Dòng sông Đà trong Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ và trữ tình. Qua ngòi bút tài hoa, sông Đà không chỉ là một cảnh sắc thiên nhiên mà còn mang đậm tính cách, tâm hồn của người Việt Nam, thể hiện sức sống mãnh liệt.
Đặt vấn đề
Nguyễn Tuân chắc hẳn đã rất tâm đắc với những vần thơ về sông của nhà thơ Ba Lan nọ. Có lẽ vì vậy mà sông nước xứ mình đã xuất hiện trên nhiều trang văn đẹp của ông, trong đó có sông Đà, con sông đã tạo nên một tác phẩm văn xuôi tuyệt tác. Tôi đoán rằng không chỉ có nhu cầu săn tìm cảm giác hay cái máu phiêu lãng giang hồ đã đưa Nguyễn Tuân đến dòng chảy vĩ đại này của núi rừng Tây Bắc. Chắc hẳn phải có một tiên cảm nghệ thuật nào đó đã mách cho người nghệ sĩ tài hoa về nguồn cảm hứng sông Đà hàng chục năm trước khi “dòng sông ánh sáng” này trở thành một địa chỉ lớn của nhạc, hoạ, sân khấu, thơ, văn. Và từ đó đến nay, dù đã có biết bao người khác, vẽ và kể chuyện về sông Đà, làm thơ và ca hát với sông Đà, thì có lẽ vẫn chưa ai vượt qua được Nguyễn Tuân trong việc biến vùng sông nước ấy thành nghệ thuật, thành một gợi cảm mênh mông.
Khái quát
Nhưng để tạo nên một niềm gợi cảm sông Đà có tầm vóc như của Nguyễn Tuân thì cảm xúc và tài quan sát vẫn chưa đủ. Xuân Diệu từng thiết tha nói về sự cần thiết của uyên bác ngay trong một lĩnh vực trữ tình như thơ. Nguyễn Tuân cũng có thẩm quyền để chỉ ra rằng sự uyên bác có thể nâng đỡ cho đôi cánh của hào hoa. Càng đọc Nguyễn, càng nghiệm ra rằng, nhà văn độc đáo ấy luôn luôn độc đáo trong sự uyên bác, rằng con người tài hoa ấy cũng đồng thời là con người luôn có những hiểu biết khôn lường về những gì được nói tới trong văn minh. Trường hợp sông Đà là vậy. Phải là Nguyễn Tuân mới không ngại nhọc công tìm hiểu ngọn nguồn lạch sông, truy tìm đến tận nơi gốc tích khai sinh của sông Đà. Và cũng không dễ có người như Nguyễn Tuân, để có thể viết ba câu về sắc nước Đà giang mà phải nhiều lần bay ngang trên miền sông ấy, để rồi nói chắc chắn rằng nước sông Đà không đen, mà xanh màu ngọc bích dưới trời xuân, khác với sông Gấm, sông Lô nước “xanh canh hến”. Còn mỗi độ thu về, nước sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”. Ai dám bảo các đấng tài hoa viết văn không khó nhọc? Ai dám bảo rằng cái cốt cách phong lưu tài tử của Nguyễn Tuân cho phép nhà văn cứ việc thả sức rong chơi, chờ khi thần hứng đến với mình thì chỉ cần một lần phất bút là đủ làm nên tấm lụa ngôn ngữ đẹp mê hồn?
Nhưng cũng đừng quên Nguyễn Tuân là một bản ngã văn chương không giống ai, và cũng không thể có ai bắt chước. Những trang viết trong "Người lái đò Sông Đà" đẹp còn vì tác giả đã in cái bản ngã độc đáo ấy vào sông nước Đà giang, thêm vẻ đẹp chủ quan của tâm hồn và tưởng tượng vào vẻ đẹp khách quan của dòng sông, để dưới ngòi bút, tuôn chảy một con sông Đà mang dấu ấn riêng của nhà văn, một con sông Đà đã được chinh phục và chi phối bởi quyền năng ngôn từ mà Nguyễn Tuân vốn có nhiều hơn ai hết.
