Phân tích Tấm Cám là truyện thuộc thể loại cổ tích thần kỳ với những đặc trưng là chứa đựng các yếu tố hoang đường, kì ảo giúp cho nhân vật chính.
Mở bài:
Cuộc sống ngày càng phát triển, con người cũng chạy theo nhiều thứ lợi nhuận mà làm mờ đi con mắt của tâm hồn, của đạo đức. Không ít kẻ đã bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những điều mình muốn, giống như mẹ con nhà Cám xưa kia trong câu chuyện cổ tích Tấm Cám đã hết lần này đến lần khác tước đi sự sống của Tấm để đoạt lấy ngôi vị Hoàng Hậu của cô.
Xuyên suốt câu truyện là sự đấu tranh quyết liệt giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu, mà đại diện là hai nhân vật Tấm và Cám. Cuộc đấu tranh ấy cho đến ngày nay vẫn còn đang diễn ra rất rắc rối trong xã hội. Có rất nhiều những quan điểm trái chiều nhau, làm cho mối quan hệ cái ác và cái thiện, giữa người tốt và kẻ xấu chỉ còn là cái ranh giới rất mong manh.
Thân bài:
Truyện Tấm Cám kể về cuộc đời bất hạnh của Tấm một cô bé mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tấm ở với dì ghẻ và người em cùng cha khác mẹ tên là Cám. Hai mẹ con họ hết lần này đến lần khác chèn ép, áp bức Tấm. Thân phận yếu đuối, Tấm chỉ biết ngậm ngùi vâng phục mà không hề phản kháng. Cũng may, tình thương của người xưa đã cho ông Bụt xuất hiện để giúp đỡ Tấm trong những lần tủi hờn, khóc lóc.
Cho đến khi Tấm được làm hoàng hậu, mẹ con Cám lại tìm mọi cách để giết chết Tấm, cho Cám thay vị trí của Tấm. Nhưng nhà vua chỉ yêu mình Tấm. Tấm chết, hóa thành chim vàng anh. Cám giết vàng anh, Tấm lại hóa thành cây xoan đào cho vua mắc võng hóng mát, thư giãn. Cám chặt cây làm khung cửi, khung cửi lên tiếng chửi rủa Cám.
Cám sợ quá đốt khung cửi. Chỗ Cám đổ tro mọc lên cây thị cao. Kỳ lạ, trên cây chỉ có duy nhất một quả thị. Thị được một bà cụ đi qua xin về để ngửi. Ngày ngày Tấm chui ra từ quả thị nấu nướng, quét dọn cho bà cụ. Một hôm bà rình Tấm ra rồi xé vỏ thị. Từ đó, hai bà cháu sống với nhau tình cảm như ruột thịt.
Tình cờ vua đi qua ghé vào chơi, vua nhận ra vợ mình sau bao nhiêu ngày xa cách, ngỡ như Tấm đã chết nhưng nay lại được đoàn tụ. Thấy chị trở về và xinh đẹp hơn xưa, Cám lân la hỏi chị bí quyết làm đẹp thì được Tấm bày cách cho. Tấm bảo Cám đào một cái hố sâu rồi nhảy xuống đó, Tấm dội nước sôi cho Cám chết. Xác Cám Tấm làm mắm gửi về cho mụ dì ghẻ ăn, mụ ăn ngon lành đến hết nhìn thấy cái đầu lâu mới hoảng hồn nhận ra con mình. Mụ lăn đùng ra chết.
Như vậy, câu truyện kết thúc với kết cục xứng đáng cho kẻ đã ác tâm hết lần này đến lần khác hãm hại Tấm. Người xưa đã xây dựng nên Tấm Cám với cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Thiện là những hành động, những suy nghĩ có tính tích cực, giúp ích cho người khác một cách chính đáng.
Ngược lại, ác nghĩa là làm hại người khác, gây tổn hại cả về người, về của và cả tinh thần của họ. Ở đây, người xưa đã để Tấm đại diện cho người tốt, còn hai mẹ con Cám là kẻ xấu với những hành động rất ác độc. Khi Tấm còn sống, họ đã hết lần này đến lần khác chèn ép Tấm.
