BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Bài thơ 'Lưu biệt khi xuất dương' của Phan Bội Châu không chỉ là lời từ biệt, mà còn là một tuyên ngôn mạnh mẽ về chí khí và khát vọng cứu nước. Thể hiện tinh thần quyết tâm, nó là dấu ấn của một nhà nho tiến bộ trước thời kỳ cách mạng."

Tác giả, tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương Phan Bội Châu

1. Tác giả 

  • Phan Bội Châu sinh năm 1867, mất năm 1940, tên ban đầu là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam. Ông là nhà yêu nước, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng.
  • Phan Bội Châu nức tiếng thông minh từ nhỏ: Năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện.
  • Năm 1885, ông tham gia lập đội Sĩ Tử Cần Vương chống Pháp.
  • Năm 1900, ông đậu đầu Giải Nguyên nhưng không ra làm quan mà nung nấu con đường cứu nước theo tư tưởng mới.
  • Năm 1904, ông cùng hơn 20 đồng chí khác lập Duy Tân hội chống Pháp.
  • Năm 1905, ông sáng lập và thực hiện phong trào Đông Du, đưa học sinh Việt Nam sang Nhật du học.
  • Năm 1912, ông thành lập Việt Nam Quang Phục hội.
  • Năm 1922, ông định thực hiện chính sách cải tổ theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự góp ý của Nguyễn Ái Quốc.
  • Năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc và xử án tù chung thân.
  • Bên cạnh là một nhà yêu nước lỗi lạc, ông còn là một cây bút xuất sắc của văn chương Cách mạng. Văn chương ông có hình thức cổ điển nhưng vẫn mới mẻ. Đó là vũ khí để tuyên truyền cổ động, thơ văn ông đã làm rung động biết bao con tim yêu nước.
  • Một số tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến: Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Ngục trung thư, Trùng Quang tâm sử, Phan Sào Nam văn tập, Phan Bội Châu niên biểu,...

2. Tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương

Bài thơ Lưu biệt khi xuất dương được Phan Bội Châu sáng tác vào năm 1905, trước lúc sang Nhật Bản tìm một con đường cứu nước mới, ông làm bài thơ này để giã từ bè bạn, đồng chí.

Bài thơ khắc họa vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỉ XX, với tư tưởng mới mẻ táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi nổi và khát vọng cháy bỏng trong buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước. Làm nên giá trị nội dung cho tác phẩm là lý tưởng yêu nước cao cả, lòng nhiệt huyết sục sôi. Bài thơ dựng lên tư thế đẹp đẽ và khát vọng lên đường cháy bỏng của chí sĩ cách mạng.

Bài thơ được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú luật bằng, hình ảnh thơ sinh động, có sức truyền tải cao. Mang đặc trưng của thơ ca Cách mạng nên bài thơ có một giọng điệu rất riêng: hăm hở, đầy nhiệt huyết. Ngôn ngữ thơ bình dị mà có sức lay động mạnh mẽ.

Bình giảng Lưu biệt khi xuất dương

Chúng ta có thể nói rằng trong lịch sử giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, trước Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu là một nhân vật vĩ đại" (Tôn Quang Phiệt). Phan Bội Châu là linh hồn của các phong trào vận động giải phóng Tổ quốc trong khoảng 25 năm đầu thế kỷ XX. Tên tuổi ông gắn liền với các tổ chức yêu nước như Hội Duy Tân, phong trào Đông Du, Việt Nam Quang Phục Hội... Tên tuổi Phan Bội Châu còn lưu danh qua hàng trăm bài thơ, hàng chục cuốn sách, một số bài văn tế và vài ba vở tuồng đậm chất yêu nước: "Phan Bội Châu câu thơ dậy sóng" (Tố Hữu).

Năm 1900, Phan Bội Châu đỗ Giải nguyên khoa thi Hương trường Nghệ. Năm 1904, ông sáng lập ra Hội Duy Tân, một tổ chức yêu nước. Năm 1905, ông khởi xướng phong trào Đông Du. Trước khi lên đường Đông Du, qua Trung Hoa, Nhật Bản để cầu viện với bao hoài bão, ông để lại đồng chí bài thơ "Lưu biệt khi xuất dương" được viết bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, là khúc tráng ca biểu lộ tư thế, quyết tâm hào hùng và những ý nghĩ cao cả mới mẻ của chí sĩ Phan Bội Châu trong buổi đầu xuất dương cứu nước.

