người đi trên bãi cát

- “Bãi cát dài lại bãi cát dài”: mênh mông dường như bất tận, nóng bỏng.

=> Hình ảnh tả thực, gợi con đường đi khó khăn, nhọc nhằn, xa xôi, mờ mịt.

=> Hình ảnh biểu tượng: con đường đầy khó khăn mà con người phải vượt qua để đi đến đích. Muốn tìm được cân lí, tìm được cái đích thực có ý nghĩa cho cuộc đời, con người ta phải trải qua vô vàn khó khăn, nhọc nhằn, thử thách.

- Mặt trời lặn: sự tối tăm, mù mịt

- Hình ảnh người đi trên bãi cát:

  • Đi một bước như lùi một bước: nỗi vất vả khó nhọc
  • Không gian đường xa, bị bao vây bởi núi sông, biển
  • Thời gian: mặt trời lặn vẫn còn đi.
  • Nước mắt rơi => khó nhọc, gian truân.

=> Cảnh con đường đi xa xôi mờ mịt, đó cũng chính là con đường đời, con đường đi đến danh lợi của kẻ sĩ. Người đi trên con đường đó, trầy trật khó khăn, đi tất tả, vội vã không kể thời gian, đi với tâm trạng đau khổ, mệt mỏi, chán chường.

b. Tâm trạng và suy nghĩ của lữ khách khi đi trên bãi cát

“Không học được….giận khôn vơi”

- Nhịp điệu đều, chậm, buồn: người đi tự giận mình không có khả năng như người xưa, mà phải tự hành hạ mình, chán nản mệt mỏi vì công danh - lợi danh. Đó là nỗi ngao ngán của kẻ sĩ đi tìm chân lí giữa cuộc đời mờ mịt.

- “Xưa nay phường….bao người”

+ Câu hỏi tu từ, hình ảnh gợi tả (hơi men)

=> Sự cám dỗ của danh lợi đối với con người. Vì công danh, lợi danh mà con người bôn tẩu ngược xuôi. Danh lợi cũng là thứ rượu thơm làm say lòng người.

=> Sự chán ghét, khinh bỉ của Cao Bá Quát đối với phường danh lợi. Câu hỏi của nhà thơ như trách móc, như giận dữ, như lay tỉnh người khác nhưng cũng tự hỏi bản thân. Ông đã nhận ra tính chất vô nghĩa của lối học khoa cử, con đường công danh đương thời vô nghĩa, tầm thường.

“ Bãi cát dài…ơi…”

- Câu hỏi tu từ cũng là câu cảm thán thể hiện tâm trạng băn khoăn, day dứt giữa việc đi tiếp hay dừng lại?

- Khúc đường cùng: ý nghĩa biểu tượng => nỗi tuyệt vọng của tác giả. Ông bất lực vì không thể đi tiếp mà cũng không biết phải làm gì. Ấp ủ khát vọng cao cả nhưng ông không tìm được con đường để thực hiện khát vọng đó. Hay đó là niềm khao khát thay đổi cuộc sống.

- Hình ảnh thiên nhiên: phía bắc, phía nam đều đẹp nhưng đều khó khăn, hiểm trở.

- “Anh đứng làm chi trên bãi cát?..” câu hỏi mệnh lệnh cho bản thân => phải thoát ra khỏi bãi cát danh lợi đầy nhọc nhằn chông gai mà vô nghĩa.

+ Nhịp điệu thơ lúc nhanh, lúc chậm, lúc dàn trả, lúc dứt khoát => thể hiện tâm trạng suy tư của con đường danh lợi mà nhà thơ đang đi.

=> Hình tượng kẻ sĩ cô độc, lẻ loi đầy trăn trở nhưng kì vĩ, vừa quả quyết vừa tuyệt vọng trên con đường đi tìm chân lí đầy chông gai.

3. Kết bài

Cảm nhận chung về bài thơ.