Trong khi Cám được vui chơi thỏa thích, được mua quần áo mới, được ăn những món ngon thì Tấm lại phải làm lụng vất vả, ăn mặc rách rưới. Nhưng Tấm không hề phản kháng. Chỉ khi buồn tủi lắm Tấm mới khóc. Khi đó, Tấm lại được ông Bụt hiện lên giúp đỡ. Những tình tiết kỳ ảo trong truyện chính là tấm lòng lương thiện mà dân gian muốn làm để xoa dịu đi nỗi bất hạnh cho Tấm.
Mặt khác, đó cũng chính là quy luật của tự nhiên: Ở hiền gặp lành. Tấm ngoan ngoãn hiền thảo, dù không mạnh mẽ đấu tranh, và dù chỉ có một thân một mình đơn độc cùng một lúc bị cả hai mẹ con Cám ác độc hãm hại, nhưng với phẩm hạnh tốt đẹp, Tấm vẫn luôn là người chiến thắng.
Câu chuyện là sự phản ánh ước muốn, khát vọng cuộc sống bình yên của nhân dân giữa những kẻ gian ác, xảo quyệt đang ngày ngày hoành hành trong xã hội. Sự chiến thắng của Tấm thể hiện chân lý: cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác. Dù kết thúc câu chuyện, sự trả thù của Tấm đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều, có người cho rằng Tấm còn ác hơn cả Cám khi đã lấy xác Cám làm mắm gửi về cho dì ghẻ ăn.
Nhưng khi đặt câu chuyện trong hoàn cảnh xã hội xưa ta sẽ thấy kết thúc ấy hoàn toàn hợp lý. Vì sự ác độc của mẹ con Cám không phải chỉ có một lần dành cho Tấm. Bọn họ đã hết lần này đến lần khác giết hại Tấm. Chỉ cần biết Tấm vẫn còn sống thì dù Tấm có hóa thân thành gì đi nữa họ cũng giết cho bằng được, nhất quyết không thể để Tấm tồn tại. Vì thế, họ rất đáng phải trả một cái giá đắt cho những hành động nghịch lý của mình.
Nhưng trên thực tế, rất nhiều người hiền lành, lương thiện đã không thể chống lại được kẻ ác. Nhất là khi xã hội phong kiến kẻ cầm quyền cầm cả quyền sống của nhân dân. Bọn chúng bắt ai chết thì người đó phải chết. Và cũng thật đau đớn khi thực tế không có sự hóa thân thành vật nọ vật kia giống như Tấm sau khi chết biến thành chim vàng anh hay khung cửi…
Cũng không có ông Bụt nào có thể hiện lên để cứu giúp nhân dân giống như cứu giúp Tấm. Câu chuyện chỉ là sự khát vọng của người xưa. Nếu Tấm không có Bụt giúp đỡ, nàng cũng đã sớm chết dưới bàn tay ác nghiệt của mẹ con Cám.
Ngày nay, dù chế độ phong kiến không còn, dù mọi người sống hòa bình độc lập. Nhưng cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu vẫn chưa lúc nào nguôi. Thậm chí, nó còn âm ỉ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Ngay trong gia đình giữa những người thân ruột thịt với nhau cũng có. Nhất là với những gia đình giàu có, nhiều của cải. Không ít những đứa con đã bất hiếu tranh chấp tài sản, đánh lộn chửi bới lẫn nhau ngay khi bố mẹ vừa nhắm mắt qua đời.
Có những đứa con dẫm đạp lên mồ hôi công sức bao ngày lặn lội vất vả sớm khuya của cha mẹ để lao vào những cuộc vui, những cuộc chơi vô bổ. Chúng tàn phá cả thân mình bằng thuốc phiện, bằng gái mại dâm… Con phụ cha mẹ, vợ chồng phụ nhau, hàng xóm giết nhau, anh em lừa đảo nhau, bạn bè hãm hại nhau… rất rất nhiều những trường hợp éo le xảy ra trong xã hội này.
