BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Như chú ong vàng cần mẫn hút ngàn vạn nhụy hoa để tạo nên giọt mật ngọt, con trai chịu đựng bao đau đớn từ “hạt bụi biển khơi” để tạo thành viên ngọc “tròn trặn ánh ngời”. Sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ cũng vậy, đòi hỏi sự tỉ mỉ và vô cùng gian nan. Giống như nghệ nhân điêu khắc không thể chỉ nhìn nguyên mẫu rồi mô phỏng lại trên chất liệu đã chọn, người họa sĩ không chỉ quan sát đời sống rồi tái hiện bằng những nét vẽ vô hồn. Thi sĩ cũng không thể chỉ dùng ngôn từ để ghi lại cảnh sắc mà không gửi gắm cảm xúc. Để cho ra đời một thi phẩm có giá trị, thi sĩ phải để lại dư ba vang dội trong lòng độc giả ngay cả khi trang sách đã khép lại, phải có những đặc trưng về ngôn ngữ mà thơ ca đòi hỏi. Đúng như nhận định của Trần Đăng Khoa: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh.” Đặc biệt, “Chuyện tình Trăng và Đất” của thi sĩ Mai Thị Chuyên chính là minh chứng rõ ràng cho nhận định này.

Trước hết, ta cùng đi “cắt nghĩa” ý kiến của Trần Đăng Khoa. “Thơ hay là thơ giản dị”, cốt lõi của thơ ca không nằm ở sự chải chuốt ngôn ngữ mà nó đọng lại ở bề sâu cảm xúc. Giản dị không chỉ là một yêu cầu mà còn là một phẩm chất cần có của thơ hay. Cái giản dị của thơ có thể ví như duyên ngầm ở một cô gái đẹp, không cần trang sức quý giá, không cần trang điểm mà vẫn có sức thu hút. Xuất phát từ những điều mộc mạc, bình dị nhưng không được đơn giản, hời hợt. Giản dị ở ngôn ngữ, hình ảnh, lối viết, tâm ý thực,…. Ngoài ra, “Thơ hay là thơ xúc động”, thơ là sự bộc lộ thế giới nội tâm sâu sắc của người sáng tác. Khi thi sĩ đã sống hết mình với những rung động, cảm xúc, thì những vui buồn, âu lo, khát vọng… mới động chạm đến trái tim của nhiều người, tiếng nói trữ tình trong thơ mới có thể trở thành nỗi lòng thầm kín của mọi người. Thơ hay là thơ có sức truyền cảm chân thành và mãnh liệt nhất. Và cuối cùng, “Thơ hay là thơ ám ảnh”, sự ám ảnh của thơ được tạo bởi những ấn tượng mạnh mẽ mà hình thức và nội dung thơ để lại trong tâm hồn người đọc. Những ấn tượng, xúc cảm mãnh liệt của thơ hay không phải được tạo bởi cường độ của bão lũ, không phải ở những xúc động nhất thời. Thơ hay, sau khi đọc xong, người đọc vẫn day dứt khôn nguôi về tình đời, tình người mà thi sĩ băn khoăn, trăn trở và ký thác trong thơ mình.

Có biết bao bài thơ đi qua đời ta vô cùng giản dị và mong manh, nhưng ẩn sâu trong lớp ngôn từ mộc mạc ấy là bề dày của tầng nghĩa, bề rộng của tri thức uyên bác cùng bề sâu của cảm xúc mãnh liệt trong lòng thi nhân. Tác phẩm văn học, đặc biệt là thơ ca, như sự mênh mang của biển cả, lúc lặng yên khi ồn ào dữ dội. Có sóng cồn trên mặt nước, thì cũng có sóng ngầm hoành hành dưới đáy đại dương. Thế nhưng cũng có biết bao áng thơ văn ta từng đọc qua một lần, trong lòng không hề đọng lại chút ấn tượng. Có lẽ nhiều thi nhân bước vào con đường thơ ca để trải lên ngôn từ một lớp “nhựa đường” bóng bẩy, tưởng chừng giúp độc giả đi tới cung bậc cảm xúc cao nhất trong thơ. Nhưng dưới lớp chất liệu “mỹ từ” được chau chuốt ấy, con đường kia bỗng trở nên gồ ghề và cứng nhắc. Họ quên rằng cốt lõi đích thực của thơ ca không nằm ở vẻ bề ngoài chải chuốt, mà là những gì chắt lọc, tinh khiết, lắng đọng lại trong lớp bề sâu của cảm xúc, ở sự chân thực của trái tim, sự đồng điệu trong tâm hồn của bạn đọc và tác giả. Nói như Thạch Lam: “Văn chương không phải là cách mạng đến cho người đọc sự thoát li, hay sự quên. Trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và tự đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn!” Văn học và thi ca không cần phải chắt chiu ngôn từ hay bay bổng trong từng câu thơ. Thơ ca chỉ có thể là tiếng thét khổ đau, tuyệt vọng được cất lên từ bể sâu của cuộc đời. Người nghệ sĩ với trái tim nhân ái, bao dung, tâm hồn tài năng và thi vị, sẽ thổi vào từng vần thơ niềm cảm thông và chia sẻ cao độ. Để mỗi ý thơ khi thấm vào giấy trắng phải là liều thuốc bổ tinh thần. Liều thuốc ấy khi đến với trái tim bạn đọc như một sự thức tỉnh về tâm hồn mãnh liệt. Thơ ca sẽ giúp chúng ta vượt qua rào cản số phận hay những lúc đau khổ tột cùng, chúng ta tìm đến thơ như người tri kỷ để bày tỏ nỗi lòng. Thơ đâu phải là quả bóng bay cao vời vợi nằm ngoài tầm với.