Phân tích bài thơ Sa hành đoản ca chọn lọc nâng cao

Mẫu số 1

Nhà thơ Sóng Hồng từng nói: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp.” Cao Bá Quát sinh thời vốn “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa,” con người tài ba ấy cả một cuộc đời tang bồng, không vì công danh mà chịu khom lưng. Lý tưởng của ông là lựa chọn một cuộc sống trọng nghĩa khinh tài, suốt đời dốc lòng cho cái đẹp và cái thiện. Ông gửi gắm tâm niệm ấy vào thơ ca, vì thế thơ ông bàng bạc một tấm lòng cao cả và một nỗi trăn trở của người luôn khao khát đem tài giúp vua trị nước, an dân nhưng gặp phải những nghịch cảnh, đường cử nghiệp không hanh thông, bị vùi dập bởi bọn vô lại giữa thời buổi nước nhà lâm cảnh hoạn nạn. Một trong những thi phẩm thể hiện rõ nhân cách cao đẹp của ông là “Sa hành đoản ca” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát). Bài thơ mượn hình ảnh bãi cát và tâm sự người đi trên cát để tự bạch sự chán chường của Cao Bá Quát trước con đường danh lợi tầm thường, xen lẫn sự bất lực trước khao khát thay đổi cuộc đời nhưng không thành.

Cao Bá Quát nổi tiếng là một thần đồng, học giỏi và thông minh. Ông có nhân cách cứng cỏi, phóng khoáng, và giỏi quảng giao nên hầu hết danh sĩ đương thời đều là bạn tốt của ông. Khi ra làm quan cho triều đình, ông không chịu được cảnh quan trường bon chen, danh lợi thối nát. Càng về sau, ông càng nhận ra sự mục ruỗng của chế độ và đã đứng lên khởi nghĩa. Sau sự kiện này, Cao Bá Quát và cả dòng họ bị xét xử, toàn bộ bút tích của ông bị tiêu hủy. Nhưng với lòng mến mộ hiền tài, nhân dân khắp nơi vẫn lưu lại và tập hợp lại một số lượng lớn các sáng tác của ông. Người ta ngợi ca ông: “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán” vì ông là thiên tài về văn chương thi phú. Thơ ca của ông mang phong cách tư tưởng tự do, phóng khoáng, thể hiện thấm thía tình cảm với quê hương, đất nước, bộc lộ rõ lý tưởng cao đẹp của một danh sĩ Chu Thần. “Sa hành đoản ca” là một trong những thi phẩm bộc lộ rõ cốt cách của ông, bài thơ được cho là sáng tác trong thời gian Cao Bá Quát vào Huế đi thi Hội, khi ông đã nếm trải gần hết lận đận, cay đắng trên con đường khoa cử. Bài thơ thể hiện tâm trạng bi phẫn của kẻ sĩ trước đường đời bế tắc, mịt mù, đồng thời thể hiện sự dằn vặt khi nhận ra những khó khăn trên đường công danh. Tác phẩm được làm theo thể ca hành, một thể thơ cổ có tính chất tự do, phóng khoáng, không bị gò bó về số câu, độ dài câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu, phần nào cho thấy tài hoa, phóng khoáng của tác giả.

Mở ra trước mắt người đọc là hình ảnh của một bãi cát dài, trắng mênh mông, vô tận, cùng người khách lữ hành đang lang thang vô định giữa miền cát vô tận:

“Trường sa phục trường sa,

Nhất bộ nhất hồi khước.

Nhật nhập hành vị dĩ,

Khách tử lệ giao lạc.”

dịch:

(Bãi cát dài, lại bãi cát dài,

Đi một bước như lùi một bước.

Mặt trời lặn mà vẫn còn đi.

Lữ khách trên đường nước mắt rơi.)

Bốn câu thơ đầu như bốn tiếng thở dài, tiếng khóc nghẹn ngào của thi nhân. Cách sử dụng điệp từ và nhịp thơ 2/3 mở ra trước mắt người đọc bãi cát dài mênh mông, trắng xóa, mờ mịt. Hình ảnh này có ý nghĩa nghệ thuật độc đáo vì không vay mượn từ văn học nước ngoài mà được lấy từ hiện thực khách quan, từ hành trình của Cao Bá Quát phải trải qua trên con đường vào kinh ứng thí, với những cồn cát hoang vu, rợn ngợp của các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị. Bãi cát ấy không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà còn mang tính tượng trưng sâu sắc, ẩn dụ cho con đường đời đầy gian nan, vất vả, là con đường công danh mà Cao Bá Quát đang theo đuổi. Giữa cái mênh mông cát trắng ấy, có một người lữ khách đi mãi, mặt trời lặn mà vẫn chưa dừng bước. Cách ngắt nhịp 2/3 liên tiếp như vẽ ra bước đi đầy trúc trắc. Người lữ khách không cảm thấy hồ hởi mà ủ rũ, ê chề, tuôn rơi những giọt lệ, hình ảnh mang tính ước lệ cho thấy nỗi đau đớn của người trí thức khi dấn thân trên con đường hoạn lộ. Bước chân của người lữ khách rất khó khăn, đi một bước mà như lùi một bước, đây vừa là cảnh thực vừa là tượng trưng. Trên con đường ấy, người lữ khách càng đi càng nặng nề, càng đau đớn. Giữa thiên nhiên rộng lớn, hoang vu, hình ảnh con người hiện lên thật nhỏ bé, cô đơn, đầy mệt nhọc. Mượn hình ảnh bãi cát dài và bước chân người đi trên cát, thi nhân đặc tả lại con đường mình lựa chọn, con đường công danh mà Cao Bá Quát cũng như nhiều danh sĩ đương thời theo đuổi để đem tài giúp nước nhà. Nhưng con đường ấy đầy khó khăn và biết bao ngang trái, ít người công thành danh toại. Đây cũng là ẩn dụ của nhà thơ về nỗi cô đơn của người trí thức giữa sa mạc cuộc đời, nỗi cô đơn không thể chia sẻ mà dồn nén, bức bối.

