BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử là một tác phẩm đầy chất thơ, khắc họa vẻ đẹp mộng mơ của xứ Huế và tình cảm chân thành của tác giả. Qua hình ảnh thiên nhiên và tâm trạng nhân vật, bài thơ thể hiện sự giao thoa giữa thực và mơ, giữa nỗi nhớ và niềm mong mỏi.

5 Mẫu phân tích Đây thôn Vĩ Dạ chọn lọc hay nhất

Mẫu số 1

Bài thơ của anh chỉ được viết một nửa, còn lại để mùa thu hoàn thiện. Tiếng xào xạc trong tâm hồn anh giống như tiếng lá thu, không phải là anh nhưng là mùa thu.

Tâm hồn thi sĩ luôn xôn xao, đa cảm như tiếng lá thu, chứa đầy tâm sự và cảm xúc. Bài thơ vì thế mới có sức gợi và biểu đạt sâu sắc tâm tư khó nói thành lời. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nói rằng thơ không cần nhiều từ, không quan tâm đến hình thức của sự sống, mà chỉ cần cảm nhận và truyền đi linh hồn của cảnh vật qua linh hồn thi sĩ. Điều này thể hiện rõ trong bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, một tác phẩm giàu hình ảnh và cảm xúc.

Huy Trực từng nói thơ là rượu của thế gian, khiến người ta say mê ngây ngất, dù thơ không cần nhiều từ ngữ. Thơ ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa và lòng trắc ẩn. Thơ không miêu tả chi tiết mà chỉ cần cảm nhận và truyền đi linh hồn của cảnh vật qua thi sĩ. Nhà thơ phải viết từ cảm xúc chân thực của trái tim, giao cảm với vạn vật. Vì vậy, trong thơ, người nghệ sĩ không miêu tả chi tiết mà nắm bắt cái hồn của sự vật qua từ ngữ và hình ảnh.

Ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhấn mạnh đặc trưng của thơ và sứ mệnh của nhà thơ trong việc truyền tải cảm hứng đến người đọc. Thơ không chỉ là văn, mà còn là họa và nhạc, tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ. Thơ qua từng câu chữ tạo ra nhiều liên tưởng, khiến người đọc cảm nhận sâu sắc tình cảm của tác giả trong hoàn cảnh sáng tác. Thơ ca cần ngôn ngữ giàu sức gợi hình ảnh, tạo liên tưởng và khiến người đọc cảm nhận được ý vị của tác phẩm.

Hàn Mặc Tử, nhà thơ lãng mạn nổi tiếng, không có cơ hội tận hưởng tuổi trẻ vì mắc bệnh hiểm nghèo. Bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” được viết khi ông đang bệnh tật, là tác phẩm giàu hình ảnh và liên tưởng. Leonardo Da Vinci từng nói thơ là bức họa để cảm nhận. Bài thơ “Đây Thôn Vĩ Dạ” mở ra một bức tranh Thôn Vĩ Dạ vào buổi bình minh, không cần từ ngữ nhiều nhưng vẫn gợi được vẻ đẹp thiên nhiên và sự yên bình của thôn quê.

Hình ảnh “mặt chữ điền” trong bài thơ gây nhiều tranh cãi, có thể là mặt của người phụ nữ miền Trung hoặc tự họa của nhà thơ. Thơ không dùng nhiều từ ngữ nhưng vẫn gợi ra nhiều cảm xúc và liên tưởng. Hàn Mặc Tử vẽ nên một bức tranh Thôn Vĩ Dạ rất đẹp, thể hiện tình yêu quê hương và nỗi nhớ quê sâu sắc.

Khi chuyển sang không gian ban đêm, ánh trăng trở thành điểm nhấn. Con thuyền trở thành thuyền trăng và dòng sông là dòng sông trăng. Câu hỏi “Có chở trăng về kịp tối nay?” thể hiện sự lo lắng của tác giả về sự sống và cái chết. Đây là một cảm xúc mạnh mẽ về sự hoang mang và khát khao sống mãnh liệt khi cái chết cận kề.

Khổ thơ cuối cùng thể hiện sự tuyệt vọng và hoài nghi của nhà thơ. Cảnh vật trở nên hư ảo và mơ hồ, thể hiện nỗi khổ tâm và sự cô đơn của Hàn Mặc Tử. Nhà thơ mơ về cô gái Huế trong áo dài trắng, gợi cảm giác trống vắng và đơn côi.

“Đây Thôn Vĩ Dạ” là bài thơ thành công về hình thức và nội dung, với ngôn ngữ tinh tế và biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Tác phẩm luôn khiến người đọc trăn trở và lưu lại ấn tượng sâu sắc. Thơ phát khởi từ lòng người và chứa đựng cảm xúc chân thực, giúp người đọc cảm nhận và đồng cảm với tâm tư của thi sĩ.

Mẫu số 2

Nhắc đến Hàn Mặc Tử, không thể không nhắc đến bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ"—một trong những kiệt tác nổi bật của ông. Bài thơ được lấy cảm hứng từ bức bưu ảnh của Hoàng Thị Kim Cúc, người con gái mà ông từng yêu mến. "Đây thôn Vĩ Dạ" được viết trong thời gian Hàn Mặc Tử điều trị bệnh ở Quy Hòa, nên từng câu chữ của tác phẩm đều phản ánh nỗi khát khao sâu sắc của nhà thơ về sự giao cảm và trở về quê hương.