Hai câu đề là một tuyên ngôn về chí hướng, về lẽ sống cao cả:

"Sinh vi nam tử yếu hi kì,  

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển đi".

Tự hào mình là đấng nam nhi, thì phải sống cho ra sống, mong muốn làm nên điều lạ (yếu hi kì). Không thể sống một cách thụ động để cho trời đất (càn khôn) tự chuyển dời một cách vô vị. Câu thơ thể hiện một tư thế, một tâm thế rất đẹp về chí nam nhi, tự tin ở đức độ và tài năng của mình, muốn làm nên sự nghiệp to lớn, xoay chuyển trời đất, như ông đã nói rõ trong một bài thơ khác:

"Dang tay ôm chặt bồ kinh tế,  

Mở miệng cười tan cuộc oán thù".

Gắn câu thơ với sự nghiệp cách mạng vô cùng sôi nổi của Phan Bội Châu, ta mới cảm nhận được cái khí anh hùng của nhà chí sĩ vĩ đại. Đấng nam nhi muốn làm nên điều lạ ở trên đời, từng nung nấu và tâm niệm theo một vần thơ cổ:

"Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,  

Lập thân tối hạ thị văn chương".  

(Tuỳ viên thi thoại – Viên Mai)

(Bữa bữa những mong ghi sử sách,  

Lập thân xoàng nhất ấy văn chương).

Đấng nam nhi muốn làm nên điều lạ ở trên đời ấy có một bầu máu nóng sôi sục: "Tôi được trời phú cho bầu máu nóng cũng không đến nỗi ít, lúc còn bé đọc sách của cha tôi, mỗi khi đến những chỗ nói người xưa chịu chết để thành đạo nhân, nước mắt lại đầm đìa nhỏ xuống ướt đẫm cả giấy…" (Ngục trung thư).

Phần thực, ý thơ mở rộng, tác giả tự khẳng định vai trò của mình trong xã hội và trong lịch sử:

"Ư bách niên trung tu hữu ngã,  

Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ".

Ngã là ta, tu hữu ngã nghĩa là phải có ta trong cuộc đời một trăm năm (bách niên trung). Câu thơ khẳng định niềm tự hào lớn lao của kẻ sĩ trong cảnh nước mất nhà tan. Thiên tải hậu nghìn năm sau, là lịch sử của đất nước và dân tộc há lại không có ai (để lại tên tuổi) ư? Hai câu 3, 4 đối nhau, lấy cái phủ định để làm nổi bật điều khẳng định. Đó là một ý thơ sâu sắc thể hiện vai trò cá nhân trong lịch sử: sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó. Ý tưởng đẹp đẽ này kế thừa những tư tưởng vĩ đại của các vĩ nhân trong lịch sử: "Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng" (Trần Quốc Tuấn).

"Nhân vinh tự cổ thuỷ vô tử  

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh".  

(Văn Thiên Tường)

Lấy cái hữu hạn – bách niên – của một đời người đối với cái vô hạn – thiên tải – của lịch sử dân tộc, Phan Bội Châu đã tạo nên một giọng thơ đĩnh đạc, hào hùng, biểu lộ quyết tâm và khát vọng trong buổi lên đường. Vì thế, trên bước đường cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua muôn vàn thử thách và hiểm nguy, ông vẫn bất khuất, lạc quan:

"Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp,  

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu!"  

(Cảm tác trong nhà ngục Quảng Đông)

Phần luận, tác giả nói về sống và chết, nói về công danh. Đây là một ý tưởng rất mới khi soi vào lịch sử dân tộc những năm đen tối dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Khi non sông đã chết, bị ngoại bang xâm chiếm, giày xéo thì thân phận dân ta chỉ là kiếp ngựa trâu, có sống cũng nhơ nhuốc nhục nhã. Trong hoàn cảnh ấy, có nấu sử nghiền kinh, có chúi đầu vào con đường khoa cử cũng vô nghĩa. Sách vở của thánh hiền liệu còn có ích gì trong sự nghiệp cứu nước nhà:

"Non sông đã chết, sống thêm nhục,  

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!"