Mẫu số 2

Cao Bá Quát từ lâu đã nổi danh với tài thơ hay, chữ đẹp, nhưng càng được biết đến hơn nhờ tư tưởng tự do, phóng khoáng và bản lĩnh vững vàng trước thế lực cường quyền, cùng lối sống thanh cao, cứng cỏi. Người đời thường ca tụng ông bằng câu: Văn như Siêu Quát vô tiền hán. Một trong những tác phẩm xuất sắc nhất thể hiện tư tưởng và ý chí của Cao Bá Quát chính là bài thơ "Sa hành đoản ca."

Mở đầu bài thơ, mở ra hình ảnh không gian mênh mông, hoang vắng đến rợn ngợp:

"Bãi cát dài, lại bãi cát dài ơi

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn chưa dừng được

Lữ khách trên đường ngước mắt rơi."

Người đi đường vất vả, trầy trật đi trên con đường cát cô đơn, mệt mỏi. Giữa thiên nhiên rộng lớn, hoang vu hình ảnh con người hiện lên nhỏ bé, cô đơn, đầy mệt nhọc. Hình ảnh bãi cát dài ấy là biểu tượng cho con đường công danh, sự nghiệp mà chính ông và bao nho sĩ đương thời tất tả theo đuổi, nhưng không phải ai cũng thành công và mỗi bước đi đều gặp sóng gió, cô đơn, khắc nghiệt: Lữ khách trên đường nước mắt rơi.

Sang đến những câu thơ tiếp theo, tác giả tiếp tục bộc lộ tâm sự u uất của mình:

"Không học được tiên ông phép ngủ

Trèo non lội suối giận khôn vơi."

Tác giả tự cảm thấy giận mình vì không có khả năng như người xưa, thờ ơ trước sự đời mà phải tự mình hành hạ mình trên con đường hoạn lộ. Từ đó, hé mở một tâm hồn thanh cao, có hoài bão, hùng tâm tráng chí, quyết không để mình trở thành kẻ nhàn rỗi, hèn hạ.

"Xưa nay phường danh lợi

Tất tả trên đường đời

Đầu gió hơi men say quán rượu

Kẻ say vô số tỉnh bao người."

Từ câu chuyện về danh lợi, tác giả nhận ra rằng con đường theo đuổi công danh đã bị ràng buộc chặt chẽ với ham muốn danh lợi, khiến cho lòng tham làm mờ mắt, mê hoặc vô số người, đánh mất sự thanh khiết và cao quý trong tâm hồn họ, trở thành nô lệ của sự mê muội công danh. Cũng vì thế, người đi đường càng cảm thấy buồn bã, cô độc hơn khi không có ai đồng hành trên con đường dài đầy mờ mịt. Nỗi bế tắc dâng lên trong lòng thi sĩ, tạo nên khúc ca đường cùng đầy bi phẫn.

"Hãy nghe ta hát khúc đường cùng

Phía Bắc núi Bắc núi muôn trùng

Phía nam núi Nam sóng dào dạt

Anh đứng làm chi trên bãi cát."

Khúc đường cùng, khúc ca cuồng nộ đầy bi phẫn và tuyệt vọng. Dù thất vọng, nhưng người đi đường trong khổ thơ kết vẫn không chấp nhận thói đời đê hèn. Câu hỏi ở cuối bài thơ là câu hỏi đau đớn, day dứt, tự vấn chính bản thân mình.