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?"

Câu hỏi tu từ được sử dụng mở đầu bài thơ thể hiện sự trông ngóng, nỗi mong chờ của người con gái đang thôn Vĩ. Câu hỏi vừa như lời trách móc kèm chút hờn dỗi, lại vừa như lời mời gọi, mong đợi. Lời thơ nhẹ nhàng như tiếng lòng của người xứ Huế, vừa da diết lại quá đỗi dịu dàng.

Sau câu hỏi từ từ là bức tranh tươi đẹp của thôn Vĩ hiện lên đầy sống động, tươi mắt, tinh khôi:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Có lẽ chính vì lời mời chân thành đó mà dù không thể đặt chân về Huế, Hàn Mặc Tử vẫn trở về trong tâm thức, để chiêm ngưỡng và cảm nhận vẻ đẹp của quê hương và người yêu. Hình ảnh đầu tiên hiện lên là “nắng hàng cau”—một màu nắng độc đáo trong thơ ca. Đây là ánh nắng tươi mới của buổi bình minh, khi các hàng cau vừa thức dậy với sương sớm còn long lanh dưới ánh mặt trời. Từ xa, ánh nắng hàng cau tạo nên một cảnh vật huyền diệu, và khi đến gần, vẻ đẹp của khu vườn trở nên rõ nét hơn. Màu xanh ngọc bích của khu vườn vừa tươi mới vừa sang trọng, được nhấn mạnh bởi tính từ “mướt,” làm nổi bật sự non tơ và mềm mại của cây lá. Có lẽ mảnh vườn được ban tặng vẻ đẹp bởi thiên nhiên và sự chăm sóc tỉ mỉ của con người, làm cho mọi thứ thêm phần rực rỡ. Bóng dáng người con gái e ấp, ẩn hiện dưới lá trúc xanh, càng tôn vinh vẻ đẹp của không gian và con người Huế. Tuy nhiên, ẩn sâu trong những lời thơ thanh thoát ấy là một tâm hồn khao khát mãnh liệt được trở về và gặp lại người xưa sau thời gian dài xa cách, điều mà có lẽ khó lòng thực hiện được.

Nếu khổ thơ đầu gợi cho ta ấn tượng về buổi sáng trong ngần thì khổ thơ thứ hai cho dẫn chúng ta về với không gian thuyền nước, sông trăng vào buổi xế chiều- đêm tối:

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Gió và mây gợi lên hình ảnh của sự trôi nổi và lạc lõng, và biện pháp đối lập trong câu thơ “gió theo lối gió, mây đường mây” càng làm rõ sự chia ly. Có lẽ đây là một ẩn dụ cho sự xa cách giữa nhà thơ và người ông yêu, dù tình cảm sâu đậm nhưng không thể đồng hành cùng nhau trong quãng đời ngắn ngủi còn lại. Nghệ thuật nhân hóa trong câu thơ “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” càng nhấn mạnh nỗi buồn trong tâm hồn thi sĩ, khiến thiên nhiên cũng dường như mang nỗi sầu muộn, phản ánh tâm trạng u uất của nhà thơ.

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”

Nếu khổ thơ đầu, nỗi buồn nhẹ nhàng, cảnh vật còn mang sự tươi tắn thì đến với khổ thơ hai, cảnh vật nhuốm màu buồn hơn, nỗi buồn và cô đơn cũng vì thế mà thấm đẫm hơn:

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"

Chữ "kịp" được đặt trong câu hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay?” cho thấy được nỗi hoài vọng của tác giả về một hạnh phúc, về một người có thể cùng thi nhân giao cảm. Trong câu thơ, ta thấy được sự bất lực trước thời gian của tác giả. Dường như, nhà thơ đã đem nỗi mặc cảm về căn bệnh quái ác của bản thân vào trong cả tứ thơ của mình.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra.”
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.”

Từ “mơ” được đặt ở đầu câu càng nhấn mạnh giấc mộng của tác giả về một điều đẹp đẽ, có vị khách đường xa tới thăm, cùng đồng điệu, tâm sự với kẻ cô đơn trong cảnh bệnh tật. Điệp từ “khách đường xa” được lặp lại càng khẳng định khao khát được gặp gỡ của Hàn Mặc Tử nhưng có lẽ giấc mộng ấy chẳng thể nào thành bởi vị khách đã xa lại càng xa.

Bằng ngòi bút đầy tài năng và nội tâm phong phú của mình, Hàn Mặc Tử đã mang đến cho độc giả những vần thơ đẹp đẽ. Trong chữ có tình, trong tình có chữ, những cảm quan đầy tinh tế gợi cho người đọc bao dư vị về tình đời qua bài thơ.

Mẫu số 3

Hàn Mặc Tử, một trong những cây bút xuất sắc nhất của phong trào thơ mới giai đoạn 1932-1945, đã để lại nhiều tác phẩm nổi bật. Trong số đó, "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bài thơ đặc sắc và ấn tượng nhất trong sự nghiệp của ông. Bài thơ khắc họa một bức tranh hòa quyện giữa vẻ đẹp tinh khôi của thiên nhiên xứ Huế và tâm trạng của một cái tôi đầy khao khát sống và giao cảm nhưng cũng không khỏi lo âu, trăn trở.