Phan Bội Châu đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Ông nói bằng tất cả nhiệt huyết và chân thành. Ông nhắc nhở mọi người phải đoạn tuyệt với lối học cử tử, không thể đắm chìm trong vòng hư danh, mà phải hăm hở đi tìm lý tưởng cao cả. Trong bài "Bài ca chúc tết thanh niên" viết vào dịp Tết năm 1927, cụ thiết tha kêu gọi thanh niên:

"Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi  

Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần  

Đừng ham chơi, đừng ham mặc, ham ăn  

Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa  

Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ…"

Sống như thế là sống đẹp. Sống như thế mới mong làm nên điều lạ ở trên đời, mới tự khẳng định được: Trong khoảng trăm năm cần có tớ.

Phần kết là kết tinh của một hồn thơ bay bổng, đượm sắc lãng mạn:

"Nguyệt trục trường phong Đông hải khứ,  

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi".

Thơ văn Phan Bội Châu là thơ văn tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước, khêu gợi lòng căm thù giặc. Thơ văn Phan Bội Châu trở thành những bài ái quốc vì thấm đượm cảm xúc, sôi sục nhiệt huyết, có nhiều hình tượng đẹp nói về cảm hứng yêu nước và lý tưởng anh hùng. Hai câu kết là một ví dụ hùng hồn: trường phong – ngọn gió dài, thiên trùng bạch lãng – ngàn lớp sóng bạc, là hai hình tượng kỳ vĩ. Chí khí của người chiến sĩ cách mạng được diễn tả qua các vị ngữ nguyện trục (mong đuổi theo) và nhất tề phi (cùng bay lên). Không gian mênh mông mà nhà chí sĩ mong vượt qua là Đông Hải. Hai thanh trắc cho âm điệu cất lên, bay lên. Âm hưởng bổng trầm ấy cũng góp phần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ lên đường cứu nước của Phan Bội Châu. Ở đây, nội lực, bản lĩnh chiến đấu và khẩu khí của người chiến sĩ có sự hòa hợp, gắn bó và thống nhất. Sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu đã cho hậu thế biết rõ và cảm phục điều tiên sinh đã nói ở hai câu kết.

"Xuất dương lưu biệt" là bài thơ tuyệt tác đầy tâm huyết. Bài thơ là tiếng nói tự hào của nhà chí sĩ giàu lòng yêu nước, thương dân, dám xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một giọng thơ đĩnh đạc, hào hùng. Tráng lệ nhất là ở hai câu kết. Bài thơ thể hiện sâu sắc cảm hứng yêu nước và lý tưởng anh hùng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu.

Dàn ý phân tích Lưu biệt khi xuất dương

1. Mở bài

Trình bày khái quát những nét chủ yếu nhất về cuộc đời và sự nghiệp Phan Bội Châu: Đôi nét về cuộc đời hoạt động cách mạng và sự nghiệp văn chương…

Giới thiệu khái quát nội dung và nhấn mạnh tầm quan trọng của bài thơ Lưu biệt khi xuất dương: Bài thơ ấy là tiêu biểu cho tinh thần yêu nước của chính tác giả

2.Thân bài

Phân tích hai câu thơ đầu (hai câu đề): Quan niệm về chí làm trai của Phan Bội Châu

+ Tác giả nêu lên quan niệm mới: là đấng nam nhi phải sống với khát vọng, mong muốn làm nên điều kì lạ : “ yếu hi kì”, không cam chịu để cho trời đất xoay chuyển mình.

⇒ Tư thế, một tâm thế đẹp về chí nam nhi phải tin tưởng ở mức độ và tài năng của mình ⇒ Tuyên ngôn về chí làm trai.

Hai câu thực: Khẳng định ý thức trách nhiệm của cá nhân trước thời cuộc

+ Câu 3: “Tu hữu ngã” (phải có trong cuộc đời) → ý thức trách nhiệm của cái tôi cá nhân trước thời cuộc, ý thức rõ vai trò, tầm quan trọng của cá nhân đối với vận mệnh trăm năm. Điều này đối lập với sự tự cao cá nhân.

