BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải thể hiện tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng cống hiến của tác giả. Qua hình ảnh mùa xuân tươi đẹp, thơ ca truyền tải thông điệp về sự sống, niềm tin và ý nghĩa lớn lao của những đóng góp nhỏ bé trong cuộc đời.

Lắng nghe…

Khúc nhạc mùa xuân vang vọng

Nhìn ngắm…

Sắc xuân lung linh tràn đầy đất trời.

Xuân về đánh thức ngàn cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Xuân đến còn đánh thức nguồn cảm xúc vô tận của thi nhân. Lắng nghe, ta cảm nhận sắc xuân, tình xuân hòa quyện trong vũ điệu giao mùa, trong tâm hồn Thanh Hải để “Mùa xuân nho nhỏ” ra đời. Bài thơ giản dị, sâu lắng ôm trọn tâm hồn đôn hậu, yêu cuộc sống của nhà thơ.

“Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải viết vào tháng 11 năm 1980, ngay trên giường bệnh và ít lâu sau, nhà thơ ra đi mãi mãi. Ở giữa mùa đông giá rét của xứ Huế, đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết, nhưng trái tim nhà thơ không nguội lạnh. Ngược lại, tâm hồn thi nhân bừng sức sống để cảm nhận sâu sắc một mùa xuân nồng ấm tình người, khiến ngòi bút nở hoa để một “Mùa xuân nho nhỏ” ấm áp ra đời, trước thiên nhiên, con người, cuộc sống.

Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm mới, là mùa muôn hoa đua nở mang đến hương sắc, sức sống, tình yêu, hạnh phúc. Trước vẻ đẹp kỳ diệu của mùa xuân, các thi nhân đều cảm nhận bằng mắt trìu mến. Mùa xuân hiện ra với muôn vàn sắc màu rực rỡ:

“Cỏ xanh như khói bến xuân tươi

Lại có mưa xuân nước vỗ trời.”

(Nguyễn Trãi)

Vũ điệu mùa xuân rót vào tâm hồn Thanh Hải niềm cảm xúc dâng trào. Đơn sơ, lặng lẽ, mùa xuân hiện về tràn đầy sức sống:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc.”

Giản dị mà ấm áp! Thanh Hải khéo chọn bức tranh xuân với gam màu ấm áp, dịu dàng, trang nhã. Một màu xanh của dòng Hương Giang mênh mông, êm đềm, một màu tím biếc của bông hoa nhỏ bé. Sự sắp xếp cân đối hài hòa, cái lớn lao không lấn át cái nhỏ bé. Màu xanh của dòng sông làm nền cho sắc tím của hoa nổi bật. Chỉ vài nét phác thảo, Thanh Hải đã vẽ nên bức tranh xuân thơ mộng. Biện pháp đảo ngữ “mọc giữa dòng sông xanh” tô đậm hình ảnh bông hoa tím nhỏ bé mà đầy sức sống, vươn lên trong điều kiện khắc nghiệt để hòa cùng vạn vật giữa vũ trụ bao la. Hình ảnh thơ nhẹ nhàng, thanh thoát, màu hoa tím biếc xuôi dòng Hương Giang thơ mộng, quyến rũ! Một màu tím đặc trưng của con người xứ Huế mộng mơ, trầm tư, cổ kính.

Trong không gian tĩnh lặng của mùa xuân bị khuấy động bởi âm thanh ngân vang đầy trìu mến chứa niềm vui rộn rã:

“Ơi! Con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.”

Mùa xuân không chỉ với sắc màu hài hòa mà bức tranh xuân nhộn nhịp với tiếng chim hót vang trời chào đón ngày mới. Không gian tươi vui làm xao động tâm hồn nhạy cảm của thi nhân. Thanh Hải lắng nghe tiếng chim chiền chiện cao vút trong không trung. Từ “Ơi” như lời thốt lên ngạc nhiên thích thú, như nốt nhạc ngân vang trong bản trường ca mùa xuân vô tận. Tiếng chim hót như rót vào tâm hồn nhà thơ niềm trìu cảm. Tâm hồn nhà thơ ngập niềm vui để ngôn từ thốt lên “hót chi mà” như lời trách yêu thân thương. Tiếng chim chiền chiện hát vang như nốt thăng rộn rã của mùa xuân. Tiếng hát kéo dài, ngân nga rồi lan tỏa hòa quyện vào bầu trời xuân. Trong dòng cảm xúc tuôn trào trước mùa xuân, Thanh Hải cảm nhận hơi thở nồng ấm, hương vị ngọt ngào, sắc xuân tình xuân chan chứa:

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.”