Câu hỏi tu từ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?” vừa như một lời hờn trách nhẹ nhàng vừa là lời mời chân thành từ người con gái xứ Huế. Sự lựa chọn từ “chơi” thay vì “thăm” thể hiện sự gần gũi và thân mật, làm nổi bật sự chân thành trong lời mời. Đây cũng chính là câu hỏi mà nhà thơ tự đặt ra cho chính mình, tự trách vì sao lâu nay không trở về chốn cũ và giờ đây chỉ còn lại tiếc nuối trong cơn bệnh. Câu thơ phản ánh sâu sắc nỗi khao khát trở về với Vĩ Dạ và người xưa.

Từ nỗi nhớ, bức tranh thôn Vĩ dần hiện ra trước mắt người đọc qua từng lời thơ, một bức tranh Vĩ Dạ đầy lung linh, tươi đẹp và căng tràn sức sống:

"Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên"

Cau, loài cây quen thuộc và gần gũi của làng quê Việt Nam, thường gắn bó với tình yêu đôi lứa trong các câu chuyện cổ tích. Trong thơ Hàn Mặc Tử, hình ảnh "nắng hàng cau" không chỉ gợi nhớ mà còn tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên. Câu thơ miêu tả màu nắng sớm mai trên hàng cau một cách độc đáo và mới mẻ. Ánh nắng sớm len lỏi qua từng tàu cau, hòa quyện với hạt sương đọng trên lá tạo nên vẻ đẹp long lanh và kiều diễm. Thiên nhiên trong cảnh thơ trở nên thanh thoát và trong trẻo, không gian như được nâng cao và trở nên khoáng đạt. Ánh nắng hàng cau làm cho cả khu vườn trở nên rạng rỡ và thơ mộng.

Xa xa là bóng hàng cau, khi lại gần, khu vườn càng thêm đẹp, thêm tươi. Có cây ngời ngợi màu xanh sáng, xanh trong, xanh mỡ màng, mượt mà:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Câu thơ cất lên như sự ngỡ ngàng đến xuýt xoa của tác giả trước vẻ đẹp của tạo hoá được tưới tắm bởi bàn tay khéo léo của người làm vườn. Tính từ “mướt” gợi lên sắc xanh ngời ngợi, ngọc ngà, xuân sắc đầy sức sống của khu vườn. Có thể thấy qua những hình ảnh thơ gần gũi, bình dị mà bằng cách sử dụng ngôn từ độc đáo, bức tranh thôn Vĩ đầy đẹp đẽ, sống động và cao quý được gợi lên.

Cảnh thôn Vĩ ngày càng trở nên hài hòa hơn khi có sự xuất hiện của con người:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Lối nói cách điệu thể hiện vẻ đẹp e ấp, kín đáo, dịu dàng và rất Huế của người con gái. Sự xuất hiện của khuôn mặt chữ điền phúc hậu, dịu dàng đã làm cho bức tranh Vĩ Dạ trở nên sinh động hơn khi có sự hài hòa giữa cảnh vật và con người.

Khổ thơ thứ hai gợi ra cảnh sông nước êm đềm, mang nỗi niềm bâng khuâng, nỗi mong cầu hư ảo:

“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ? “

Không gian có gió, mây, sông nước, có thơ mộng, có êm đêm những gợi buồn, gợi chia ly. Cảnh chia đôi ngả “gió theo lối gió, mây đường mây” phải chăng chính là sự mặc cảm của nhà thơ về tình yêu xa cách, không thể đồng hành cùng người thương của mình. Vì lòng người mang sau bi nên thiên nhiên cũng vương buồn. Dòng sông nước vẫn chảy mà “buồn thiu”, gió xao động, hoa bắp lay trôi vô định trên làn nước. “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” cảnh vật gợi vẽ quạnh quẽ, thê lương, u sầu. Dòng sông buồn như chính tâm trạng thi nhân.

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"

Tứ thơ “Có chở trăng về kịp tối nay?” gửi gắm cả một nỗi niềm của thi nhân, một khao khát vào tình yêu cập bến, để được cùng người tâm sự, tỏ bày. Nỗi ngóng trông, mong chờ, khát khao mãnh liệt được tâm giao được cất lên trong tiếng thơ bình dị. Có chăng, lúc này đây, tác giả đang lo sợ vì vận mệnh ngắn ngủi của cuộc đời mình. Sợ rằng thời gian ngày một ngắn thêm mà lòng người vẫn chưa thể được khỏa lấp nỗi trống vắng, cô đơn, sầu muộn. Liệu con thuyền kia có chở kịp vầng trăng hạnh phúc ấy về với kẻ mệnh bạc này không?

Thực tại phũ phàng, cô đơn ngập lối, tác giả đành tìm đến giấc mơ, nơi đó có thể nhìn thấy người con gái mình yêu, dẫu đó chỉ là chút hạnh phúc trong ảo ảnh:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra;
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Trong giấc mơ mang màu hy vọng, thi nhân thấy vị khách đường xa trong tà áo trắng tinh khôi, ẩn hiện trong sương khói. Bóng hình như nhoè đi rồi biến mất trong phút chốc. Sự thanh khiết, cao quý của người con gái trong ảo ảnh khiến thi nhân không khỏi không lo sợ:

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?"