+ Câu 4: Tác giả lại chuyển giọng nghi vấn “cánh vô thùy” (há không ai?) ⇒khẳng định cương quyết hơn khát vọng sống hiển hách, phi thường, phát huy hết tài năng trí tuệ dâng hiến cho đời.

→ Ý thức sâu sắc thể hiện vai trò cá nhân trong lịch sử: sẵn sàng gánh vác mọi trách nhiệm mà lịch sử giao phó.

Hai câu luận : Quan niệm về nguyên tắc hành xử mới của Phan Bội Châu trước vận mệnh đất nước

+ Tình cảnh đất nước: “Non sống đã chết”, đất nước đã rơi vào tay giặc

+ Quan niệm mới mẻ, đối lập với các tín điều xưa cũ: ý thức về lẽ vinh nhục gắn với sự tồn vong của đất nước: “sống thêm nhục :

“Hiền thánh còn đâu cũng học hoài”

+ Người cách mạng cảm nhận sự tồn vong của mình trong mối quan hệ trực tiếp với sự tồn vong của dân tộc ⇒ hành động cởi mở, luôn tiếp thu những tư tưởng mới mẻ, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đối lập với quan điểm cứu nước trì trệ, lạc hậu của các nhà Nho đương thời.

Hai câu kết: Tư thế và khát vọng buổi lên đường

+ Tư thế lên đường của người chí sĩ thật sự hoành tráng:

“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ
Tiên trùng bạch lãng nhất tề phi”

+ Những hình tượng kì vĩ được sử dụng: “trường phong”- ngọn gió dài, lớn; “Thiên trùng bạch lãng” (ngàn lớp sóng bạc) ⇒ Tư thế hiên ngang, mong muốn lớn lao mang tầm vũ trụ của người cách mạng.

⇒ Tầm vóc của ý chí con người đã lớn lao hơn, không cam chịu trói mình trong khuôn khổ, vượt ra ngoài vòng kiểm tỏa

III. Kết bài

Khái quát về những nét đặc sắc nghệ thuật đem lại thành công cho tác phẩm.

Khẳng định lại nội dung tư tưởng của tác phẩm và liên hệ về ý chí, khát vọng của con người trong thời đại hiện nay

Phân tích Lưu biệt khi xuất dương chọn lọc nâng cao

Mẫu số 1

Phan Bội Châu (1867-1940) là một nhà yêu nước và cách mạng vĩ đại, luôn cháy bỏng với khát vọng tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc. Dù sở hữu tài năng văn chương xuất chúng, ông không coi đó là sự nghiệp chính, mà dùng nó để cổ vũ cách mạng và đấu tranh cho tự do, giải phóng dân tộc khỏi cảnh lầm than. Tinh thần yêu nước của ông được thể hiện rõ trong tác phẩm "Lưu biệt khi xuất dương" (1905), viết bằng chữ Hán và theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Dù mang hình thức cổ điển, tác phẩm lại chứa đựng khí chất và cảm hứng hiện đại, phản ánh lý tưởng sống cao cả và phẩm chất anh hùng của tác giả. Phan Bội Châu không bắt đầu bài thơ bằng những lời chia tay xúc động, mà bằng những câu thơ tràn đầy lý tưởng và hoài bão của một con người đang khao khát làm chủ vũ trụ và thay đổi thế giới.

“Làm trai phải lạ ở trên đời

Há để càn khôn tự chuyển dời”

(Sinh vi Nam tử yếu hi kì

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển đi )