Bài ca thể hiện nỗi thất vọng và bi phẫn của thi sĩ trước con đường đời gập ghềnh, bế tắc, phản ánh cái nhìn của Cao Bá Quát về một thời đại đen tối. Với việc xây dựng hình tượng đặc sắc cùng ngôn ngữ súc tích, giàu sức gợi, "Sa hành đoản ca" đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

Mẫu số 3

“Văn như Siêu Quát vô tiền Hán

Thi Đáo Tùng tuy thất Thịnh Đường”

Câu thơ nhắc đến Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát, với thơ văn xuất sắc của hai ông đã khiến người đời ca tụng, tôn sùng là "Thần Siêu thánh Quát." Thơ văn của Cao Bá Quát thể hiện thái độ phê phán chế độ phong kiến bảo thủ, trì trệ và chứa đựng những tư tưởng khai sáng, phản ánh nhu cầu đổi mới của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX. "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" là một trong những tác phẩm bày tỏ tâm tư và cảm xúc của ông trước hiện thực xã hội lúc bấy giờ.

Bài thơ “Sa hành đoản ca” được viết theo thể thơ cổ, một thể loại văn học có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam. Có thể kể đến những tác phẩm nổi tiếng khác viết theo thể loại này như “Phóng cuồng ca” của Trần Tung, “Côn Sơn ca” của Nguyễn Trãi hay “Long thành cầm giả ca” của Nguyễn Du.

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ gắn liền với việc Cao Bá Quát đỗ cử nhân năm 1831 tại trường thi Hà Nội. Sau đó, nhiều lần ông vào kinh đô Huế để thi nhưng không đỗ. "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" có thể được sáng tác trong những lần Cao Bá Quát đi thi hội, khi ông phải đi qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị.

Tuy nhiên, có ý kiến của giáo sư Vũ Khiêm cho rằng bài thơ này được viết khi Cao Bá Quát làm quan cho nhà Nguyễn, và ông bắt đầu cảm thấy chán nản, bế tắc. Dù bài thơ được sáng tác trong hoàn cảnh nào, hình ảnh hiện lên vẫn là một con người thất vọng, chán chường và không tìm ra lối thoát trong cuộc sống.

Nổi lên trên bài ca ngắn là hình ảnh bãi cát dài tiếp nối tiếp “Bãi cát dài lại bãi cát dài”. Bãi cát là hình ảnh thực là con đường dài rộng mênh mông, không xác định được phương hướng. Nó cũng là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu trưng đó là con đường đời, con đường công danh mịt mờ, xa hút. Con đường này bắt buộc những người muốn tìm thấy chân lí đích thực của cuộc đời phải trải qua biết bao gian nan, cực khổ. Hình ảnh con người hiện lên với những bước đi thật vất vả, mệt mỏi.

“Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi”

Con người trở nên thật cô đơn, nhỏ bé giữa không gian mênh mông, rộng lớn, như lạc lõng và không xác định được phương hướng giữa miền cát sa mạc, với từng bước đi khó khăn, nặng nề, như thể giậm chân tại chỗ, “Đi một bước như lùi một bước”. Tuy nhiên, đôi chân vẫn bước đi không ngừng, dù trong đau khổ và tủi hờn, “nước mắt rơi”, nhưng cứ mãi tiến về phía trước mà không biết khi nào dừng lại.

Hình tượng con người trong hành trình này cũng mang tính biểu trưng. Đó là một con người cô độc, lẻ loi, đi tìm kiếm chân lý và mục đích thực sự giữa cuộc đời mờ mịt, không rõ lối đi. Hình ảnh ấy gợi nhớ đến “những con chim ưng”, “chim báo bão” hay “Trái tim Đankô” trong tác phẩm của M. Gorki.

Bãi cát dài bất tận và con người khốn khổ bước đi trên con đường ấy cũng chính là biểu tượng cho con đường công danh mà người trí sĩ đương thời dấn thân vào. Con đường hoạn lộ đầy gian truân đã khiến nhà thơ lận đận, nhiều lần bị đánh tụt hạng, đánh trượt trong các kỳ thi, nhưng chỉ có thể ngậm ngùi chấp nhận và cất lên lời ai oán.

“Không học được ông tiên phép ngủ

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay phường danh lợi

Tất tả trên đường đời.

Đầu hơi men thơm quán rượu

Người say vô số tỉnh bao người?”

Hai câu đầu tác giả tự oán tự trách mình tại sao lại phải vì danh lợi mà phải để mình “Trèo non, lội suối, giận khôn vơi”. Bốn câu sau nói về “phường danh lợi” với những con người “tất tả”, bon chen, tranh giành một bức tranh hiện thực xã hội hiện ra trước mắt.