Trong bài thơ, tác giả bày tỏ sự lo lắng và nghi ngờ về một tình cảm không vững chắc. Một trái tim khao khát yêu thương và được yêu, nhưng lại không thể có được tình yêu trọn vẹn, khiến tác giả hoài nghi về độ sâu đậm của tình cảm từ đối phương. Liệu tình cảm của người khác có chân thành và nồng nàn như lòng mình mong đợi?

Kết thúc bài thơ là một câu hỏi tu từ, phản ánh nỗi nghi ngờ và thất vọng sâu sắc. Vĩ Dạ đẹp nhưng lại buồn, và nỗi buồn của lòng người cũng tạo nên một sự hòa quyện giữa cảnh và tình.

“Đây thôn Vĩ Dạ” tiếp tục sống mãi trong lòng người đọc qua nhiều thế hệ. Bài thơ không chỉ là một bức tranh thanh bình và đẹp đẽ về Vĩ Dạ mà còn là hình ảnh của một tâm hồn sâu lắng, với khát vọng mãnh liệt được yêu thương và sống trọn vẹn của Hàn Mặc Tử.

Mẫu số 4

Hoài Thanh - Hoài Chân đã viết về linh hồn của Thơ Mới trong cuốn Thi nhân Việt Nam: "Đời chúng ta đã nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận." Cùng với các nhà thơ khác, Hàn Mặc Tử đã gia nhập phong trào Thơ Mới như một loài hoa kỳ lạ. Hồn thơ của ông mang trong mình sự điên loạn, sự đắm say giữa thực tại và mộng ảo, với nỗi đớn đau hướng về cuộc sống trần thế. Những vần thơ của ông, đầy rẫy ý tưởng về hồn, trăng, và máu, đã không ngừng ám ảnh những ai yêu thơ của Hàn Mặc Tử. Nhưng trong một cảnh tượng thơ ma mị và kỳ dị, lại nổi lên một bông hoa tinh khôi, mang theo hương sắc đời thường, đó là bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ," chứa đựng bao cảm xúc và nỗi nhớ về một miền quê đã từng gắn bó.

Bài thơ ngắn gọn và đơn sơ với ba khổ thơ, nhưng chất chứa biết bao nhung nhớ và khát khao về cuộc sống hạnh phúc. Bài thơ còn thể hiện sự hoài nghi và tuyệt vọng. Tác phẩm gắn liền với chuyện tình giữa thi sĩ và người con gái Huế tên Hoàng Cúc. Trong những ngày đau đớn nhất cuộc đời và đấu tranh với bệnh tật, thi sĩ nhận được bức ảnh về sông nước xứ Huế vào đêm trăng và những dòng thư từ người con gái mình từng yêu thầm. Những cảm xúc ùa về và cuộc hành hương trong tâm tưởng của ông bắt đầu từ đó, làm nảy sinh những vần thơ tuyệt đẹp về xứ Huế mộng mơ trong nỗi nhớ.

Ta vẫn thường bắt gặp ở Hàn Mặc Tử những câu hỏi khắc khoải và đớn đau thế này:

Tôi vẫn ở đây hay ở đâu

Ai đem bỏ tôi xuống trời sâu

Sao bông phượng nở trong màu huyết

Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?

Tuy nhiên, với "Đây thôn Vĩ Dạ", câu hỏi nhẹ nhàng như một lời mời, vừa có chút dỗi hờn như lời trách yêu: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" Câu hỏi này vừa như lời của một cô gái Huế duyên dáng, e ấp, nhưng cũng là câu hỏi mà Hàn Mặc Tử tự đặt ra cho chính mình trong sự khắc khoải. Trong câu hỏi này, ta cảm nhận được sự tha thiết và nỗi xúc động của thi sĩ khi nghĩ về mảnh đất đầy kỷ niệm, dù chỉ là trong tâm tưởng.

Câu thơ với sáu thanh bằng và một thanh vút lên cuối cùng gieo vào lòng người đọc những cảm xúc khó phai. Dù tưởng như là lời mời gọi, câu hỏi này thực chất chứa đựng nỗi đau và sự day dứt của thi nhân. Từ "không về" thay vì "chưa về" và "về chơi" thay vì "về thăm" cho thấy một nỗi chia ly không thể lấp đầy. Trong cơn bạo bệnh, thi nhân biết rằng mình không còn cơ hội trở lại xứ Huế yêu thương. Việc dùng từ "về chơi" cho thấy Hàn Mặc Tử đặt mình vào vai trò của một người khách phương xa, không còn gắn bó với mảnh đất thân thuộc. Cuộc hành hương trong tâm tưởng của ông được diễn tả từ góc nhìn của một người khách, nhưng với tâm trạng của một người con từng rất gắn bó với xứ Huế, và từ đó ông vẽ nên cảnh vườn thôn Vĩ, đầy sắc xanh và ánh sáng lấp lánh.

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Ấn tượng sâu đậm nhất để lại từ câu thơ chính là không gian ngập tràn ánh sáng mặt trời. Không phải là "nắng ửng" trong làn khói mờ ảo, cũng không phải là "nắng chang chang" rọi trên bờ sông trắng xóa, mà là thứ "nắng mới", không huyền bí, không đậm đặc, mà tinh khôi và trong sáng một cách kỳ lạ.

