BAITAP24H.COM Chia Sẻ Cương Ôn Luyện Thi Các Lớp

Từ nhiều nghĩa là gì? Ví dụ về từ nhiều nghĩa, nêu công dụng và vận dụng từ nhiều nghĩa trong học tập, cuộc sống.

1. Từ nhiều nghĩa là gì?

Từ nhiều nghĩa là từ có một nghĩa gốc và một hay một số nghĩa chuyển. Đây là hiện tượng có thể thấy được ở hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới.Trong tiếng Việt, các nghĩa của từ nhiều nghĩa bao giờ cũng có mối liên hệ với nhau. Nói cách khác, một từ nhưng có thể gọi tên nhiều sự vật, hiện tượng, biểu thị nhiều khái niệm thì từ ấy được gọi là từ nhiều nghĩa.

Ví dụ 1: Xe đạp là từ dùng để chỉ loại xe 2 bánh, con người dùng sức đạp cho quay bánh. Đây là nghĩa duy nhất của từ xe đạp. Vậy từ xe đạp là từ chỉ có một nghĩa. 

Ví dụ 2: Với từ "ăn"

  • Ăn cơm: cho đồ ăn vào cơ thể để nuôi sống
  • Ăn cưới: Ăn cỗ nhân dịp đám cưới
  • Ăn ảnh: Vẻ đẹp được thể hiện ở trong ảnh

Như vậy, từ "ăn" sử dụng trong những ngữ cảnh khác nhau và kết hợp với những từ ngữ khác nhau thì sẽ mang nghĩa khác nhau.

Thông thường, từ nhiều nghĩa sẽ có 2 lớp nghĩa là: Nghĩa đen và nghĩa bóng.

Nghĩa đen: là nghĩa gốc của từ. Nghĩa đen là nghĩa trực tiếp, phát sinh từ đầu, gần gũi, quen thuộc, dễ hiểu và thường không phụ thuộc hoặc ít phụ thuộc vào ngữ cảnh.

Nghĩa bóng: Là lớp nghĩa có sau (nghĩa chuyển, nghĩa ẩn dụ) hình thành trong quá trình phát triển ngôn ngữ của con người và được suy ra từ nghĩa đen. Muốn hiểu chính xác nghĩa bóng của một từ được dùng, phải tìm nghĩa trong ngữ cảnh đặt ra. Ngoài ra, cũng có một số từ mang tính chất trung gian giữa nghĩa đen và nghĩa bóng, đang chuẩn dần từ nghĩa đen sang nghĩa bóng.

Ví dụ 1: Từ "đi" là một trong những từ nhiều nghĩa, nó vừa có nghĩa là chỉ sự di chuyển bằng hai chân như: "Tôi đi học cùng anh trai". Tuy nhiên, từ "đi" còn mang nghĩa chỉ cái chết, nếu nó nằm trong câu "Cậu ấy ra đi thanh thản lắm".

Ví dụ 2: Từ "mắt" có những lớp nghĩa sau:

  • Mắt cá chân: Một bộ phận trên cơ thể con người, nằm gần cổ chân
  • Mắt hí: Chỉ những người có đôi mắt nhỏ
  • Mắt lé: chỉ những người có kích thước mắt không bằng nhau
  • Mắt bồ câu: Chỉ những người có đôi mắt to tròn, đẹp như mắt chim bồ câu.

Ví dụ 3: Từ "đầu" cũng mang nhiều nghĩa khác nhau:

  • Miếng trầu là đầu câu chuyện: Từ "đầu" trong câu tục ngữ ngày có nghĩa là bắt đầu, khởi đầu.
  • Em phải ngẩng đầu lên nhìn bảng: Từ "đầu" ở đây là một bộ phân cơ thể người.

2. Nguyên nhân xuất hiện từ nhiều nghĩa

Nguyên nhân tồn tại của từ nhiều nghĩa là do số lượng từ nhiều, trong khi số lượng khái niệm có nhiều sắc thái ý nghĩa tương đồng nhau nhưng không giống hệt nhau. Hiện tượng từ nhiều nghĩa tồn tại cả ở thực từ và hư từ, mặc dù hư từ là các từ: do, bởi, vì, mà,... là các từ trừu tượng không dễ để phát triển nghĩa. Đồng thời, từ nhiều nghĩa cũng xuất hiện do thực tế giao tiếp, để phù hợp với tình hình phát triển của xã hội cũng như nhằm đáp ứng trình độ nhận thức ngày càng cao của con người. Để gọi tên, biểu đạt những sự vật, hiện tượng, khái niệm mới thì ngoài cách tạo ra những từ mới hoàn toàn, người ta thêm vào nghĩa mới cho những từ đã có sẵn. Cách thêm nghĩa mới vào cho từ chính là cách tạo ra từ nhiều nghĩa. 

3. Công dụng của từ nhiều nghĩa

  • Thứ nhất, từ nhiều nghĩa có tác dụng giúp tăng tính đa dạng cho vốn từ vựng trong tiếng Việt.
  • Thứ hai, trong quá trình sử dụng ngôn ngữ, có thể sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để mô tả một vấn đề, một vật hay một sự việc nào đó.
  • Thứ ba, từ nhiều nghĩa được sử dụng để tránh lặp lại một từ được sử dụng nhiều lần trong cùng một đoạn văn bản.
  • Thứ tư, giúp người đọc, người nghe có thể hiểu rõ hơn về nội dung của câu chuyện, tác phẩm đó.
  • Thứ năm, tuy không phải là một biện pháp tu từ nhưng khi sáng tác văn học, nếu từ nhiều nghĩa được sử dụng hợp lý thì sẽ làm tăng giá trị nghệ thuật cho văn bản.

4. Vận dụng Từ nhiều nghĩa trong văn học

Sử dụng từ nhiều nghĩa đã hình thành nên 2 biện pháp tu từ thường gặp trong văn học, đời sống: Ẩn dụ và hoán dụ.

Phương pháp ẩn dụ

Ẩn dụ là một biện pháp tu từ chuyển tên gọi dựa trên sự liên tưởng, so sánh những mặt, những thuộc tính, đặc điểm giống nhau giữa các đối tượng được gọi tên. 

Ví dụ như từ "lá". Thông thường, từ "lá" dùng theo nghĩa gốc nhằm chỉ một bộ phận của cây, thường nằm ở cành cây, đa phần có màu xanh mà có dáng mỏng. Tuy nhiên, khi từ "lá" được mở rộng nghĩa ra sẽ cấu thành các từ như: lá gan, lá cờ,... Sự chuyển nghĩa ở trên là do sự tương đồng, ví dụ: lá cờ là vật làm bằng vải, có bề mặt mỏng như lá cây.

Phương pháp hoán dụ

Hoán dụ là phương thức biến đổi nghĩa của từ bằng cách chuyển tên gọi sự vật, hiện tượng này sang sự vật, hiện tượng khác, dựa trên mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng.

Ví dụ: Từ "nhà trắng" hiểu theo nghĩa thông thường là chỉ một ngôi nhà có màu trắng. Tuy nhiên, "nhà trắng" còn được hiểu là từ dùng để chỉ nơi ở và làm việc chính thức của tổng thống Hoa Kì.