Trong đó, không phải lúc nào người tốt cũng là người chiến thắng. Mà người mạnh mới là người chiến thắng. Thế nên, không ít kẻ đã chết oan, đã bị hiểu lầm… Mới đây nhất, đã có một số vụ án bị xử oan, khiến người dân lương thiện phải sống trong cảnh tù đày, còn kẻ phạm pháp lại nhởn nhơ ngoài xã hội.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến con người ta lầm được lạc lối, quên đi mất cái nguyên bản của con người chính là cái thiện. Bởi khi sinh ra, có ai đã là kẻ tội lỗi đâu? Trong quá trình lớn lên, qua những mưu cầu của bản thân, qua những ham muốn tầm thường, rất nhiều kẻ đã dễ dàng đi vào con đường tội lỗi. Hàng năm, các trại tù, trại cai nghiện tiếp nhận thêm hàng nghìn tội phạm bị bắt vào trả án.
Tiếng súng kết liễu cuộc đời kẻ tử tù cũng vẫn chưa đủ để răn đe những kẻ khác hãy dừng bước lại trước khi quá muộn. Có những người vì hoàn cảnh, vì một số lý do đặc biệt mà phải lao vào con đường kiếm tiền phạm pháp. Cụ thể như một tên ăn trộm lấy lý do cần tiền chữa bệnh cho cha cho mẹ nên mới phải làm liều ăn cắp. Có thể hắn khiến người khác mủi lòng mà thông cảm bỏ qua.
Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, đồng tiền mà hắn đã ăn cắp đâu phải tự dưng mà có được? Người ta cũng phải lao động mới làm ra được đồng tiền. Biết rằng, niềm khát vọng cứu sống người thân là rất đáng trân trọng nhưng thể hiện khát vọng ấy bằng hành động cụ thể lại là một vấn đề khác. Nếu bần cùng quá, họ có thể đi xin tiền giống như nhiều trước hợp khác đã từng có trên thực tế.
Cái thiện nhiều khi bị cái ác lấn át, tạo nên một xã hội rối ren, phức tạp. Nếu cái ác được đẩy lùi dần, xã hội sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, cuộc sống của mọi người cũng ngày càng bình yên hơn. Tiếc rằng, một số người không dám đứng lên đấu tranh chống lại những kẻ xấu xa. Nhất là trong các cơ quan, tổ chức, cấp dưới không dám thẳng thắn nêu khuyết điểm của cấp trên vì sợ bị trù dập, bị hạ mức lương… Khi ấy, cái thiện đã bị đồng tiền che lấp. Lúc này, ranh giới giữa cái thiện và cái ác đã không còn nữa. Người tốt hay kẻ xấu cũng không còn được phân biệt rõ ràng nữa.
Muốn cho cái thiện chiến thắng, trước hết, bản thân mình phải là một cá nhân lương thiện. Rồi sau đó, hãy là một người thật mạnh mẽ. Mạnh mẽ phản bác kẻ xấu, mạnh mẽ giải trừ những hành động ác. Tuyệt đối không để bản thân mình bị va vấp phải những hành động xấu. Muốn vậy, trước khi nói hay làm bất kỳ một việc gì, mỗi người hãy tự nhìn nhận, tự suy nghĩ thật kỹ càng, làm thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất, để không làm ảnh hưởng tiêu cực đến mọi người xung quanh. Đồng thời, mọi người cũng đừng rời xa, đừng xa lánh hay hắt hủi những kẻ tội lỗi đã biết ăn năn quay trở về con đường lương thiện. Biết sai mà sửa sai mới là người đáng khen.
Kết bài
Giữa xã hội này, ai cũng muốn được sống bình yên, được ấm no hạnh phúc. Vậy trước tiên, đừng đi phá hoại cuộc sống đang yên bình của người khác. Hãy chăm lo thật tốt cho bản thân mình, rồi ngăn chặn những hành động xấu, cùng nhau đoàn kết, cùng giải trừ những thói hư tật xấu, hùng hướng đến sự chiến thắng chính đáng của cái thiện như nó đáng được chiến thắng.
Mỗi người hãy tự là ông Bụt của cuộc đời mình, tự mình giải cứu mình khỏi những khó khăn, những bế tắc, để không xa ngã, không rơi vào con đường tội lỗi. Hãy là một cô Tấm hiền ngoan, lương thiện, nhưng hãy mạnh mẽ chứ đừng yếu đuối. Mạnh mẽ để cái thiện luôn luôn chiến thắng cái ác.