Ánh sáng tỏa xuống hàng cau, cau ngẩng lên đón nhận nắng một cách nhẹ nhàng, khu vườn xanh tươi được làm sạch bởi sương đêm, và sáng hôm nay chìm đắm trong ánh nắng mới. Cái "mướt" mà Hàn Mặc Tử gợi lên ở khu vườn, cái "ngọc" mà ông so sánh với màu xanh, đều tạo nên nhiều sắc thái phong phú. Vừa gợi ra màu sắc, vừa gợi ra ánh sáng, lại vừa óng ánh và tinh khiết. Người ta bị bất ngờ bởi cảnh vườn thôn quen thuộc giờ đây trở nên trong sáng đến lạ lùng.

Nhớ về thôn Vĩ còn là nhớ về những nét đặc trưng của con người nơi đây. Không được miêu tả chi tiết mà chỉ được gợi mở qua bút pháp cách điệu, thi sĩ cho ta cảm nhận về người Huế chân thành, dịu dàng, về con gái Huế duyên dáng, ẩn hiện sau một mảnh trúc che ngang, với khuôn mặt chữ điền đậm chất Huế.

Những nét vẽ thanh thoát và những cảm nhận tinh tế gợi nhắc cho chúng ta rằng dù thơ của Hàn Mặc Tử có thể có những cơn điên loạn, nhưng ông vẫn giữ cho mình một tâm hồn thơ trong sáng, đong đầy tình cảm với mảnh đất yêu thương. Tìm đâu xa tình yêu quê hương xứ sở, đôi khi những cảm xúc chân thành bắt nguồn từ những ấn tượng bình dị, ngọt ngào như vậy. Hóa ra, không chỉ Hoàng Phủ, không chỉ Trịnh Công Sơn mới có thể viết hay về Huế. Hàn Mặc Tử cũng đã dành cho Huế những vần thơ chân thành, đượm đầy yêu thương...

Nằm bên dòng sông Hương êm đềm, nhớ về Huế là nhớ về cảnh sông nước dưới ánh trăng. Dòng trăng ấy chảy qua Huế, len lỏi vào tâm hồn những người con xứ Huế, tạo thành một phần hồn riêng biệt ở đây. Thấu hiểu và cảm nhận được phần hồn đó, Hàn Mặc Tử đã dẫn dắt người đọc đến một không gian khác, để chiêm ngưỡng một Huế khác, đẹp nhưng đầy nỗi buồn tĩnh lặng:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Một bức tranh mang đến cảm giác buồn và sầu thảm. Gió thổi nhẹ, mây trôi lững lờ, hoa bắp rung rinh, dòng Hương Giang thì trầm mặc. Dáng vẻ của Huế qua hàng thế kỷ dường như vẫn giữ nguyên như vậy. Không khí tĩnh lặng của đất cố đô chỉ được gợi lên qua vài nét vẽ tinh giản. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ và nhìn sâu hơn vào câu thơ, ta sẽ thấy còn nhiều tầng nghĩa ẩn chứa.

Quả thực, đây không chỉ là một bức tranh ngoại cảnh mà còn là tranh tâm cảnh, phản ánh trạng thái tâm hồn. Nỗi sầu chia ly trong câu thơ, mặc dù đã được giấu kín một cách tinh tế, vẫn thể hiện rõ sự đau đớn và nỗi lòng. Gió và mây, vốn là một cặp không thể tách rời, nhưng trong thơ Hàn Mặc Tử, chúng dường như thể hiện sự chia ly và nỗi nhớ nhung. Liệu đây có phải là hình ảnh của gió và mây hay là của một cặp tình nhân chia ly, để lại một mối tình không trọn vẹn? Cảnh vật đã được nội tâm hóa, thấm đẫm sự chia ly. Nỗi buồn trong câu thơ nặng đến mức đã được gọi rõ ràng: "buồn thiu". Hai từ "buồn thiu" gói gọn sự đau khổ của con người, của một mối tình không thành. Nỗi buồn ấy không bùng nổ dữ dội như trong thơ Hàn Mặc Tử, mà chỉ đơn thuần là sự buồn bã, lặng lẽ và tuyệt vọng. Nỗi buồn ấy làm tâm hồn ngợp tràn, dấy lên nỗi nhớ không thể kiểm soát, khiến cho hai câu thơ tiếp theo trở nên huyền ảo và mơ hồ, như thể cảnh vật chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Khác với ánh trăng lạnh lùng và điên dại xuất hiện trong phần sau của tập "Thơ Điên", ánh trăng trong "Đây thôn Vĩ Dạ" mang một nỗi buồn dịu dàng và mơ màng. Hàn Mặc Tử trong thời điểm này vẫn chưa hòa vào ánh trăng, không chìm đắm trong mộng mị, mà chỉ đặt ra một câu hỏi mà mình biết trước sẽ không có lời giải. Ánh trăng trở lại, nhưng không phải là "trăng vàng trăng ngọc" hay "trăng nằm sóng soãi", mà là trăng huyền ảo tan ra trên mặt nước. Trong cảm giác mơ hồ của thi nhân, sông biến thành sông trăng, thuyền trở thành thuyền trăng, và bóng người chỉ là hình ảnh mờ nhạt trong ánh trăng.