Thật sắc sảo trong cách nhìn và tỉnh táo trong cách phán xét, nhà thơ chua xót nhận ra “người say vô số tỉnh bao người” thì ra danh lợi cũng giống như một thứ rượu ngon khiến cho người ta say ngây ngất, khiến cho bao người theo đuổi. Câu hỏi ẩn dụ như vừa để hỏi cũng vừa để trả lời với sự khẳng định “người say vô số” con người mấy ai có thể thoát ra khỏi vòng danh lợi, những cám dỗ vật chất.

Hình ảnh bãi cát dài một lần nữa được hiện lên qua câu thơ “Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!” theo phép “tiền hậu tương ứng” như gợi lên những băn khoăn, trăn trở trong lòng thi sĩ, những câu hỏi liên tiếp được đặt ra:

“Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt

Đường ghê sợ còn nhiều đâu ít

Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng

Phía nam núi Nam, sông dào dạt”.

Nhà thơ tự hỏi lòng mình “tính sao đây” nên đi tiếp hay dừng lại. Nếu đi tiếp có thể ông cũng trở một trong những “người say vô số” nhưng đi tiếp cũng chẳng biết nên đi thế nào bởi “đường bằng mờ mịt”, “đường ghê sợ còn nhiều”. Sự bế tắc, nỗi tuyệt vọng đã che khuất cả bóng người đi trên bãi cát dài. Lữ khách lúc này chỉ còn biết cất lên khúc hát “đường cùng” mà quyết định “Anh đứng làm chi trên bãi cát?”.

Hình ảnh “núi muôn trùng” và “sóng dào dạt” tượng trưng cho những thử thách và chông gai phía trước. Tư tưởng và nhân cách cao cả của Cao Bá Quát được thể hiện qua việc ông thấu hiểu sự vô nghĩa của con đường công danh. Ông nhận ra rằng những lý tưởng mà ông đã đeo đuổi bấy lâu trở nên vô ích. Cao Bá Quát khinh thường danh lợi và chế giễu những kẻ say mê công danh mà không tự tỉnh ngộ.

Suốt đời, ông mong muốn dâng hiến tài năng của mình cho đất nước, nhưng ông cũng nhận ra rằng con đường làm quan để giúp đời không hề đơn giản như ông từng nghĩ. Giáo sư Thanh Lãng nhận xét: “Tư tưởng độc lập của Cao Bá Quát khác biệt với chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ. Ông Trứ lập nghiệp để giúp vua, chu toàn quân thần, còn Cao Bá Quát lại ôm mộng thay đổi thời cuộc và xoay chuyển số phận.” Chính vì thế, cuối cùng ông chọn con đường trở về và cùng với các sĩ phu yêu nước tổ chức khởi nghĩa tại Mỹ Lương, Sơn Tây, chống lại triều đình, rồi hy sinh.

“Bài ca ngắn đi trên bãi cát” thể hiện tâm tư và tình cảm của tác giả một cách đa chiều. Lúc ông xuất hiện như một khách thể, khi lại là người đối thoại, lúc thì ẩn, lúc lại hiện, phản ánh nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau trước những hoàn cảnh khác biệt, với các câu thơ dài ngắn linh hoạt. Cách gieo vần phong phú cả vần bằng và vần trắc, cùng với nhịp thơ biến hóa, giúp tác giả bộc lộ những suy tư, trăn trở sâu sắc.

Bài thơ khắc họa rõ nét con người cá nhân của Cao Bá Quát trong bối cảnh thời đại ông sống. Ông luôn chán ghét xã hội phong kiến đầy bon chen danh lợi và mang theo niềm khát vọng thay đổi cuộc sống. "Cao Bá Quát là một nhà thơ rất có bản lĩnh."

Mẫu số 4

Cao Bá Quát (1808 — 1855) là một trong những nhà thơ kiệt xuất của Việt Nam thế kỷ 19, với di sản hơn nghìn bài thơ viết bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Trong đó, bài phú “Tài tử đa cùng phú” và bài thơ chữ Hán “Sa hành đoản ca” được coi là những tác phẩm đặc sắc. “Sa hành đoản ca,” dịch sang tiếng Việt là “Bài ca ngắn đi trên bãi cát,” tập trung khai thác bi kịch của kẻ sĩ trên con đường theo đuổi công danh. Bài thơ này sử dụng hình ảnh bãi cát dài và con đường cùng một cách tượng trưng và đầy ám ảnh.