Hai câu thơ thể hiện một lý tưởng cao đẹp của con người, nhấn mạnh sự cần thiết phải làm chủ lịch sử và chủ động đối mặt với hoàn cảnh. "Làm trai" không chỉ là khẳng định chí khí của thanh niên mà còn đòi hỏi phải sống khác biệt, tạo dựng sự nghiệp vĩ đại để lại tiếng thơm cho đời và mang lại cuộc sống ấm no cho đất nước, không thể sống một cuộc đời tầm thường và ích kỷ. Trước Phan Bội Châu, nhiều bậc trí thức đã đề cập đến chí làm trai với lòng nhiệt huyết, như Phạm Ngũ Lão với câu thơ “Nam nhi vị liễu công danh trái / Tu thỉnh nhân gian thuyết Vũ hầu”. Tuy nhiên, hai câu thơ của Phan Bội Châu vừa như một câu hỏi tu từ khẳng định chí khí nam nhi giữa trời đất, vừa là lời thách thức cho rằng đấng nam nhi không thể đứng ngoài quan sát vũ trụ tự xoay chuyển mà không hành động. Hai câu thơ không chỉ thể hiện một lối sống cao cả và tiến bộ mà còn mang vẻ đẹp khí phách của một chí sĩ sẵn sàng đối mặt với vũ trụ, và khí phách này càng được làm rõ trong các câu thơ tiếp theo.

“Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai?”

Nhân vật trữ tình nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với đồng loại và vũ trụ rộng lớn. Trong khoảng thời gian "trăm năm", có một nhu cầu cấp thiết về những người sẵn sàng phục vụ cách mạng và các lý tưởng cao đẹp để mang lại sự bình yên cho cộng đồng. "Trăm năm" ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho cả cuộc đời, và tác giả cảm thấy trách nhiệm phải đóng góp điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống hiện tại. Cái tôi của tác giả chứa đựng sự trách nhiệm sâu sắc, nhấn mạnh rằng mỗi người phải hành động và không thể trông chờ vào người khác. Điều này phản ánh một lịch sử liên tục, với sự đóng góp của nhiều thế hệ. Câu hỏi "Sau này muôn thuở há không ai?" không chỉ là sự tự thách thức mà còn là niềm tin vào thế hệ mai sau sẽ tiếp tục tạo dựng một tương lai tươi đẹp cho đất nước. Giọng thơ mang phong thái dũng cảm và niềm tin vững chắc của nhân vật trữ tình, đồng thời khẳng định vai trò cá nhân và khuyến khích những người yêu nước dấn thân vào cuộc hành trình cứu nước.

Cái chết vinh quang hay cuộc sống tủi nhục lại được nhân vật trữ tình thể hiện trong hai câu tiếp theo:

Non sông đã chết sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.

Câu thơ thể hiện nỗi đau và sự xót xa của tác giả. Khi dân tộc mất tự do và chủ quyền bị xâm phạm, việc học tập văn chương cử tử không còn là ưu tiên hàng đầu. Câu thơ không chỉ trích hay bài xích việc học đạo thánh hiền, mà chỉ nhấn mạnh sự cần thiết phải thích ứng với thời cuộc. Trong bối cảnh nước mất nhà tan, dân chúng chịu đựng cảnh nghèo đói và đạo đức xã hội suy đồi, những người có trách nhiệm với dân tộc phải đối mặt với nỗi đau này. Nghệ thuật đối lập được sử dụng một cách khéo léo, kết hợp sự sống chết, công danh cá nhân với vận mệnh của đất nước. Hình ảnh này không chỉ phản ánh sự nhận thức sâu sắc về thời cuộc mà còn thể hiện khí phách hào hùng của người nam nhi, khi lòng nhiệt huyết muốn cứu vớt dân tộc khỏi kiếp sống khốn khổ đang ngấm vào từng phần cơ thể ông.

“Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.”

Nhân vật trữ tình trong bài thơ đang sẵn sàng cho cuộc hành trình cứu nước với tinh thần quyết tâm. Từ những cảm xúc tủi hổ, day dứt của hai câu thơ trước, nhà thơ chuyển sang trạng thái hào hứng, chuẩn bị bước lên thuyền ra khơi. Hình ảnh "cánh gió" và "sóng bạc" mang vẻ đẹp lãng mạn về những thử thách phía trước, được khắc họa bằng giọng thơ hào hùng và bay bổng. Nhân vật trữ tình không coi sóng gió là trở ngại, mà xem đó là cơ hội để khẳng định sức mạnh và nhiệt huyết của mình. Tinh thần cứu nước đã vượt lên mọi lo âu, tạo nên một khí thế ra đi mạnh mẽ và đầy quyết tâm. Hình ảnh kết thúc bài thơ thể hiện rõ tư thế ra đi dũng mãnh, với sự kỳ vọng vào con đường đã chọn. Bài thơ không chỉ là lời chia tay, mà còn là một tiếng gọi mạnh mẽ tới những lý tưởng cách mạng, khuyến khích thế hệ thanh niên yêu nước. Nhân vật trữ tình là hình mẫu lý tưởng của một nhà nho tiến bộ đầu thế kỷ XX, với lý tưởng cứu nước, khát vọng sống và niềm tin vào một tương lai tươi sáng. Những hình ảnh vũ trụ bao la càng làm nổi bật vẻ đẹp lãng mạn và hào hùng của chí sĩ Phan Bội Châu.