Mọi thứ đều nhuốm một màu trăng. Ánh trăng ở đây mang theo nỗi niềm khắc khoải, lo âu, và sự tiếc nuối trước nỗi đau sắp phải rời xa thực tại. Cảm giác bất an và mong muốn giữ lại thời gian thể hiện rõ nhất qua từ "kịp" và câu hỏi đầy tâm trạng. Thi nhân có thể đang mong chờ ánh trăng, nhưng có thể cũng là tình đời và tình người. Nỗi cô đơn trong những ngày bệnh tật hành hạ, cách ly người khỏi cuộc sống, khỏi những người thân yêu, chia lìa những hoài bão và tình cảm chưa trọn vẹn. Điều duy nhất còn lại bên người là thơ và ánh trăng. Vì thế, người chờ đợi ánh trăng, mong con thuyền trong mơ sẽ mang đến cho mình những điều khao khát. Ta thấy ở đây một cuộc đua với thời gian, thời gian đang đuổi theo từng bước, nhưng cuộc đua không phải để tận hưởng vẻ đẹp cuộc đời như Xuân Diệu, mà chỉ để mong có thể sống được. Sống là đủ rồi. Trong câu thơ là sự âu lo, nhưng cũng là sự trông đợi. Tính nhân văn của tác phẩm nằm ở đó: Hãy luôn sống trọn vẹn từng ngày khi còn có cơ hội.

Niềm khao khát tình đời, tình người của thi nhân mơ hồ hiện ra ở khổ thơ thứ hai, rồi cất lên rõ nhất ở khổ thơ thứ ba, khi mà thế giới đã về với thực tại, ngập chìm hoàn toàn ở cõi mơ:

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Chữ "mơ" đứng đầu câu, rồi đến tiếng gọi "khách đường xa" đầy khắc khoải, tạo nên cảm giác đơn độc, lạc lõng, và để lại nhiều ngẩn ngơ và tiếc nuối. Hình ảnh của khách thể hiện sự xa vắng, dường như đang rời xa vòng tay Hàn Mặc Tử, tiến về một cõi xa xăm không thể với tới. Người con gái trong trang phục trắng tinh khôi, mà suốt đời thi nhân tôn sùng, giờ đây trở nên mờ nhạt và khó nắm giữ. Mọi thứ như trở nên mờ ảo hơn: ở đây sương khói làm nhòa hình ảnh.

Không gian trở nên mông lung, lạnh lẽo, mịt mù trong sương khói, huyền ảo trong ảo ảnh. Nó bao phủ cả ý thức và tiềm thức, làm cho lòng người cảm thấy tê dại. Khi nghe câu hỏi khắc khoải cuối cùng: "Ai biết tình ai có đậm đà?", ta chợt nhận ra rằng bấy lâu thi sĩ cũng chỉ khao khát điều đó, đó là tình người, tình đời. Vì vậy, ta vẫn tin chắc rằng, Hàn Mặc Tử điên loạn trong thơ, cuồng si trong thơ, và đau đớn tột cùng chỉ vì sự cô đơn. Điều duy nhất mà thi nhân hướng về, tình yêu tối thượng của người, là tình yêu cuộc sống, khao khát được sống.

Đời của thi sĩ đã vốn chẳng được vui vẻ, và đến cuối đời, người chỉ mong tìm được chút hồn tri ngộ. Hàn Mặc Tử của chúng ta không "kỳ dị" như nhiều người nghĩ. Thi sĩ ấy có trái tim rất người, với những cảm xúc chân thành, và có lẽ nhiều năm sau, điều đó vẫn sẽ được nhiều người ghi nhận.

Bài thơ như một bản nhạc ngắn về tình yêu và khao khát, hướng về một mảnh vườn, cũng là về một mảnh đời. Sự đặc sắc của thi phẩm còn đến từ những nghệ thuật mang phong cách riêng của Hàn Mặc Tử. Với hình ảnh tượng trưng đầy ý nghĩa, những câu hỏi tu từ trải đều trên các khổ thơ mang theo ý niệm riêng, cùng lối viết cách điệu, pha trộn ảo thực, "Đây thôn Vĩ Dạ" xứng đáng là một thi phẩm có những từ ngữ đẹp nhất và trong sáng nhất trong thế giới thơ của Hàn Mặc Tử.

Dù Hàn Mặc Tử đã rời khỏi trần thế từ lâu, nhưng hồn thơ của người vẫn còn mãi trên trang giấy. Như Chế Lan Viên từng nói, rằng "Mai sau, những thứ tầm thường mực thước sẽ biến mất, và nếu còn lại điều gì đáng kể từ thời kỳ này, thì đó chính là Hàn Mặc Tử." Tâm hồn Hàn Mặc Tử sẽ còn tiếp tục gặp gỡ, hòa quyện với triệu triệu tâm hồn bạn đọc, truyền cho họ khao khát sống đến điên dại qua từng con chữ, và mãi hát lên bài ca yêu thương cuộc đời.

Mẫu số 5

“Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò.”

Khi nhắc đến những dòng thơ này, người đọc không thể không nhận ra hình ảnh “bán trăng” của Hàn Mặc Tử. Đây là một nghịch lý kỳ lạ, bởi vì trăng là một phần của mọi người, vậy sao lại gọi là “bán”? Tuy nhiên, qua hình ảnh này, người ta có thể thấy rõ tấm lòng trung thành, son sắt của nhà thơ. Và sự trung thành đó một lần nữa được thể hiện qua “Đây thôn Vĩ Dạ”. Tác phẩm không chỉ là một bức tranh thủy mặc về một góc của cố đô Huế mà còn là nỗi lòng gửi gắm tới phương xa của Hàn Mặc Tử.

