Mùa lạc là một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Nguyễn Khải, được trích từ tập truyện cùng tên. Tác phẩm khắc họa bức tranh về cuộc sống mới mẻ của những con người ở nông trường Điện Biên, đồng thời tôn vinh triết lý rằng sự sống vươn lên từ mất mát, và hạnh phúc xuất hiện từ những hy sinh, gian nan.
Mục lục [Ẩn]
1. Nội dung tác phẩm Mùa lạc - Nguyễn Khải
Truyện ngắn Mùa lạc kể về những ngày đầu xây dựng nông trường Điện Biên. Truyện kể về chị Đào một người phụ nữ bất hạnh trong cuộc sống. chị có ngoại hình không đẹp, nhà nghèo phải làm nghề đậu phụ buôn bán để kiếm sống nuôi thân qua ngày. Chị Đào lấy chồng từ rất sớm khi mới 17 tuổi, chị gặp người chồng cờ bạc, rượu chè, nợ nần chồng chất phải bỏ vào Nam để lại nợ nần cho chị, mãi đến năm 1950 mới trở về quê hương. Nhưng có lẽ quá bất hạnh nên chồng chị chết và con cũng mất. Chị Đào còn một thân một mình buôn bán nay đây mai đó để kiếm sống. là phụ nữ có ngoại hình không đẹp, chị cũng là một phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống.
Chị lên nông trường Điện Biên với tâm lý tìm một chốn dừng chân để quên đi những tháng ngày đã qua. Mang một tâm trạng chán chường đến nơi này nên ban đầu chị sống rất táo bạo, liều lĩnh. Và tại đây, chị gặp Huân- một người thanh niên xung kích, rất giỏi lao động cần cù chịu khó lại đẹp trai. Bằng sự chân thành và thật lòng của Huân vùng với Đội 6 nông trường Điện Biên, chị đã vui vẻ hơn và chuyển biến dần trong nhận thức của mình về cuộc sống. Chị tìm thấy được sức sống và niềm vui trong lao động xây dựng văn nghệ, khi chị nhận được thư tỏ tình của Dịu- viên trung đội trưởng phụ trách, chị cảm động và thấy thật sung sướng. Chị Đào quyết định ở lại Điện Biên, ở lại nông trường để xây dựng lại cuộc đời, tạo dựng cuộc sống với những người bạn thân thiết của mình.
2. Đọc hiểu Mùa lạc - Đề số 1
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi :
Quê hương thứ nhất của chị ở đất Hưng Yên, quê hương thứ hai của chị ở nông trường Hồng Cúm, hạnh phúc mà chị đã mất đi từ bảy, tám năm trước nay ai ngờ chị lại tìm thấy ở một nơi mà chiến tranh đã xảy ác liệt nhất. Ở đây, trong những buổi lễ cưới, người ta tặng nhau một quả mìn nhảy đã tháo kíp làm giá bút, một quả đạn cối đã tiện đầu, quét lượt sơn trắng làm bình hoa, một ống thuốc mồi của quả bom tấn để đựng giấy giá thú, giấy khai sinh cho các cháu sau này và những cái võng nhỏ của trẻ con tết bằng ruột dây dù rất óng. Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy.
( Nguyễn Khải, Mùa lạc, Dẫn theo Truyện ngắn Nguyễn Khải, NXB Văn học 2013)
Câu 1: Chỉ ra các phương thức biểu đạt được sử dụng kết hợp trong đoạn văn bản trên ? (0,5 điểm)
Câu 2: Nhà văn đã kể gì về nhân vật chị trong đoạn trích ? (0,5 điểm)
Câu 3: Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong cụm từ in đậm trong câu văn sau : “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua ranh giới ấy”? (1,0 điểm).
Câu 4: Thông điệp nào có ý nghĩa nhất với anh (chị)? Vì sao? (1 điểm)
Gợi ý trả lời
Câu 1: Các phương thức biểu đạt được sử dụng là: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
Câu 2:
Nhà văn đã kể :
+ Chị có 2 quê hương: Hưng Yên và Hồng Cúm
+ Chị từng có quá khứ bất hạnh, khổ đau và đã tìm được hạnh phúc trong hiện tại.
Câu 3:
– Biện pháp tu từ: ẩn dụ con đường cùng chỉ cái chết hay sự thất bại .
– Tác dụng: tăng tính hàm súc, cô đọng trong diễn đạt, làm cho câu văn mang giá trị biểu đạt cao, gợi những liên tưởng ý nhị, sâu sắc.
Câu 4:
- Học sinh có thể lựa chọn những thông điệp khác nhau, có ý nghĩa đối với nhận thức và hành động của bản thân. Lý giải được sự lựa chọn (ý nghĩa của thông điệp)
- Ví dụ: Cần có ý chí, nghị lực để vượt qua gian khổ; hạnh phúc sẽ đến nếu con người biết vươn lên.
