Nguyễn Minh Châu có quan niệm nghệ thuật sâu sắc, chú trọng vào việc khám phá tâm lý nhân vật và những mâu thuẫn nội tại. Ông xem văn học là phương tiện để hiểu sâu hơn về bản chất con người và xã hội, phản ánh sự phức tạp của cuộc sống qua những câu chuyện đầy tính nhân văn và triết lý.
Bến quê là truyện ngắn được lấy làm tên chung cho tập truyện của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu, xuất bản năm 1985. Không hiểu sao, từ lâu, khi đọc Bến quê, tôi cứ nghĩ đây là bản di chúc nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu gửi lại cho đời, được ông viết hơn bốn năm trước khi ra đi, và hơn hai năm sau khi biết mình bị bệnh ung thư máu.
Ngòi bút của nhà văn hướng vào những sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt, tầm thường, để thông qua đó phát hiện ra chiều sâu của đời sống tinh thần với bao nhiêu quy luật và nghịch lí, vượt ra khỏi tầm nhìn và tầm suy nghĩ hạn hẹp trước đây của tác giả và mọi người nói chung.
Cũng như ở nhiều truyện ngắn thành công khác, Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo một tình huống đặc biệt trong **Bến quê** để đặt nhân vật vào đó mà soi rọi vào thế giới bên trong của họ, làm bật lên vấn đề tư tưởng của truyện. Tình huống trong **Bến quê** là một hoàn cảnh đầy vẻ nghịch lí, mâu thuẫn. Nhân vật chính là anh Nhĩ, người đã từng đi khắp nơi trên thế giới, nhưng cuối đời lại bị cột chặt vào giường bởi một căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng chính vào một buổi sáng trong những ngày cuối đời mình, từ cửa sổ căn gác, Nhĩ đã nhận ra được vẻ đẹp bình dị mà hết sức quyến rũ của vùng đất bãi bồi bên kia sông, nơi bến quê quen thuộc.
Mãi cho đến khi nằm liệt giường, nhận sự săn sóc từng miếng ăn, ngụm nước của vợ con, Nhĩ mới cảm nhận được nỗi vất vả, sự tần tảo, tình yêu và đức hi sinh thầm lặng của người vợ hiền. Liên, vợ của Nhĩ, là hiện thân của vẻ đẹp tâm hồn, lòng vị tha và đức hi sinh thầm lặng, khiêm nhường. Những cử chỉ dịu dàng chăm sóc tỉ mỉ, ân cần, những lời động viên và sự thấu hiểu tâm trạng của chồng, rồi tấm áo vá và những bước chân nhẹ nhàng trên bậc cầu thang gỗ đã mòn lõm – những chi tiết ấy đã đủ nói lên nhân vật Liên, dù chỉ hiện ra chốc lát ở phần đầu của truyện, cũng để lại cho người đọc một hình tượng đẹp, giản dị mà sâu xa.
Trong buổi sáng có lẽ cuối cùng của cuộc đời mình, Nhĩ khao khát được một lần đặt chân lên bờ bãi bên kia sông, cái miền đất gần gũi nhưng đã trở nên xa vời đối với anh. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống – những giá trị thường bị người ta bỏ quên, nhất là lúc còn trẻ, khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn con người tìm đến. Sự thức nhận này chỉ đến khi người ta đã từng trải, với Nhĩ là cuối đời, khi phải nằm liệt trên giường bệnh. Anh đã suy ngẫm và chiêm nghiệm ra quy luật: Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình. Đây lại là một nghịch lí trớ trêu của cuộc đời: Khi nhận ra những giá trị đích thực và giản dị của đời sống, thì người ta lại không còn thời gian và khả năng để đạt tới được.
Muốn nắm được nội dung tác phẩm, trước hết, chúng ta phải tìm hiểu về tình huống của truyện.
Nhân vật Nhĩ rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt là bị liệt toàn thân. Căn bệnh hiểm nghèo ấy khiến anh hầu như không thể tự di chuyển, dù chỉ là nhúc nhích đôi chút trên giường. Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người khác, mà chủ yếu là Liên – vợ anh. Kịch tính của truyện nằm ở điều trớ trêu là suốt mấy chục năm công tác, Nhĩ đã có điều kiện đặt chân đến hầu như khắp mọi nơi trên thế giới. Ấy thế mà những năm cuối đời, căn bệnh bại liệt quái ác lại buộc chặt anh vào giường và hành hạ anh suốt mấy năm trời.
Vào một buổi sáng, Nhĩ muốn nhích người đến gần bên cửa sổ. Anh phải nhờ đám trẻ hàng xóm giúp đỡ. Tình huống nghịch lí ấy lại dẫn đến một tình huống thứ hai trong truyện cũng không kém phần nghịch lí: Nhĩ phát hiện ra vẻ đẹp lạ lùng của bãi bồi bên kia sông ngay phía trước cửa sổ nhưng anh biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên mảnh đất ấy, dù nó ở rất gần. Nhĩ đã nhờ cậu con trai thực hiện giúp mình điều khao khát đó, nhưng đứa con không hiểu được ước muốn của cha, làm một cách miễn cưỡng và bị cuốn hút vào những trò chơi hấp dẫn trên đường đi, để rồi cứ thế lỡ chuyến đò sang ngang duy nhất trong ngày.
Tạo ra một chuỗi những tình huống nghịch lí như vậy, Nguyễn Minh Châu muốn người đọc lưu ý đến một vấn đề của cuộc đời: cuộc sống và số phận con người chứa đầy những điều bất thường, ngẫu nhiên, vượt ra ngoài dự định, ước muốn và cả những tính toán cố sẵn. Nhưng ý nghĩa của tình huống trong truyện **Bến quê** không dừng ở đó mà còn mở ra một nội dung triết lí mang tính tổng kết những trải nghiệm của cả đời người, qua suy ngẫm của nhân vật Nhĩ: Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình… Cũng như sự giàu có lẫn vẻ đẹp gần gũi của bãi bồi bên kia sông hay phẩm chất của người vợ tần tảo, giàu tình yêu và đức hi sinh thì phải đến lúc này, khi sắp giã biệt cuộc đời, Nhĩ mới thấu hiểu và cảm nhận thấm thía.
Hành trình sáng tạo của Nguyễn Minh Châu đã đột ngột dừng lại lúc tài năng và tư tưởng nhà văn đạt tới độ chín, cũng là khi công cuộc đổi mới văn học nước ta bước vào chặng đầu. Trong con người và mỗi trang sách của Nguyễn Minh Châu, dưới cái vẻ khiêm nhường, thâm trầm, giản dị luôn cháy sáng một ngọn lửa nồng đượm – ngọn lửa được thắp lên từ khát vọng tìm kiếm sự thật và tinh thần nhân bản bền vững, tình yêu thương con người đến khắc khoải như một mối quan hoài. Ngọn lửa ấy vẫn tiếp tục tỏa ánh sáng và truyền sức nóng của nó đến các thế hệ người đọc.