Mẫu số 2

Sau khi tham gia sáng lập Duy Tân Hội vào đầu năm 1905, Phan Bội Châu được giao nhiệm vụ sang Trung Quốc và Nhật Bản theo chủ trương của tổ chức. Mục tiêu là khởi động phong trào Đồng du, thiết lập cơ sở đào tạo các cốt cán cách mạng trong nước, và kêu gọi Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam chống lại thực dân Pháp. Khi đó, đất nước đã mất chủ quyền và phong trào Cần vương đã tàn lụi, chứng tỏ sự bế tắc của con đường cứu nước theo tư tưởng phong kiến. Thời cuộc đòi hỏi phong trào giải phóng dân tộc phải đổi mới về phương hướng, nội dung và hình thức hoạt động. Phan Bội Châu, lúc này còn trẻ (38 tuổi), đại diện cho thế hệ cách mạng mới, quyết tâm vượt qua các giáo lý đã lỗi thời để đón nhận tư tưởng tiên phong, tìm ra hướng đi mới cho sự nghiệp khôi phục quốc gia. Phong trào Đông du được khởi đầu với bao hy vọng. Bài thơ "Lưu biệt khi xuất dương" được viết trong bữa cơm Tết do Phan Bội Châu tổ chức tại nhà mình để chia tay các đồng chí trước khi lên đường. Sau đó, bài thơ được đăng trên Bình sự tạp chí (Hàng Châu, Trung Quốc) số 34 (2-1917) dưới nhan đề "Đông du kí trư đồng chí" (Gửi các đồng chí khi Đông du) với một số chỉnh sửa so với bản trước đó.

Dù tài năng văn học xuất sắc, Phan Bội Châu không xem văn chương là mục tiêu chính của đời mình. Ông chỉ dùng nó như một công cụ để khuyến khích người đời, đặc biệt là thanh niên, đứng dậy làm cách mạng, cứu nước. Chính vì vậy, sáng tác của ông luôn mang âm hưởng mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đấu tranh. Bài thơ "Lưu biệt khi xuất dương" là một ví dụ điển hình cho sự kích thích này.

Bài thơ được mở ra không phải với những tình cảm bịn rịn, nhớ nhung. Hiện lên lồ lộ là lí tưởng và hoài bão của một con người đang quyết xoay chuyển càn khôn, vũ trụ:

Sinh vi nam tử yếu hi kì,

Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.

(Làm trai phải lạ ở trên đời,

Há để càn khôn tự chuyển dời.)

Lưu biệt thường là cách để người ra đi để lại cho người tiễn biệt một thông điệp, lời dặn dò hoặc bài thơ trước khi bắt đầu hành trình dài. Trong trường hợp này, bài thơ chính là một lời dặn dò và khích lệ. Nhà thơ nhận thức rằng cả người ở lại và người ra đi đều cần có niềm tin, dù không phải vào kết quả cụ thể của hành động, thì cũng phải vào sự đúng đắn của con đường mình đã chọn. Quan niệm về chí làm trai của các nhà nho xưa cũng được nhắc lại trong tinh thần này. Những gì nhà thơ trình bày không hoàn toàn mới mẻ; trước Phan Bội Châu, nhiều người ưu tú đã nói về chí làm trai với nhiệt huyết cháy bỏng và ngôn từ ấn tượng. Câu thơ đầu tiên của Phan Bội Châu, có thể thấy, tiếp nối từ câu chữ Hán mở đầu bài "Chí nam nhi" của Nguyễn Công Trứ: "Thông minh nhất nam tử — Yếu vi thiên hạ kì" (Một người trai thông minh phải làm được những việc khiến thiên hạ phải thấy kì lạ). Vấn đề không phải là tính độc đáo của tư tưởng mà là mục đích phát biểu tư tưởng trong hoàn cảnh cụ thể. Khi nêu lên tín niệm của các trang nam tử, Phan Bội Châu thực chất đang tự nhắc nhở và chất vấn chính mình: không lẽ để trời đất tự xoay vần, còn mình đứng ngoài không can dự? Đây vừa là câu hỏi, vừa là lời đáp, tạo ra một không khí dồn nén và thúc giục rõ rệt trong thi phẩm. Mỗi chữ, mỗi lời đều gắn chặt vào tâm trí người đọc, khiến họ không thể lảng tránh vấn đề mà nhà thơ đặt ra một cách sâu sắc.