3. Đọc hiểu Mùa lạc - Đề số 2
Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
“Một năm đi qua. Mùa xuân thứ hai đã đến. Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở khác của đất hoang… Một mảnh vải trắng làm rèm che cửa, một giàn liễu leo có những chấm hoa đỏ thắm như nhung ở mé hiên phía trước,bóng lá láng mướt của rặng chuối, màu vàng rực của khóm đu đủ, mấy con ngỗng bì bạch ở mé nhà, tiếng guốc đi lẹp kẹp, bóng dáng nặng nề của những chị có mang ở khu gia đình, những ngọn đèn le lói, mảng thuốc bay qua ánh đèn trông rõ từng sợi xanh. Tiếng cười the thé, tiếng thủ thỉ, tiếng la hét, tiếng trẻ con khóc. Người ta làm việc, người ta yêu nhau, và làm cho nhau đau khổ. Những nỗi niềm, những tâm sự, những mong ước. Cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi”
(Mùa lạc – Nguyễn Khải)
Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn? (0,5 điểm)
Câu 2. Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Chỉ ra những biểu hiện đặc trưng của phong cách ngôn ngữ đó? (1,0 điểm)
Câu 3. Những biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn? Tác dụng? (1,0 điểm)
Câu 4. Đoạn văn nói về vấn đề gì? (0,5 điểm)
Gợi ý trả lời
Câu 1: Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn: miêu tả, tự sự, biểu cảm.
Câu 2:
- Đoạn văn trên thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
- Những biểu hiện đặc trưng của phong cách ngôn ngữ đó:
+ Đoạn văn đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên và cuộc sống tươi mới, giàu âm thanh và màu sắc thông qua việc sử dụng tài tình, hiệu quả biện pháp tu từ liệt kê, so sánh.
+ Nhịp điệu nhịp nhàng, giọng văn mượt mà, giàu cảm xúc. Hình ảnh phong phú, sinh động, đầy màu sắc. Các câu văn như những nét vẽ mau lẹ, thanh thoát, tạo thành một bức tranh đầy sức sống.
+ Sử dụng các câu văn đặc biệt "Tiếng cười the thé,... những mong ước."
Câu 3:
- Những biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn: so sánh, liệt kê, điệp.
- Tác dụng: Tái hiện sự hồi sinh của cảnh vật và cuộc sống con người.
Câu 4:
Đoạn văn nói về vấn đề: Miêu tả sự hồi sinh của mảnh đất Điện Biên vào mùa xuân, cả thiên nhiên và con người đều bừng lên sức sống mới.
Bạn đọc có thể tham khảo đề bài sau:
Khu nhà nữ công nhân rộn rịp người ra vào, nhộn nhạo những tiếng cười, tiếng mời chào, cả tiếng la hét. Đào không đi chơi đâu. Một lá thư mời nhận làm chị bàng hoàng. Ông trung đội trưởng già phụ trách lò gạch của nông trường mới gặp chị có vài bận mà đã dám ngỏ lời táo bạo. Mới đọc được mươi dòng chị giận dữ tưởng như có thể xé vụn từng mảnh được, người ta coi thường chị đến thế kia ư. Nhưng khi gập lá thư lại thì một cảm giác êm đềm cứ lan nhanh ra, như mạch nước ngọt rỉ thấm vào những thớ đất khô cằn vì nắng hạn, một nỗi vui sướng kỳ lạ rào rạt không thể nén lại nổi, khiến chị ngây ngất, muốn cười to một tiếng nhưng trong mí mắt lại như đã mọng đầy nước mắt chỉ định trào ra. Từ ngày goá bụa đến nay chưa ai nói được với chị một câu nào yêu thương, một lần gắn bó, chưa ai khao khát đến chị, coi chị là nguồn hạnh phúc của họ, là niềm an ủi cho họ. Những dòng, những chữ trong bức thư xa lạ ngân vang mãi trong lòng chị, vang dội đến tận những kẽ ngách sâu kín nhất, thức tỉnh nỗi khao khát yêu đương, khao khát hạnh phúc mà chị cố hắt hủi, vùi nén một cách bất lực từ ngót chục năm nay.
(Trích Mùa lạc – Nguyễn Khải)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích?
Câu 2. Đoạn trích đề cập đến sự việc gì?
Câu 3. Tâm trạng của Đào khi nhận được bức thư của ông trung đội trưởng là gì?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến sau hay không: Mỗi con người đều có niềm khao khát hạnh phúc chính đáng của mỗi con người.
Lời giải:
Câu 1. PTBĐ tự sự
Câu 2. Sự việc chị Đào nhận được lá thư ngỏ lời từ ông trung đội trưởng già phụ trách lò gạch của nông trường.
Câu 3.
- Lúc đầu tức giận, sau đó là vui sướng, ngây ngất cũng thấy được sự hạnh phúc.
Câu 4.
- Tôi đồng ý với ý kiến trên
- Hạnh phúc đều là điều mà tất cả chúng ta khao khát có được, nó không phải là thứ gì đó không chính đáng cả. Mỗi con người đều nên có hạnh phúc của riêng mình.