Nghệ thuật miêu tả con sông Đà hung bạo
Hãy thử lấy một ví dụ trong "Người lái đò Sông Đà". Ở đầu trích đoạn, tác giả tả cảnh đá bờ sông dựng vách thành và những bức thành vách đá cao chẹt chật lấy lòng sông hẹp. Nguyễn Tuân tả cái hẹp ấy theo nhiều cách: “Mặt sông lúc ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”, con hổ con nai có thể vọt qua sông, và chỉ cần nhẹ tay thôi cũng có thể ném hòn đá từ bờ này sang bên kia vách. Những ý văn như thế kể cũng đã thú vị, nhưng vẫn chưa đủ khiến ta phải thán phục, phải ngạc nhiên cho tài nghệ của Nguyễn Tuân như trong câu cuối đoạn này: “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, giữa mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Một sức bút bình thường làm sao có nổi một cái so sánh vừa chính xác, tinh tế, lại vừa bất ngờ và lạ lùng đến thế. Bên cạnh những câu viết thế này, tôi chắc nhiều người sẽ nhận ra mình nghèo nàn biết bao nhiêu cả về từ ngữ và ý tưởng. Có cảm giác Nguyễn Tuân luôn luôn lục lọi đến tận cùng cái kho ấn tượng để tìm cho bằng được một cách nói có sức kinh động hồn trí con người.
Nguyễn Tuân đang nói với ta về một sông Đà hung bạo. Nhận xét như thế sẽ không gây ngạc nhiên, nếu chúng ta không thấy nhà văn đã hao tổn công phu để sự hung bạo kia nổi hẳn lên thành hình khối và gào thét lên trong muôn vạn âm thanh.
Người đọc như được tác giả đặt cưỡi lên con thuyền đang vun vút phăng phăng xuống thác để cảm thấy quanh mình nước thác hò reo bốn mặt và những hòn đá ngỗ ngược phía trước như nhất tề “nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”.
Không khó để thấy trong đoạn này, nhà văn đã sử dụng rất nhiều nhân hoá, để từ đó, đọc ra từng sắc diện người trong những hình thù đá vô tri. Nguyễn Tuân đã dùng hết sức mạnh điêu khắc của ngôn từ để truyền hồn sống vào từng thớ đá. Dễ mấy ai nhìn ra những khuôn mặt đá kiểu thế này: “Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào”. Những chữ như “hất hàm”, được viết tài tình đến thế, hoặc phải xoẹt đến trong óc nhà văn như một ánh chớp thiêng của luồng cảm hứng, hoặc phải gò lấy nó bằng cả một “từ công phu”.
Cái dáng đá hất hàm ấy trông nó xấc xược, hỗn hào, du côn một cách rất là hiện đại. Nhưng đọc cả đoạn văn, vẫn cảm tưởng thấy tác giả "Người lái đò Sông Đà" cứ như muốn vừa tìm sự hoà ứng vừa như muốn tranh đua với ca khúc thứ XII của Ôđixê bất hủ, đoạn tả chiếc thuyền của Uylixơ vượt qua khoảng giữa hai con quái thạch Karip và Xila. Hãy nghe lại âm vang hào tráng của Hômerơ từ bao nhiêu nghìn năm trước: “Chúng tôi… chèo thuyền tiến thẳng vào eo biển hiểm nghèo một bên là Xila, một bên là Karip ùng ục ngốn nước biển. Mỗi lần nó nhả nước ra, cả biển khơi đều chuyển động, sôi lên như nước trong chảo đặt trên một bếp lửa hồng… Rồi khi nó lại nuốt nước mặn vào thì làm biển sùng sục cuộn lên; vách đá xung quanh kêu réo ghê sợ, và đáy biển lộ ra với mặt cát đen thẫm… Có phải là ta đã gặp lại trong cái hung bạo của sông Đà hôm nay rất nhiều thần thái cái hung bạo của chốn eo biển nào rất xa xôi tận thời cổ đại?
Người ta bảo trong các nhà văn thật lớn thường vẫn còn một đứa trẻ thơ, và đứa trẻ ấy giúp nhà văn giữ được cái nhìn cảm tính trong trẻo hồn nhiên mà người lớn để cằn cỗi héo tàn đi trên đường đời khó nhọc. Trường hợp "Người lái đò Sông Đà" cho phép ta nghĩ thêm: trong đôi mắt của nhà văn lớn hôm nay hình như vẫn lấp lánh tia mắt không chỉ của tuổi thơ đời người mà còn của cả thời ấu thơ nhân loại. Và của cả những giai đoạn vẫn cổ xưa nhưng gần gũi chúng ta hơn. Đọc những dòng viết về thạch trận Đà giang, tôi cứ cảm thấy nó phảng phất những trận đổ trường xà, bát quái cũng có đủ cửa tử cửa sinh trong truyện cũ. Rồi lại chợt nhớ ra Gia Cát Khổng Minh cũng đã có lần lấy đá làm binh. Cứ thế, sự dữ dội của