Bãi cát dài xuất hiện đến năm lần trong bài thơ, tạo nên sự liên tục và nhấn mạnh tính chất khổng lồ, vô tận của nó. Hình ảnh này trở thành biểu tượng cho cuộc đời, nơi những người trí thức phải dấn bước để tìm kiếm lý tưởng và mục tiêu của mình. Con đường cùng được mô tả chi tiết với "đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều," cho thấy sự gian truân, đầy thách thức và hiểm nguy của hành trình công danh. Bãi cát và con đường ấy còn kết hợp với hình ảnh "mặt trời lặn," tạo nên một không gian thời gian cuối ngày, khi những kẻ sĩ cảm thấy bị áp lực và mệt mỏi. Con đường không chỉ "mờ mịt" và "ghê sợ" mà còn bị chặn lối, tạo ra bầu không khí u ám và đầy tuyệt vọng. Sự lặp đi lặp lại của các hình ảnh này không chỉ nhấn mạnh tính tượng trưng mà còn làm nổi bật sự khổng lồ, khó khăn và không hồi kết của hành trình theo đuổi công danh.

"Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng muôn đợt".

Các hình ảnh tượng trưng trong “Sa hành đoản ca” của Cao Bá Quát không chỉ là những khung cảnh thơ mộng mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời và con đường danh lợi, nơi gian truân và hiểm nguy luôn đan xen. Người đi đường trong bài thơ được miêu tả với những chi tiết giàu cảm xúc và tinh tế. Bước chân của họ mệt mỏi, khó khăn, như thể mỗi bước đi là một trải nghiệm đau đớn, “Đi một bước như lùi một bước.” Nước mắt tuôn rơi không chỉ thể hiện sự tự thương hại mà còn phản ánh những khó khăn và thất bại trong cuộc sống.

Khách đi đường không chỉ đối mặt với chặng đường đầy thử thách trên bãi cát mờ mịt, mà còn đắm mình trong suy tư về cuộc đời. Họ mong mỏi có được “phép ngủ kĩ” để tạm trốn tránh khỏi những khó khăn, nhưng cũng đồng thời đối diện với thực tại khắc nghiệt của cuộc sống. Nhìn vào “hạng người danh lợi” tất tả ngược xuôi, họ cảm nhận nỗi đau khi nhận ra “người tỉnh ít mà kẻ say vô số!” Tâm trạng lưỡng lự và mâu thuẫn của họ được thể hiện rõ qua những khúc hát “đường cùng” và câu hỏi tự vấn: “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?” Những hình ảnh này giúp nhà thơ bộc lộ nỗi chán chường và bế tắc khi đối diện với con đường danh lợi. Nhân vật vừa tự trách vừa tự thương mình trước cuộc đời đầy gian truân. Câu hỏi về việc tiếp tục hay dừng lại trở thành nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn nhân vật.

Nhân vật trữ tình trong “Sa hành đoản ca” không chỉ đơn thuần là một khách hay một quân, mà còn là hình ảnh ẩn dụ của chính tác giả. Việc hòa quyện giữa khách thể và chủ thể trữ tình khiến giọng điệu thơ thêm phần phong phú và biến chuyển. Sự chuyển đổi giữa các ngôi “khách,” “anh,” và “ta” không chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, mà còn là cách diễn đạt cảm xúc đa dạng, sâu sắc của nhân vật khi suy ngẫm về con đường danh lợi và xã hội đương thời.

Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?

Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?

Hình ảnh tượng trưng trong "Sa hành đoản ca" của Cao Bá Quát mở ra một bức tranh sâu sắc về cuộc đời và con đường công danh, nơi mà khó khăn và nguy hiểm là điều không thể tránh khỏi. Người đi đường trong bài thơ được miêu tả với dáng vẻ mệt mỏi, bước chân chậm chạp và nặng nề, như thể mỗi bước là một nỗi đau và trăn trở. “Đi một bước như lùi một bước” là hình ảnh tượng trưng cho những chướng ngại và sự chất chồng khó khăn trên hành trình cuộc sống. Nước mắt “lã chã rơi” không chỉ biểu hiện sự tự thương xót mà còn cho thấy nỗi đau khổ và bế tắc trong tâm hồn. Hình tượng khách đi đường trên bãi cát mờ mịt không chỉ đại diện cho những người lao động vất vả, mà còn là biểu tượng cho sự chiêm nghiệm về cuộc sống. Người này vừa bước đi vừa suy nghĩ, đối mặt với những khó khăn và mong muốn có “giấc ngủ dài” như ông tiên để tránh khỏi cuộc sống đầy gian khổ.