Trong suốt hành trình sáng tạo của thi sĩ và quá trình “thai nghén” của một tác phẩm thơ ca, giản dị là yêu cầu cấp thiết và quan trọng. Cái giản dị của thơ cũng như cái duyên thầm, cái nết đẹp của một người con gái “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Không cần vẻ bề ngoài kiêu sa, không cần trang điểm mà chính vẻ đẹp từ sự nết na, dịu dàng, chung thuỷ, hiền hậu mới thực sự là giá trị cốt lõi. Ví von thi ca với phẩm chất của một người con gái để thấy rằng một bài thơ giá trị cũng không cần khoác lớp áo bóng bẩy từ những mỹ từ ngọc ngà, không thể đánh lừa độc giả bằng lớp ngôn từ hào nhoáng để che đậy sự trống rỗng, vô vị, vô hồn trong cảm xúc và tư tưởng. Mà tư tưởng và cảm xúc lại là điểm hội tụ của ánh sáng văn chương để soi rọi vào tâm hồn, đọc được tâm trí độc giả. Như Nam Cao đã nói: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có…” (Đời thừa). Có thể thấy, “giản dị” mà thơ ca đòi hỏi tức thơ phải sáng tạo từ trong lòng những thứ mộc mạc, gần gũi. Giản dị trong thơ ca nằm ở bề mặt ngôn từ, ở tình cảm kết tinh thuần túy và “vân chữ” - tức nét riêng biệt trong lối viết của mỗi thi nhân. Nhưng chớ có hiểu lầm giản dị trong thơ là sự đơn giản thuần tục, là lối viết phóng khoáng vô nghĩ vô lo, thiếu chiều sâu. Bởi cái “giản dị” ấy là những phần tinh lọc và cô đọng nhất, là kết quả của quá trình tinh luyện. Thơ mà quá cầu kỳ thì sa vào xảo trá, hoang đường hiu hắt thì phần nhiều sa vào buồn bã. Chỉ có thuần hậu, giản dị, thẳng thắn không giả dối, không xảo trá, không buồn bã mà chú trọng ngăn chặn điều xấu, bảo tồn điều hay, mới là cái đặc sắc chính của thơ. Như Vũ Phương Đề khi bàn về văn thơ, ông quan niệm rằng trong niên đại văn thơ xu thời hào nhoáng, khinh bạc, nên tôn trọng những vần thơ “tuy mộc mạc quê mùa, nhưng ý lại trung hậu”. Ông cho rằng nên “trừ bỏ loại văn phù hoa trống rỗng để vãn hồi nền văn chương trong sáng, chân thực”. Có thể hoàn toàn khẳng định rằng, giản dị trong thơ ca không phải là sự hời hợt, thô sơ. Giản dị chứ không phải đơn giản, tầm thường. Có thể xem nó là thứ ánh sáng được lọc qua bảy sắc màu rực rỡ, biểu hiện qua những vần thơ cô đọng và hàm súc, xuất phát từ những đề tài quen thuộc trong vòng tròn cuộc sống với tâm điểm là con người. Bên cạnh đó, giản dị còn phải hiện lên dưới lớp ngôn từ, tránh sự dài dòng tối kỵ của thơ ca, tránh ồn ào, khoa trương,