Hai câu tiếp theo của bài thơ vẫn đi theo mạch đó:

Ư bách niên trung tu hữu ngã,

Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy.

(Trong khoảng trăm năm cần có tớ,

Sau này muôn thuở, há không ai?)

Câu thơ đầu tiên không chỉ đơn thuần khẳng định sự hiện diện của nhân vật trữ tình trong thế gian, mà còn chứa đựng một tâm niệm sâu sắc: sự có mặt của ta không phải là sự kiện ngẫu nhiên hay vô ích; do đó, ta phải thực hiện một điều gì đó có ý nghĩa cho đời. Câu thơ tiếp theo có thể diễn đạt rằng: lẽ nào ngàn năm sau không có ai tiếp tục công việc của người trước? Qua đó, hai câu 3-4 thể hiện rõ cái tôi đầy trách nhiệm của nhà thơ: nhận thức rõ việc cần làm và không dựa dẫm vào ai khác. Cái tôi ấy nhận thấy lịch sử là một dòng chảy liên tục, có sự tham gia của nhiều thế hệ. Đây là điểm mới trong tư tưởng của Phan Bội Châu so với nhiều bậc tiền bối, những người thường nhìn lịch sử như một vòng tuần hoàn khép kín và dễ rơi vào tuyệt vọng khi đại nghiệp không thành. Phan Bội Châu hoàn toàn ý thức được những khó khăn trong sự nghiệp cứu nước mà ông đảm trách, nhưng điều đó không làm ông dao động. Ông tin không chỉ vào bản thân mà còn vào những thế hệ tiếp theo. Tính cách và tư tưởng của ông như vậy. Do đó, khi nhìn lại cuộc đời, dù có phần cay đắng, Phan Bội Châu vẫn có thể nói một cách chân thành và vô tư: "Chúc phường hậu tử tiến mau!" (Từ giã bạn bè lần cuối – 1940). Hiểu các câu thơ theo cách này, ta thấy rõ sự khác biệt giữa từ “tớ” trong bản dịch và “ngã” trong nguyên tác. Phan Bội Châu không phải là người tự mãn; ông phát ngôn thay cho những người yêu nước và những người làm trai trong cuộc đời.

Bốn câu đầu của bài thơ tập trung vào những quan điểm về chí làm trai, mặc dù qua chúng, người đọc vẫn cảm nhận được nỗi bức xúc của tác giả. Đến hai câu 5-6, nỗi bức xúc này được thể hiện rõ ràng hơn qua việc nhà thơ mô tả tình trạng thảm thương của đời sống lúc bấy giờ.

Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,

Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!

(Non sông đã chết, sống thêm nhục,

Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!)

Những câu thơ này thật sự chứa đựng nỗi đau sâu sắc. Đau đớn vì mất nước, đau đớn vì sự tồn tại nhục nhã khi dân tộc lâm vào cảnh tăm tối. Đau đớn vì những kiến thức và học vấn mà bản thân từng theo đuổi giờ trở nên vô nghĩa và lạc lõng…

Dưới ảnh hưởng của Tân thư (những sách báo tuyên truyền tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây, cải cách xã hội theo mô hình Âu-Mỹ, được dịch hoặc viết bằng Hán văn từ Trung Quốc), Phan Bội Châu không hoàn toàn từ bỏ Nho giáo nhưng đã không còn giữ thái độ sùng kính đối với nó. Ông quyết định từ bỏ những gì không còn hữu ích cho sự nghiệp cứu nước. Đây chính là tiêu chuẩn mà ông dùng để đánh giá mọi vấn đề xã hội và hành xử của các sĩ phu thời bấy giờ.