Hình ảnh “hạng người danh lợi” tất tả ngược xuôi thể hiện sự bất ổn và rối ren trong xã hội, khiến người đi đường cảm nhận rằng kẻ say mê danh lợi thì nhiều, còn người tỉnh táo thì ít. Đây là những suy tư sâu sắc về cuộc sống, và những trăn trở về giá trị thật sự của con đường danh lợi. Khúc "đường cùng" vang lên như lời tự sự của nhân vật, đồng thời đặt ra những câu hỏi tự vấn quan trọng: "Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?" Câu hỏi này không chỉ đơn thuần, mà còn là sự thách thức về ý nghĩa và giá trị của con đường mà họ đang theo đuổi.

Nhân vật trữ tình trong “Sa hành đoản ca” không chỉ đơn thuần là một khách, một quân, mà còn là sự hòa quyện giữa khách thể và chủ thể trữ tình. Sự kết hợp này tạo nên một giọng điệu phong phú và uyển chuyển, gia tăng chiều sâu và sự phức tạp trong suy nghĩ và tâm trạng về con đường công danh và những kẻ theo đuổi danh lợi.

Mẫu số 5

"Bài ca ngắn đi trên bãi cát" của Cao Bá Quát mang đến cho người đọc hình ảnh hùng vĩ và sâu lắng của bãi cát mênh mông, làm nổi bật sự cô độc và gian nan của hành trình trong cuộc đời. Những cụm từ như "đường ghê sợ" và "đường cùng" diễn tả rõ sự nguy hiểm, khó khăn mà người đi phải đối mặt. Cả núi ở phía Bắc và sóng biển phía Nam như những bức tường bất động, tạo cảm giác ngột ngạt và bủa vây, minh họa cho cuộc sống đầy thử thách. Hình ảnh "mặt trời đã lặn chưa dừng được" không chỉ vẽ nên cảnh hành trình dài đằng đẵng và mệt mỏi, mà còn gợi lên cảm giác hấp tấp, vội vã, như cuộc sống không ngừng nghỉ và đầy áp lực.

Câu hỏi cuối cùng, "Đã lỡ bước vào, sao biết tính sao đây?" phản ánh tâm trạng hoang mang, lo lắng và bất an của tác giả trước lựa chọn đã thực hiện. Hành trình đã khởi đầu, và người đi không biết tương lai sẽ đưa họ về đâu, nhưng họ đã "lỡ bước vào" và phải đối diện với vô vàn khó khăn, thử thách trên con đường phía trước.

Đi một bước như lùi một bước

Mặt trời đã lặn, chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi

Trên con đường rộng lớn, người đi qua mang theo từng loại tâm trạng đặc trưng của mình. Những kẻ say sưa bởi hương men thơm thoảng từ quán rượu, liệu có phải đây là biểu tượng cho sự lôi cuốn, dẫn dụ quyến rũ của cuộc đời và công danh? Trước tình lực ma thuật đó, liệu bao nhiêu người có thể giữ vững được sự tỉnh táo, sáng suốt trước những cám dỗ khó cưỡng của cuộc sống? Hãy cùng nhìn sâu vào đám mây hương men, như là bức tranh huyền bí của cuộc đời, nơi mỗi hạt men là một chấm hỏa lấp lánh, rực rỡ giữa bóng đêm không gian xanh thẳm.

Mẫu số 6

Cao Bá Quát được xem như là một ngôi sao sáng trong nền văn học Việt Nam. Ông không chỉ nổi tiếng với học vấn xuất sắc mà còn với tài viết chữ đẹp, nhưng lại thường xuyên đối mặt với khó khăn trong sự nghiệp công danh. “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” được biết đến như là một tác phẩm thể hiện những suy tư và tâm tư của ông về con đường công danh cũng như cuộc sống của chính mình.

Bài thơ đặc sắc này được viết trong thời gian tác giả đi qua miền Trung, nơi ông tình cờ gặp những bãi cát, từ đó nảy sinh ý tưởng và cảm xúc mãnh liệt. Mở đầu bài thơ, hình ảnh người đi trên bãi cát hiện lên rõ nét với sự khó nhọc và vất vả.

"Bãi cát lại bãi cát dài

Đi một bước như lùi một bước."

