Đoạn trích "Cảnh ngày xuân" trong tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du mở ra một bức tranh xuân tươi đẹp, đầy sức sống. Qua những hình ảnh sinh động, tác giả không chỉ khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn thể hiện tâm hồn nhạy cảm, yêu đời của nhân vật, tạo nên không khí ấm áp và lạc quan.
Nguyễn Du là một nhà thơ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tên tuổi của ông không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vang xa trên thế giới. Sự thành công của Nguyễn Du được khẳng định qua những tác phẩm có giá trị, đặc biệt là "Truyện Kiều" – kiệt tác của văn học Việt Nam. Cảm hứng nhân đạo và vẻ đẹp ngôn từ trong tác phẩm này đã chinh phục nhiều thế hệ bạn đọc trong gần hai trăm năm qua. Đọc đoạn trích "Cảnh ngày xuân", ta càng cảm phục tài năng miêu tả cảnh vật của ông:
“Ngày xuân con én đưa thoi,
…
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”
Ngoài nghệ thuật tả người, nghệ thuật tả cảnh là một thành công đặc biệt của “Truyện Kiều”. Bút pháp ước lệ của ông không chỉ gợi tả mà còn kích thích trí tưởng tượng của người đọc, giúp họ hình dung rõ về bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp và tâm trạng của người du xuân. Đoạn thơ có kết cấu theo trình tự thời gian của một cuộc du xuân. Bốn dòng thơ đầu là khung cảnh mùa xuân. Tám dòng thơ tiếp theo là cảnh lễ hội trong tiết Thanh minh. Và sáu dòng thơ cuối là cảnh và tâm trạng của chị em Thúy Kiều khi hoàng hôn buông xuống.
Nguyễn Du mở đầu bằng việc phác họa một bức tranh mùa xuân ấn tượng, với không gian, thời gian hiện ra qua hai dòng thơ khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc:
“Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”
Thiên nhiên mùa xuân mang vẻ đẹp riêng. Giữa bầu trời cao rộng, đàn chim én bay lượn như chiếc thoi dệt vải, gợi bước đi của mùa xuân. Ánh sáng mùa xuân tràn ngập khắp nơi, tạo cảm giác tươi vui, trẻ trung. Thời gian trôi qua nhanh chóng, mang theo sự tiếc nuối.
Chỉ với một câu thơ lục bát, bức họa xuân hiện ra đẹp đến không ngờ:
“Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
Nguyễn Du khiến ta không phân biệt được đâu là thơ, đâu là họa. Thảm cỏ xanh non trải ra mênh mang đến tận chân trời làm nền cho bức tranh xuân. Trên nền xanh ấy là một vài bông hoa lê trắng. Sự hài hòa màu sắc gợi nên vẻ đẹp tinh khôi, tươi sáng. Tính từ “trắng” kết hợp với động từ “điểm” tạo nên sự sống động của bức tranh xuân. Chỉ với hai màu sắc, ông đã gợi nên vẻ mới mẻ, thanh khiết của mùa xuân.
Đoạn thơ chuyển tiếp nhịp nhàng, từ khung cảnh mùa xuân tươi mới, nét bút của Nguyễn Du chuyển sang khắc họa những hoạt động của con người trong lễ hội:
“Thanh minh trong tiết tráng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.”
Tiết Thanh minh vào đầu tháng ba, khí trời mát mẻ, trong trẻo. Người dân đi viếng, quét dọn và lễ bái trước phần mộ tổ tiên, sau đó tham gia “hội đạp thanh”, giẫm lên cỏ xanh – một hoạt động vui vẻ của ngày xuân.
Không khí lễ hội hiện ra sinh động qua từng dòng thơ giàu hình ảnh và nhạc điệu:
“Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.”
Nguyễn Du miêu tả cảnh lễ hội bằng đôi mắt và tâm trạng của chị em Thúy Kiều. Cảnh tượng nhộn nhịp của lễ hội, dòng người tấp nập như nước, áo quần đẹp đẽ, thướt tha là linh hồn của ngày hội.
Vẻ đẹp văn hóa ngàn đời của người phương Đông nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng được thể hiện qua lễ tảo mộ và hội đạp thanh. Cảnh “thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay” gợi lên tình cảm sâu sắc của Nguyễn Du đối với những phong tục cổ truyền.
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Cuộc vui nào rồi cũng kết thúc. Buổi du xuân vui vẻ đã đến lúc phải chia tay:
“Tà tà bóng ngả về tây,
…
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”
Cảnh vật mang vẻ nên thơ, dịu êm khi hoàng hôn buông xuống. Hội tan, ngày tàn, nhịp thơ chậm rãi, cảnh vật trở nên yên ắng, buồn bã. Tâm trạng nhân vật Thúy Kiều cũng phản ánh sự buồn tiếc khi lễ hội kết thúc.
Nguyễn Du đã tài tình trong việc miêu tả cảnh và tâm trạng, khiến bức tranh xuân hiện ra trước mắt người đọc. Những cảm xúc và suy nghĩ về cuộc đời Thúy Kiều được gợi lên, khiến ta cảm thương cho số phận người phụ nữ tài sắc này.