Nguyễn Khuyến từng than thở: "Sách vở ích gì cho buổi ấy – Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già" (Ngày xuân dặn các con). Câu thơ này thể hiện sự chiêm nghiệm, sự tủi thân và nghi ngờ về giá trị của học vấn trong bối cảnh đất nước bị xâm lược (mà ông gọi bóng gió là ngày loạn). Đối với Phan Bội Châu, sự nghi ngờ này không chỉ dừng lại ở mức độ. Với tình hình đất nước lúc ông ra đi, và với tính cách mạnh mẽ, tràn đầy nhiệt huyết, ông đưa vào bài thơ của mình những từ ngữ mạnh mẽ và phủ định: tử hĩ (chết rồi), nhuế (thừa), si (ngu). Những từ này không chỉ làm cho bài thơ trở nên ấn tượng mà còn phản ánh cốt cách mạnh mẽ của tác giả. Các từ nhục và hoài trong bản dịch chưa truyền đạt đầy đủ sự mạnh mẽ của các từ nhuế và si trong nguyên tác.

Phải hành động, phải hành động – tự mạch thơ toát lên lời giục giã. Hai câu cuối đến như một cơn gió mạnh, bốc nhà thơ thoát khỏi những tủi thẹn, day dứt, đau buồn. Việc lạ (kì) mà nhân vật trữ tình nung nấu thực hiện được khởi đầu từ điểm này chăng:

Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,

Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

(Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)

Người quen thuộc với phong trào Đông du sẽ nhận thấy sự hợp lý khi nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh Đông hải và thiên trùng bạch lãng. Nhật Bản – niềm hy vọng mới của các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu – nằm ở phía đông, giữa biển cả, xa xôi cách nước ta hàng ngàn dặm. Do đó, việc ra đi sang Nhật đồng nghĩa với việc vượt biển. Tuy nhiên, trong hai câu thơ, các hình ảnh chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng. Việc dịch câu thơ không hoàn toàn bám sát nguyên tác, đã biến một khát vọng, một dự cảm thành sự tường thuật thực tế, do đó chưa truyền tải được sự hào hùng, niềm hăng hái cùng trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ. Tâm trạng và tư thế của nhân vật trữ tình là sự sẵn sàng lao vào một lĩnh vực mới mẻ, đầy năng lượng; hình ảnh bay lên giữa sóng gió đại dương hay cùng những đợt sóng trào sôi bỗng dưng hiện lên trong tâm trí.

Trong bài thơ, có nhiều từ và cụm từ chỉ các đại lượng không gian, thời gian lớn cùng hình ảnh vĩ đại như càn khôn, giang sơn, hách niên trung, thiên tải hậu, Đông hải, trường phong, thiên trùng bạch lãng,… Các bài thơ như Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão, Nỗi lòng của Đặng Dung, Chim trong lồng của Nguyễn Hữu Cầu cũng sử dụng bối cảnh vũ trụ đặc trưng. Như vậy, bối cảnh vũ trụ không phải là hiện tượng hiếm gặp trong thơ trung đại, bởi con người trong thơ xưa thường được đặt trong bối cảnh vũ trụ rộng lớn. Tuy nhiên, trong bài Lưu biệt khi xuất dương, bối cảnh này làm nổi bật những phẩm chất đặc trưng của nhân vật trữ tình: tự tin, dám đối mặt với trời đất, ý thức về vinh nhục trong cuộc đời, khát vọng khẳng định cái tôi qua hành động vì đất nước. Tóm lại, chính bối cảnh vũ trụ đã làm cho chí "vá trời lấp biển" của nhà thơ trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết.

Lưu biệt khi xuất dương không chỉ là bài thơ từ biệt mà còn là bài thơ khuyến khích lên đường. Nó hoàn toàn xứng đáng với tầm vóc của một con người được cả dân tộc ngưỡng mộ và tin tưởng trong thời điểm lịch sử ấy.