Mở đầu bài thơ, không phải là lời chào mà là một lời trách móc: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Giọng điệu có phần trách móc và hỏi han, nhấn mạnh sự tiếc nuối khi nhân vật trữ tình không thể trở về với thôn Vĩ, với những kỷ niệm xưa. Câu thơ thể hiện rõ nỗi tiếc nuối khi không được chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của thôn Vĩ.

Nỗi tiếc nuối của người con gái là hoàn toàn có lý, vì với hàng loạt “vẻ đẹp” được miêu tả sau đây, bất kỳ ai bỏ lỡ cơ hội về thăm đều phải cảm thấy tiếc nuối.

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Ba câu thơ này đã bước đầu khắc họa vẻ đẹp trong sáng, tinh khiết của quê hương thôn Vĩ. Trong câu thơ thứ hai, tác giả khéo léo sử dụng biện pháp lặp từ “nắng”. Nếu “nắng” ở vế đầu chỉ vị trí xuất hiện (nắng trên hàng cau), thì “nắng” ở vế sau lại mô tả tính chất của nó (nắng mới). Khung cảnh thôn Vĩ hiện lên trước mắt người đọc với vẻ đẹp của vườn tược và vùng nông thôn ngoại ô thành phố.

Hàng cau là hình ảnh tiêu biểu cho vườn tược ở Thừa Thiên, nhưng tác giả đã tinh tế thêm vào hình ảnh này một “gia vị” đậm chất Huế. Cái nắng ở đây không chỉ là nắng buổi sáng mà còn là “nắng mới”, biểu thị sự khởi đầu của một ngày mới.

Ánh nắng này không chỉ báo hiệu một ngày mới mà còn là khởi đầu của mùa xuân tươi trẻ. “Nắng mới” kết hợp với động từ “lên” tạo ra cảm giác tràn đầy sức sống và sự tươi mới, khiến thi sĩ cảm thấy may mắn khi được chứng kiến khoảnh khắc này. Điều này cho thấy sức sống căng tràn đang lan tỏa khắp miền quê thôn Vĩ.

Từ ánh nhìn “nắng hàng cau”, tác giả chuyển sang quan sát “đối tượng” khác là vườn thôn Vĩ. Góc nhìn của tác giả đã thay đổi, từ xa chuyển gần hơn. “Vườn” hiện lên gần gũi hơn, tầm nhìn của nhà thơ trở nên sắc nét. Nghệ thuật tu từ “vườn ai” gợi sự tò mò, vì không rõ chủ nhân của khu vườn là ai. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là danh tính của người chủ, mà là sự trong xanh của khu vườn.

Tác giả so sánh khu vườn với ngọc để nhấn mạnh sự trong xanh và tinh khiết của nó vào buổi sáng sớm. Hình ảnh này khiến người đọc cảm thấy nhẹ nhàng và thư giãn, mang lại sự dễ chịu cho mắt. Tuy nhiên, tài năng của Hàn Mặc Tử không chỉ dừng lại ở đó. Ông khéo léo sử dụng từ “mướt” khi miêu tả màu sắc của khu vườn. Từ này gợi cảm giác về sự trơn tru, mượt mà và tinh tế.

Từ “mướt” còn được nhấn mạnh bởi thán từ “quá”, làm tăng thêm sự thanh tao của khu vườn thôn Vĩ, khiến người đọc càng thêm tò mò và muốn được nhìn thấy thực tế. Trong khi câu hai và câu ba giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về thiên nhiên xứ Huế, câu thơ thứ tư lại đưa ra hình ảnh con người nơi đây.

Hình ảnh “mặt chữ điền” gợi lên khuôn mặt hiền hậu và phúc hậu, đồng thời cũng giới thiệu tính cách của con gái Huế. Ẩn sau vẻ đẹp ấy là chi tiết “lá trúc che ngang”, gợi sự e ấp và ngại ngùng của cô gái xứ mộng mơ. Với khổ thơ đầu tiên, người đọc đã có cái nhìn đầu tiên về thôn Vĩ, nơi không chỉ hiện lên với vẻ đẹp tinh túy mà con người cũng thật rực rỡ.

Chuyển sang khổ thơ thứ hai, độc giả tiếp tục chứng kiến những đường nét mà thi sĩ vẽ nên. Bức tranh này mở rộng cả về không gian lẫn thời gian.

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mở đầu khổ hai, Hàn Mặc Tử mở rộng không gian thôn Vĩ bằng cách nhìn từ trên cao. Tác giả tinh tế khi sử dụng biện pháp lặp cấu trúc câu và lặp từ đồng thời. “Gió" và “mây" được nhấn mạnh hai lần không phải để thể hiện sự hòa quyện, mà là sự tách biệt. Gió và mây đi theo những con đường riêng biệt của chúng.

Trong khi câu đầu tiên chỉ gián tiếp nhắc đến sự chia ly, thì câu thơ tiếp theo nhấn mạnh sự buồn bã với động từ “buồn thiu”. “Buồn thiu” diễn tả tâm trạng sầu thảm và cô đơn, và đối tượng mang tâm trạng này là “dòng nước”. Bằng cách nhân hóa, tác giả đã hình dung dòng nước thôn Vĩ như một sinh vật có cảm xúc và tâm trạng. Cảnh vật chuyển từ sự tươi tắn của buổi sáng sang một sắc thái hoài cổ ở thời điểm này.

