BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Nguyễn Tuân, với ngòi bút tài hoa và uyên bác, đã khắc họa hình ảnh người lái đò sông Đà như một nghệ sĩ điêu luyện. Qua từng dòng sông dữ dội, người lái đò hiện lên đầy bản lĩnh, tài hoa và tinh thông, vượt mọi thử thách thiên nhiên.

Có câu nói rằng, “văn chính là người”. Cá tính, tài năng của một nhà văn luôn được phản chiếu qua những trang viết của anh ta. Nếu như Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại trong lòng người đọc hình ảnh một cây bút đầy chất trí tuệ và trữ tình, thì Nguyễn Tuân lại ở lại với người đọc bằng hai chữ “tài hoa” và “uyên bác”. Đặc biệt, trong một thể loại tự do như tuỳ bút, Nguyễn Tuân như đã mang cả bản ngã của mình vào trang văn. Tiếp nhận tùy bút “Người lái đò sông Đà” người đọc như gặp gỡ trọn vẹn cái tôi tài hoa và uyên bác của con người tác giả.

“Người lái đò sông Đà” là bài tùy bút được in trong tập “Sông Đà” (1960) của Nguyễn Tuân. Nếu như trước Cách mạng Tháng 8, Nguyễn Tuân đi chỉ để thoả mãn cái khát khao xê dịch của mình, nhìn chỉ thấy cái đẹp trong quá khứ, cái tài trong những con người xuất chúng khác thường thì nay, ông đã đi để hòa nhịp với đất nước và cuộc đời, đã tìm thấy “thứ vàng mười đã qua thử lửa” trong tâm hồn những con người lao động giản dị. “Sông Đà” nói chung và tùy bút “Người lái đò sông Đà” nói riêng đã thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân sau Cách mạng: tài hoa, uyên bác với kho liên tưởng phong phú và chữ nghĩa sắc sảo.

Lê Đạt từng phát biểu “Mỗi công dân đều có một dạng vân tay, mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ”. Cái tôi của nhà văn chính là phong cách, là cái nhìn riêng biệt, không trộn lẫn của anh ta đối với hiện thực và nghệ thuật biểu hiện độc đáo. Hiện thực đời sống là duy nhất nhưng mỗi nhà văn có phong cách riêng lại nhận thức nó ở một khía cạnh khác nhau, từ đó mà sinh ra vô vàn những “hiện thực thứ hai” trong tác phẩm. Nguyễn Quang Bích khi viết về con sông Đà đã nhìn vào hướng chảy khác thường của nó: 

“Chúng thuỷ giai đông tẩu

Đà giang độc bắc lưu”

Còn Nguyễn Tuân có một cách nhìn riêng. Cái tài hoa của Nguyễn Tuân thể hiện ở chỗ ông đã quan sát con sông ở phương diện văn hoá – thẩm mỹ, nhìn con người ở phương diện tài hoa – nghệ sĩ. Không chỉ vậy, Nguyễn Tuân còn vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hoá, nghệ thuật khác nhau về đối tượng để sáng tạo hình tượng. Đó chính là khía cạnh uyên bác trong cái tôi tác giả.

