Nhà văn Nguyễn Minh Châu thật có lí khi cho rằng: "Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ". Ông luôn tìm mọi cách để tìm kiếm và phát hiện cái mới lạ, độc đáo "xưa nay chưa từng có" trong hành trình sáng tạo. Đọc văn Nguyễn Tuân, bất cứ ai cũng nhận thấy rằng nhà văn Nguyễn Tuân rất thích quan sát và diễn tả con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Nếu trước cách mạng con người trong tác phẩm của Nguyễn Tuân phải là những con người xuất chúng thuộc thời trước còn vương sót lại, những người đặc tuyển như Huấn Cao (Chữ người tử tù) thì đến người lái đò sông Đà nhà văn đã có sự thay đổi trong cách khám phá, thể hiện con người. Nhân vật chính trong người lái đồ sông Đà không còn thuộc lớp người sinh lầm thế kỉ, bơ vơ, lạc lõng trong thời hiện đại mà là một người lao động hết sức bình thường, bình dị, thậm chí là vô danh.
Đây chính là cách Nguyễn Tuân tôn vinh, ca ngợi ý chí con người, ngợi ca lao động vinh quang đã đưa con người tới thắng lợi huy hoàng trước sức mạnh cửa thiên nhiên hung dữ. Đây cũng chính là yếu tố làm nên chất vàng mười của nhân dân Tây Bắc và của những người lao động thầm lặng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đi tìm vẻ đẹp của con người trong lao động, Nguyễn Tuân đã thể hiện sự hòa nhập đây hứng khởi, mến yêu với cuộc đời mới và chúng ta không còn thấy một Nguyễn Tuân cô độc luôn muốn xê dịch cho khuây đi cảm giác thiếu quê hương.
Quan niệm về cái đẹp
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận xét thật chính xác về Nguyễn Tuân "khi thì trang nghiêm, cổ kính khi thì đùa cợt, bông phèng khi thì thánh thót, trầm bổng khi thì xô bồ, bừa bãi như ném ra trong một cơn say chếch choáng khinh bạc đấy nhưng rất đỗi tài hoa". Ông là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp luôn theo đuổi phương châm "vị thuật vị nghệ thuật", một con người dành cả đời mình để sáng tạo ra những tác phẩm mang tính duy mĩ và hoàn thiện. Nếu như trước cách mạng Nguyễn Tuân quan niệm cái đẹp chỉ có ở quá khứ cho nên ông đã trở về với một thời vang bóng để tìm kiếm những vẻ đẹp còn vương sót lại "chữ người tử tù" thì sau cách mạng quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân đã có những biến đổi sâu sắc.
Ông không còn quan niệm cái đẹp chỉ có ở trong quá khứ nữa, à thấy cả trong hiện tại và tương lai. Cái đẹp không có ở đâu xa mà có ngay trong cuộc sống bình dị của ngày hôm nay của những người lao động bình thường thậm chí là vô danh mà cụ thể là người lái. Đối với Nguyễn Tuân cái đẹp phải là những hiện tượng gây ấn tượng sâu đậm, đập mạnh vào giác quan của nghệ sĩ như gió bão, núi cao, rừng thiêng, thác ghềnh. Nếu trước cách mạng ông tìm thấy cảm giác này ở chủ nghĩa xê dịch, ở đời sống trụy lạc, ở thế giới ma quỷ thì ngày nay ông tìm và thể hiện nó trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ, trong đời sống lao động, chiến đấu hàng ngày của con người trên quê hương, đất nước mình. Rõ ràng hiện tại và tương lai đẫ mang đến cho Nguyễn Tuân mới cảm hứng thẩm mỹ mới rộng mở hơn nhưng gần gũi, thân thiết hơn.