“Hoa bắp lay” có thể là sự rung rinh khi có đợt gió thổi qua, làm nổi bật cảm giác buồn bã và cô đơn. Không gian từ trên cao được kéo xuống gần hơn, làm cho hình ảnh trở nên sinh động hơn. Ý tưởng của tác giả thật tinh tế khi để cho nỗi buồn của thiên nhiên hiện ra trước, làm người đọc tò mò và suy ngẫm, trước khi đưa ra sự trầm tư của con người.

“Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Nếu như câu hỏi tu từ ở khổ thơ đầu tiên mang nét trách móc thì ở khổ này lại đượm buồn và có chút xót xa. Xuất hiện hình ảnh ẩn dụ “thuyền", “bến" cùng với hình ảnh “sông Trăng". Sông Hương bây giờ đã nhuốm đầy ánh trăng, làm cho cả một vùng sông tràn ngập ánh vàng.

Câu hỏi cuối khổ thơ như thể chính tác giả đang hỏi bản thân. Câu thơ đã bộc lộ nỗi niềm lo lắng khi trong hoàn cảnh này tác giả đang mang trong mình căn bệnh quái ác. Và liệu nhà thơ có đủ thời gian để chờ vầng trăng ấy về kịp. Câu hỏi khiến cho cả khổ thơ chùng xuống hẳn! Thi sĩ buồn cho cái số phận ngắn ngủi, cho ước mơ vẫn còn dở dang. Đành là vậy! Như khi đến khổ thơ thứ ba tác giả tiếp tục sống cho mộng ước của mình

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Lần này, tác giả đắm chìm trong thế giới mộng mơ của mình. Hình ảnh "khách đường xa" được nhấn mạnh hai lần cho thấy phần nào nỗi trông ngóng và nhớ thương mà tác giả dành cho người mình yêu. Theo một số tài liệu, khi làm việc ở Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử đã thầm yêu cô gái Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con gái của ông chủ sở.

Sau một thời gian, khi nhà thơ chuyển đến Sài Gòn làm báo, và trở lại Quy Nhơn thì gia đình cô Cúc đã trở về Vĩ Dạ (Huế). Trong thời gian nhà thơ mắc bệnh nặng, được một người bạn gợi ý, cô Cúc đã gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cô trong tà áo dài trắng, kèm theo hình ảnh sông nước, bến và thuyền.

Nhận được bức ảnh này, nhà thơ rất vui. Vì lý do này, hình ảnh “áo em trắng quá” có thể xuất phát từ tà áo trắng mà cô Hoàng Thị Kim Cúc đã mặc trong bức ảnh. Tuy nhiên, màu trắng ấy lại “nhìn không ra”. Một số giả thuyết cho rằng khi tác giả mắc bệnh, thị lực của ông đã giảm, nên việc nhìn thấy mọi vật trở nên mờ nhạt. Liệu màu trắng này có phải là sự lạ lẫm hay là do cái nhìn đã bị giảm sút?

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà”

Câu thơ thứ ba của khổ cuối đã khắc họa chính xác không gian của xứ Huế. Với vùng quê bao phủ bởi sương khói, màu trắng đã làm mờ nhạt tất cả, kể cả “nhân ảnh”. Con người dường như cũng bị ẩn khuất sau lớp sương ấy. Cảm giác trở nên vừa thực vừa mơ hồ, như thể tác giả đang lạc vào một thế giới huyền bí, nơi mọi vật trở nên khó nhận diện sau “tấm rèm trắng”.

Có lẽ ý nghĩa và tình cảm của tác giả được tập trung trong câu thơ cuối cùng. Một câu hỏi tu từ tiếp tục xuất hiện: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Nhà thơ đặt câu hỏi không chỉ để hỏi người khác mà cũng là để tự hỏi chính mình liệu tình cảm ấy còn giữ được sự “đậm đà” và chân thành như trước không. Liệu người xưa có còn giữ gìn tình cảm ngày cũ? Khi đọc câu thơ này, độc giả không thể biết chính xác nhân vật đang hỏi và người được hỏi là ai. Nhưng điều quan trọng là tình cảm ấy có còn tồn tại và lòng người có còn lưu giữ chút niềm riêng.

Tất cả đều là một ẩn số! Với việc sử dụng thành thạo các biện pháp nghệ thuật như điệp từ, điệp cấu trúc, và câu hỏi tu từ, tác giả đã khắc họa một cách tinh tế và sinh động bức tranh xứ Huế. Trong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”, Hàn Mặc Tử đã dẫn dắt độc giả vào không gian mộng mơ của thôn Vĩ Dạ.

Với một khung cảnh đầy chất thơ và tình yêu sâu đậm, tác giả đã diễn tả nỗi nhớ và tình cảm của mình dành cho người con gái Huế mà ông yêu thầm. Tình cảm ấy chân thành, thủy chung nhưng cũng đầy lo lắng về việc liệu người xưa có còn giữ gìn nỗi niềm cũ. Tình cảm này vẫn còn lưu giữ mãi và trở thành một câu hỏi không ngừng trong lòng tác giả cũng như người đọc.