Những hình ảnh được mô tả trong bài thơ hiện lên rõ nét, như là một bãi cát kéo dài vô tận, nối tiếp nhau không có điểm kết thúc, tạo nên một cảm giác miên man. Từ "lại" được tác giả sử dụng một cách tinh tế, nhấn mạnh sự vô tận của bãi cát. Ta chỉ thấy một màu cát trắng mênh mông, với ánh nắng tạo ra những viễn cảnh mà con người có thể tưởng tượng khi đứng trong hoàn cảnh đó. Câu thơ thứ hai càng khiến độc giả cảm nhận rõ ràng những bước chân của chính mình trên bãi cát.

Tác giả đã sử dụng biện pháp so sánh một cách hợp lý với hình ảnh "đi một bước như lùi một bước," cho thấy sự khó khăn và mệt nhọc khi đi trên bãi cát. Mặc dù trời đã tối, lữ khách vẫn tiếp tục bước đi, với nước mắt rơi là dấu hiệu của sự nhọc nhằn không thể kìm nén. Hình ảnh con người trong hoàn cảnh đó thật lẻ loi, cô đơn, và nhỏ bé.

"Mặt trời đã lặn, chưa dừng được

Lữ khách trên đường nước mắt rơi"

Có thể nói bãi cát đó hay chính con đường công danh dù mờ mịt nhưng dường như có rất nhiều người vẫn bị cuốn vào đó. Tất cả như đã thật bất lực trước những điều mà mình không thể chống cự lại được, và cho nên chính bởi thế mà Cao Bá quát chỉ biết trách bản thân, hay hơn nữa chính ông đang lấy cái cớ để tâm trí thoải mái hơn.

"Không học được tiên ông phép ngủ,

Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!

Xưa nay, phường danh lợi,

Tất tả trên đường đời.

Đầu gió hơi men thơm quán rượu,

Người say vô số, tỉnh bao người ?"

Có lẽ lúc này đây thì nhà thơ chỉ tiếc rằng bản thân mình không thể học được phép ngủ của tiên ông, và dường như ông cứ sống mà mặc kệ mọi danh lợi,sống một cuộc sống thanh cao, và cũng như đã bỏ qua mọi oán hận của thế gian. Dẫu biết con đường công danh là gian nan, dường như đó chính là phải "tất tả" . Dường như bãi cát như ẩn dụ cho ở nơi phường danh lợi, thế nhưng ông một mực vẫn cứ dấn thân vào, càng đi vào, càng thấy hoang mang, ông cũng như đã không biết lối ra cũng chẳng thể dừng lại. Và có thể thấy vất vả chính là vì chạy theo công danh,phải cố bước, nó như hơi men,như cũng đã cuốn con người vào đó, cho nên" người say vô số,tỉnh bao người?". Nhà thơ như thật tỉnh táo, nhưng rồi tỉnh nhưng vẫn như chính với nỗi băn khoăn không biết con đường này thì phân vân rằng có nên đi tiếp hay không?

Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!

Tính sao đây ? Đường bằng mờ mịt,

Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít ?

Hãy nghe ta hát khúc "đường cùng"

Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,

Phía nam núi Nam, sóng dào dạt

Anh đứng làm chi trên bãi cát ?"

Lữ khách lúc này như chỉ còn biết nhìn xung quanh, nhưng chỉ thấy sóng và núi, không có con đường nào hiện ra để bước tiếp. Dẫu nhận thức rõ rằng không có lối đi rõ ràng, nhưng làm sao có thể tiếp tục và đi vững vàng trên con đường mù mịt ấy? Bãi cát, trong bài thơ, như một hình ảnh ẩn dụ cho con đường mà nhiều người đã chọn, nó thể hiện sự mờ mịt và không có lối thoát rõ ràng, câu thơ cuối như dự đoán điều gì sắp xảy ra. Tác giả, qua đó, thể hiện sự chắc chắn rằng ông sẽ tìm cho mình một con đường riêng, không thể mãi giam mình trong tình trạng này mà không tìm ra giải pháp.

Bài thơ như một lời tâm sự, phản ánh nỗi băn khoăn của một trí thức đầy hoài bão và tư tưởng. Người đọc cảm nhận được rằng ông không thể cam chịu sự bó buộc của chế độ phong kiến bất công thời bấy giờ. Đồng thời, nó cũng báo hiệu sự thức tỉnh của một con người và một thế hệ. "Bài ca ngắn đi trên bãi cát" không chỉ là một thành công của Cao Bá Quát mà còn là một bài thơ tiêu biểu, thể hiện sâu sắc tâm sự của tác giả.