Nhà thơ đón nhận mùa xuân bằng thị giác, thính giác và cả xúc giác. Nhà thơ đưa tay hứng từng giọt gì đang long lanh rơi? Giọt sương? Hay giọt nắng? Hay giọt âm thanh của tiếng chim? Chính là giọt mùa xuân, giọt hạnh phúc của tình đời thắm cả đất trời, hòa vào tâm hồn thi sĩ. Thanh Hải xòe tay ra để cảm nhận hương vị ngọt ngào của mùa xuân bằng thái độ trân trọng, nâng niu. Tác giả cụ thể hóa từng giọt mùa xuân như chan hòa vào lòng đất mẹ để muôn hoa khoe sắc, sức sống dâng trào, tâm hồn con người tràn ngập niềm vui.

Trong vũ điệu của mùa xuân, không chỉ thấy vẻ đẹp quyến rũ của mùa xuân thiên nhiên mà còn mùa xuân trẻ trung, sôi nổi của con người Thanh Hải. Hai hình ảnh cụ thể, tiêu biểu của đất nước là người lính và người nông dân:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.”

Hình ảnh lộc non biểu tượng cho sức sống mới. Lộc của lính là cành lá ngụy trang. Những cành lá ngụy trang biến thành lộc đầu mùa theo từng bước chân người lính. Lộc mà người chiến sĩ mang đến là xương máu, công sức bảo vệ mùa xuân thanh bình của dân tộc. Người lính biểu trưng cho người bảo vệ Tổ quốc, người nông dân tiêu biểu cho công cuộc xây dựng đất nước. Bàn tay người nông dân “lộc trải dài nương mạ” tô điểm cho mùa xuân đất nước. Đôi bàn tay kỳ diệu vẽ nên những mảng xanh của niềm tin, hy vọng. Lộc của người nông dân là mồ hôi, bát cơm gạo, cơm no áo ấm. Người cầm súng, người ra đồng là hình ảnh tiêu biểu cho những người cống hiến để làm nên mùa xuân Tổ quốc.

Giai điệu rộn rã của mùa xuân, nhịp sống con người hối hả hơn, xôn xao hơn:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao.”

Tâm hồn con người hòa quyện vào thiên nhiên, giai điệu mùa xuân. Điệp từ “tất cả” nhấn mạnh nhịp điệu cuộc sống, mùa xuân. Lời thơ thể hiện niềm hân hoan, rung động trong tâm hồn tác giả. Các cặp từ láy “hối hả”, “xôn xao” gợi cảm, gợi hình, nhịp điệu khẩn trương, phấn khởi, rộn rã, tưng bừng khơi gợi niềm vui trong lòng người.

Âm hưởng mùa xuân tràn ngập thiên nhiên, hòa vào tâm hồn con người niềm rung động. Bất giác Thanh Hải nghĩ đến quê hương đất nước, âm hưởng thơ trầm buồn, sâu lắng:

“Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.”

Giai điệu trầm lắng suy tư, câu thơ đưa ta trở về quá khứ bốn ngàn năm lịch sử. Trải dài suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, Tổ quốc trải qua bao biến động. Từ buổi đầu dựng nước đã đứng trước nguy cơ xâm lược. Câu chuyện mang màu sắc huyền sử về Thánh Gióng, cậu bé làng Phù Đổng cất tiếng nói đầu tiên là tiếng nói yêu nước. Một ngàn năm nô lệ cho phong kiến phương Bắc đầy đau thương, tủi nhục. Năm 938, chiến thắng oanh liệt của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ. Những vần thơ trầm lắng suy tư như gợi nhớ thời kỳ đau thương mà anh dũng. Thời kỳ ấy sản sinh những người con trưởng thành từ đất mẹ đầy gian nan, vất vả nhưng luôn giành chiến thắng:

“Đất nghèo nuôi những anh hùng

Chìm trong máu chảy lại vùng đứng lên.”

(Nguyễn Đình Thi)

Đã qua bao cuộc biến động lịch sử, đất nước, con người Việt Nam vẫn kiên cường anh dũng, hiên ngang vượt qua thử thách. Từ “cứ” vang lên như lời khẳng khái hùng hồn, ni