Trước hết, Nguyễn Tuân đã nhìn con sông Đà ở phương diện văn hoá – thẩm mỹ. Khi khám phá con sông ở khía cạnh văn hoá, Nguyễn Tuân không chỉ nhìn nhận nó từ vị trí của con thuyền vượt thác hay xuôi dòng. Ông khám phá Sông Đà từ trên máy bay nhìn xuống. Ông nhìn ngược thời gian lịch sử về tận đời Lý, đời Trần, đời Lê. Ông ngược dòng chảy Sông Đà lên tận nơi ngọn nguồn Cảnh Đông tỉnh Vân Nam Trung Quốc. Ông đi từ biên giới xuống Chợ Bờ, Suối Rút. Ông nói con Sông Đà trong hiện tại rồi trong kháng chiến và Sông Đà tiềm năng trong tương lai. Sông Đà được khám phá từ góc độ lịch sử, văn hóa, địa lý, địa chất, thủy văn, hội họa, điện ảnh… Đó là dòng sông lịch sử, dòng sông văn hóa, là linh hồn của thiên nhiên Tây Bắc. Từ khía cạnh thẩm mỹ, hình ảnh con sông xuất hiện dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân như một sinh thể có hồn, mang dáng nét hiền hòa, mềm mại của một người con gái trong bức tranh thiên nhiên Tây Bắc: “Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân…”, “Sông Đà như một áng tóc mun ngàn ngàn vạn sải…”. Trước mặt dòng sông hiền hòa, mềm mại và thơ mộng như thế, Nguyễn Tuân như một họa sĩ phóng túng khát khao đi tìm cái đẹp đã phóng bút tô màu cho dòng sông để mặt nước ánh lên những sắc màu kì diệu, lung linh, huyền ảo làm mê đắm lòng người ngắm cảnh: “Mùa xuân, dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của nước sông Gâm sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn, bực bội vì mỗi độ thu về…”. Dòng sông với vẻ đẹp kì diệu đã trở thành cố nhân không thể nào xa cách được của người nghệ sĩ. Tuy nhiên với Nguyễn Tuân, không phải bao giờ Sông Đà cũng hiền hòa, thơ mộng mà có lúc đã mang dáng nét của một bà dì ghẻ khó tính, hung bạo suốt ngày chỉ chăm chú đe nẹt, dọa dẫm đứa con riêng của chồng. Những lúc như thế, ngòi bút trong tay Nguyễn Tuân không ngần ngại tô đậm nét dữ dằn, hung bạo của dòng sông: “Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy”. Những lúc Sông Đà hung bạo như thế Nguyễn Tuân xem nó như “kẻ thù số một của con người”. Con sông Đà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân như chứng nhân của một dòng chảy lịch sử – văn hoá mang vẻ đẹp vừa dữ dội, vừa trữ tình.

Bên cạnh đó, sự tài hoa của Nguyễn Tuân còn thể hiện trong cách nhìn con người ở phương diện tài hoa – nghệ sĩ. Ông đò trong cái nhìn của Nguyễn Tuân không chỉ là một người lao động, mà còn là người nghệ sĩ trong công việc của mình. Người lái đò hiện lên với ngoại hình của tuổi bảy mươi “đầu tóc bạc trắng” nhưng thân hình ông vẫn “đẹp như một pho tượng tạc bằng đá cẩm thạch” cùng cặp mắt tinh anh, nhãn lực nhìn xa vời vợi. “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông khuỳnh khuỳnh như kẹp lấy một cuống lái trong tưởng tượng, giọng nói ào ào như thác lũ sông Đà, nhãn giới vòi vọi như nhìn về một bến xa nào đó,…”. Ông lái đò hiện lên là một người giàu trải nghiệm, ông hiểu sông Đà như hiểu chính mình, nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào tất cả những luồng nước của những con thác hiểm trở. Vẻ đẹp nổi bật của người lái đò chính là vẻ đẹp của một người nghệ sĩ tài hoa hăng say trong lao động, là bậc thầy trong nghệ thuật chèo đò ngày ngày viết nên những bản trường ca bất tận về công cuộc lao động không ngừng nghỉ. Để làm nổi bật sự tài hoa trong lao động của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã đi sâu vào miêu tả người lái đò trong cảnh vượt thác. Ông xung trận với khí thế nghênh chiến kẻ thù “thạch trận vừa bày xong thì cái thuyền vụt tới”. Trùng vi thứ nhất, sông Đà mai phục “bốn cửa tử, một cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông”. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đã trông như là sơ hở, thực chất chúng đóng vai trò dụ chiếc thuyền vào tuyến giữa. Vừa vào trận địa, chúng tấn công chiếc thuyền tới tấp “mặt nước hò vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay mình…”, “Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt”. Mặc dù bị đánh những đòn rất hiểm “hai chân ông vẫn kẹp lấy cuống lái” và mặt méo bệch đi vì đau đớn nhưng ông